Chỉ có thể “gọi” 50% người lao động đi làm
Suốt thời gian qua, hầu như ngày nào trên nhóm Facebook “Người Huế ở Sài Gòn” với hơn 55.000 thành viên cũng có người đặt mỗi câu hỏi: Giờ này em từ Huế vào Sài Gòn, hay vào Bình Dương, vào Đồng Nai… được chưa? Số người hỏi ước tính cả ngàn người chỉ trong vòng một tuần qua. Đa số từng là công nhân tại nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai hay TP.HCM.
Nguyễn Thị Mỹ Tiên (quê ở Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), một trong số hàng trăm bạn trẻ đặt câu hỏi trên ở diễn đàn này, cho biết cô là công nhân may tại nhà máy chuyên gia công giày N. ở H.Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Khu nhà trọ cô ở có 8 dãy nhà, toàn là công nhân, quê tứ xứ từ Bắc, Trung và Nam. Đến nay, số đã về quê gần 1/3 dãy nhà trọ, một số bị nhiễm Covid-19, đang điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Bình Dương.
Tiên nói: “Tụi em là số ít rủ nhau về Huế kịp khi Bình Dương bùng phát dịch, các bạn cùng khu trọ quê Nghệ An, Quảng Ngãi về đông hơn. Nay em nghe thông tin TP.HCM và các tỉnh sẽ mở cửa trở lại, hỏi để có thông tin chứ lúc này chưa có kế hoạch vào lại, vì sợ vào gặp dịch lại kẹt không thể quay về nữa”.
Tương tự, trên các diễn đàn như người Quảng Ngãi tại Sài Gòn, Thanh Hóa ở Sài Gòn, đồng hương Hà Tĩnh, Sài Gòn - miền Tây… đều có từ hàng trăm đến hàng ngàn người lên hỏi thông tin về việc mở cửa trở lại của khu vực phía nam. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó cũng cho biết chưa có kế hoạch vào nam đi làm cho đến hết năm nay.
Trong khi đó, các công ty tại phía nam đã rục rịch đăng tuyển công nhân để bắt đầu từng bước phục hồi sản xuất. Ngày 18.9, Công ty TNHH Pou Sung VN (KCN Bàu Xéo, Trảng Bom, Đồng Nai) thông báo đến người lao động bắt đầu hoạt động lại từ ngày 20.9 dựa theo kế hoạch ban hành trước đó 3 ngày của UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo thông báo của công ty, người lao động được đi làm trở lại nếu đáp ứng đủ điều kiện gồm đang ở trong khu vực vùng xanh tại địa phương, đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã điều trị khỏi Covid-19 sau 180 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính (công ty tổ chức xét nghiệm ngay tại nhà máy trong ngày 20.9).
Nếu người lao động nào đủ điều kiện mà không thể bắt đầu làm việc vào ngày 20.9 thì khi trở lại làm việc sẽ cung cấp kết quả xét nghiệm trong vòng 72 giờ (chi phí xét nghiệm này do công ty chi trả, tối đa 300.000 đồng). Những công nhân chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục ngừng việc cho đến khi có thông báo mới và được nhận lương ngừng việc bằng 50% mức lương tối thiểu vùng 85.000 đồng/ngày.
|
Thông báo trên đã khiến cho nhiều công nhân của Pou Sung phấn khởi vì sẽ được đi làm trở lại. Thế nhưng, hôm qua 22.9, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Sung VN, cập nhật công ty vẫn chưa được phép hoạt động trở lại.
Ban Quản lý KCN Bàu Xéo cho hay doanh nghiệp (DN) phải chờ có hướng dẫn cụ thể từ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai về vấn đề này. Ông nói trước hết, công ty đã lập kế hoạch sản xuất gửi ban quản lý KCN để xem xét và chờ phê duyệt.
Tuy nhiên, nếu được mở lại sản xuất, trong tổng số gần 26.000 công nhân thì tính đến nay chỉ có gần 50% số lao động của công ty này đã được tiêm vắc xin mũi 1. Trong số đó chỉ có khoảng 30% đủ thời gian 14 ngày sau tiêm. Đồng thời, chỉ có khoảng 20% số này đang ở vùng xanh, còn lại là ở trong các vùng vàng, đỏ nên cũng chưa đáp ứng đủ điều kiện quay lại làm việc.
