Giá nguyên liệu tăng phi mã, vượt mọi dự báo chính là lý do giá phân bón thế giới và trong nước tăng mạnh. Phía doanh nghiệp trong nước cho biết phần lớn nguyên liệu để sản xuất phân bón mua theo giá thế giới, nên khi giá nguyên liệu thế giới tăng, giá sản xuất trong nước cũng tăng theo.
Đó là chưa kể theo quy luật thị trường chung, giá một mặt hàng mang tính phổ biến nào đó. Ví dụ phân bón, trên thế giới có sự thay đổi, giá trong nước cũng lập tức thay đổi, theo nguyên tắc bình thông nhau. Đây là cơ chế điều chỉnh của thị trường, để tạo ra mặt bằng giá chung trên toàn thế giới.
Vì thế, khi giá phân bón trên thế giới tăng cao như vừa rồi, hay ngược lại khi giá giảm sâu như cách đây vài năm, thì giá phân bón tại Việt Nam sẽ thay đổi tương ứng.
Theo phân tích của các công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế như Argus và Fertecon, giá ure và kali trên thế giới vẫn đang tăng cao. Dự báo trong tháng 7 tiếp tục tăng nóng, và khó hạ nhiệt trong năm nay. Vì thế, giá phân bón trong nước thời gian tới chưa thể hạ nhiệt.
Tuy nhiên, giá phân bón sản xuất trong nước vẫn có mức tăng ít hơn so với thế giới. Tại thị trường nội địa, các loại phân bón đang có giá thấp hơn phân nhập khẩu khoảng 1-2 triệu đồng/tấn.
Hiện các doanh nghiệp phân bón lớn như Phú Mỹ, Cà Mau đã chủ động dừng, giảm xuất khẩu cũng như mở rộng thị trường quốc tế, để tập trung tối đa nguồn hàng phục vụ thị trường trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gia tăng tối đa sản lượng.
Cụ thể, hết 5 tháng đầu năm 2021, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành với công suất trung bình đạt 105% sản lượng ure, quy đổi hơn 380 ngàn tấn, cung ứng toàn bộ ra thị trường. Lãnh đạo công ty cho biết trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục vận hành tối đa công suất, dừng các hoạt động xuất khẩu để tập trung vào thị trường trong nước, đảm bảo nguồn cung, góp phần hạ nhiệt giá phân bón.