Tương tự, ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty Furukawa Automotive Parts Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM), cho biết lượng lao động ngày thường của DN gần 8.000 người. Hiện tại, công ty đang duy trì sản xuất theo 2 phương án 3 tại chỗ và 2 điểm đến - 1 cung đường, với hơn 2.000 người. Số còn lại vẫn đang ở nhà, nhà trọ và phần lớn về quê.
“Nếu mở lại hoạt động bình thường với số lượng hơn 50%, công ty có thể huy động gọi người cũ đi làm được, nhưng nhiều hơn con số đó e là không có. Sẽ thiếu khoảng hơn 3.000 lao động nếu muốn quay trở lại sản xuất như ngày thường”, ông Thái chia sẻ.
Lao động về quê, chưa thể quay lại
Trong kế hoạch tổ chức lại, DN phải đảm bảo chỉ đưa đón công nhân bằng xe đưa rước và không cho phép công nhân tự đi làm bằng phương tiện cá nhân riêng. Công ty TNHH Pou Sung VN cho biết DN có thể đảm bảo phương tiện đưa đón công nhân từ nhà đến công ty.
Tuy nhiên, có những vùng xanh xen kẽ vùng đỏ, vùng vàng và công ty cũng chưa biết rằng xe đưa đón công nhân có được phép lưu thông từ vùng xanh xuyên qua vùng đỏ để đến nhà máy thuộc vùng xanh kế tiếp hay không? Nhưng ngay cả DN được phép sản xuất trở lại thì cũng chỉ có khoảng 20% lao động đáp ứng được các điều kiện, trong đó tiên quyết là phải tiêm 1 mũi vắc xin.
Thời gian đầu công ty được phân bổ 6.500 liều vắc xin và tiêm hết. Sau đó, vắc xin chỉ được phân bổ về địa phương nhưng chỉ ưu tiên tiêm cho người dân tại các vùng đỏ, vùng vàng. Vì vậy, số lao động đang thuộc vùng xanh rất nhiều lại chưa được tiêm vắc xin. Điều này cũng khiến cho việc tìm kiếm lao động bổ sung vào lúc này là rất khó. “Công ty đã ngừng sản xuất hoàn toàn 2 tháng qua.
Từ lúc ngừng là 22.7 đến hết tháng 8, công ty vẫn trả lương ngừng việc cho người lao động bằng lương tối thiểu vùng là 170.000 đồng/người/ngày, nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, chỉ còn đủ sức trả 50% là 85.000 đồng/người/ngày. Vì vậy công nhân đều mong muốn được đi làm trở lại để có thu nhập trang trải cho gia đình.
Công ty chỉ mong được hỗ trợ đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người lao động vì yêu cầu này DN không thể tự lo được. Còn các quy định khác khi có hướng dẫn cụ thể chúng tôi sẽ đáp ứng vì sản xuất sớm chừng nào càng tốt chừng đó để giữ chân khách hàng”, ông Lê Nhật Trường chia sẻ thêm.
Còn đối với Công ty CP may Sài Gòn 3, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT, cho hay gần 70% của gần 3.000 người lao động của công ty đã được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19. Vì vậy, ông rất mong muốn từ đầu tháng 10, TP sẽ bỏ mô hình 3 tại chỗ, cho phép những người đã có thẻ xanh Covid như tiêm xong 2 mũi vắc xin hay đã nhiễm bệnh và điều trị khỏi được đi làm bình thường. Khi đó, công ty sẽ khôi phục lại khoảng 50% công suất với số lượng lao động tương ứng và kỳ vọng đến tháng 11 sẽ sản xuất trở lại như trước.
“Nếu mở cửa trở lại, công nhân tiêm hay chưa tiêm vẫn đánh đồng như nhau, vẫn xét nghiệm âm tính tuần 2 lần thì chi phí của DN tiếp tục đội nữa”, ông Hồng nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Xuân Thái cho biết nếu nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế, cho tăng lượng người lao động đã tiêm tại các nhà máy, nhưng vẫn áp dụng mô hình 2 điểm đến - 1 cung đường và xét nghiệm thường xuyên thì chi phí của DN vẫn rất nặng.
Mở cơ hội cho người lao động quay lại nhà máy
Thực tế, trong tháng 8, khi dịch bùng phát mạnh, đã có nhiều địa phương tổ chức đưa người lao động đang kẹt tại miền Nam về quê nhà, một số lớn tự về bằng đủ các phương tiện. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước lượng người lao động từ phía nam về các tỉnh lên đến hàng chục ngàn người.
Trong khi đó, mới đây, tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục có công văn đề nghị các tỉnh hỗ trợ đưa người lao động về quê an toàn. Ngày 18.9 vừa qua, tỉnh Phú Yên đã tổ chức đưa người từ Bình Dương về quê đợt thứ 3 với 700 người. Riêng Phú Yên, trong đợt dịch thứ 4 này, tỉnh đã tổ chức tổng cộng 24 đợt đưa người dân từ TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương về quê với gần 14.000 người.
Bà Nguyễn Thái Trang, Giám đốc kinh doanh Công ty may mặc D.T (Q.8, TP.HCM), cho biết hơn 100 công nhân của xưởng đến nay 30% bị F0, điều trị tại nhà xong nhưng vẫn chưa được cấp giấy xác nhận. Nay nếu TP mở cửa hoạt động trở lại từ tháng 10, công ty cũng không thể gọi công nhân đi làm lại vì bản thân họ không có tờ giấy gì để chứng minh.
Một số ở trọ tại Q.8 và H.Bình Chánh đã được tiêm 1 mũi. Với quy định 2 mũi mới có thẻ xanh, mới đi làm trở lại thì gần 100 công nhân của xưởng may D.T không một người nào đủ tiêu chuẩn đi làm.
Bà Trang kiến nghị: “DN nói chung đến giờ này còn “sống” được và có tinh thần hoạt động trở lại thì có thể nói họ còn tiềm năng. Thế nên, TP nên nới lỏng các tiêu chí để người lao động có cơ hội quay trở lại công việc của mình dưới sự quản lý nghiêm ngặt của chủ công ty, xét nghiệm, 5K, khử khuẩn đầy đủ… Nếu mở nhưng người lao động không có cơ hội quay lại nhà máy thì DN làm việc với ai?”.
Theo ông Hoàng Xuân Thái, hiện tại có rất nhiều vùng xanh, người lao động sống tại đó có thể quay về nhà để đi làm. Nhưng chưa có bất kỳ hướng dẫn nào cho phép DN và người lao động rời mô hình 2 điểm đến - 1 cung đường. Nên ngay bản thân ông, nhà sống tại Q.7 đã thuộc vùng xanh vẫn chưa về nhà được.
“Hằng ngày chúng tôi vẫn từ khách sạn đến nhà máy trong KCX làm việc bằng xe đưa rước của công ty. Xe buýt 45 chỗ thì chỉ được phép chở 22 người. Tối xe lại đưa hơn 1.000 người về các khách sạn khu vực Q.7 ngủ. Nếu có thể, chúng tôi kiến nghị các địa phương, quận và phường, xã thuộc vùng xanh, có thể cho người về tuân thủ các cam kết cũng 1 cung đường để có thể giảm áp lực cho người lao động khi TP tiến đến mở cửa nhiều hơn”, ông Thái nói.
Cần một chiến lược, chương trình mang tầm quốc gia
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội VN, nhận định: Thời gian qua, đã có một cuộc dịch chuyển lao động lớn diễn ra. Rất nhiều lao động đã rời TP.HCM về quê, chuyển đổi sinh kế. Những trải nghiệm khủng khiếp vừa qua sẽ khiến nguồn lao động không thể trở lại trong thời gian ngắn hạn. Tất nhiên, quá trình đô thị hóa cũng sẽ kéo họ về lại với TP, nhưng thời gian chờ đợi không biết sẽ kéo dài bao lâu. Trong giai đoạn đó, TP.HCM thiếu hụt lao động, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp vốn đang sức yếu sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng quy mô toàn quốc, thậm chí là toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng lao động có thể sẽ xảy ra khi nơi thừa, nơi thiếu. Mặt khác, các DN muốn lôi kéo người lao động, trả lương cao nhưng cũng đã kiệt sức, muốn làm phải dựa vào những chính sách như giảm thuế, phí… để huy động lực lượng lao động. Nhân lực là tiền đề để hồi sinh kinh tế, tuy nhiên chỉ riêng 1 tỉnh, thành, 1 địa phương không thể tổ chức lại được. Cần một chiến lược, chương trình mang tầm quốc gia, cả hệ thống vào cuộc với bàn tay điều phối của Chính phủ đi cùng những quyết sách, chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía trung ương để làm cơ sở cho các địa phương huy động nguồn lao động trở lại.