Nhà băng đang thừa tiền hay thiếu vốn?

(ĐTTCO) - Lãi suất đang ở mức thấp trên 2 thị trường dân cư và liên ngân hàng, tăng trưởng huy động cao hơn năm ngoái, và NHNN liên tục nhắc chuyện thừa tiền trong hệ thống.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các nhà băng lại đang tăng tốc phát hành huy động vốn khủng. Vậy ngân hàng (NH) đang thừa vốn hay thiếu vốn?

Huy động vốn thuận lợi

Ghi nhận thực tế, lãi suất của các NHTM đã đi lùi liên tục trong các tháng gần đây. Đến ngày 11-10, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) chỉ còn 5,3%/năm. Kỳ hạn 6 tháng còn 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,3%/năm và kỳ hạn 1 tháng 3%/năm.

Ở các NHTMCP, hiện không có NH nào áp dụng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức 7%/năm. Lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 1 tháng 4,75%/năm, được áp dụng tại BacABank, NCB và SCB. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất thuộc về DongABank 6,2%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, GPBank áp dụng lãi suất cao nhất trong hệ thống cũng chỉ 6,55%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất giảm không cản trở dòng tiền chảy vào hệ thống NH. Xét riêng tiền gửi của dân cư, thống kê mới nhất của NHNN cho thấy số dư vào cuối tháng 7 đã phá kỷ lục của tháng 6, khi tăng thêm 6.707 tỷ đồng, lên gần 6,39 triệu tỷ đồng.

Còn tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin, tính đến ngày 30-9 tổng vốn huy động của các NHTM (bao gồm tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế) đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2022. Cùng kỳ năm ngoái, huy động vốn chỉ đạt 4,6%.

Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất huy động đã tiệm cận mức thấp trước dịch bệnh và được xem là về vùng đáy. Tuy nhiên, dòng tiền nhàn rỗi vẫn dồn về các NH vì hiện tại các kênh đầu tư khác đều có rủi ro nhất định. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm giảm nhưng so với tỷ lệ lạm phát 9 tháng khoảng 3,1%, người gửi tiền vẫn đang hưởng mức lãi suất thực dương.

Thừa ngắn, thiếu dài

Đầu vào dồi dào, đầu ra lại chậm hơn năm ngoái, khiến hệ thống NH đối mặt với căn bệnh thừa tiền. Cuối tháng 9, lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm xuống mức 0,15%/năm, kỳ hạn 1 tuần ở mức 0,35%/năm, kỳ hạn 1 tháng 1,14%/năm, cho thấy dấu hiệu thanh khoản của hệ thống dư thừa, NHNN phải hút bớt tiền về thông qua phát hành tín phiếu.

Hoạt động này đã làm lãi suất VNĐ trên liên NH tăng trở lại, dù vẫn còn ở mức thấp. Cụ thể, ngày 10-10 lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 0,66%/năm, 1 tuần 0,9%/năm, 2 tuần 1,4%/năm, 1 tháng 1,75%/năm, 3 tháng 3,64%/năm. Những điểm này cho thấy dấu hiệu tiền dư thừa trong hệ thống.

Nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà băng thừa tiền, nhưng vẫn đối mặt với khó khăn về dòng vốn dài hạn để bơm vào nền kinh tế.

Nhưng lại có động thái khác của các NH cho thấy không hẳn các NH đang quá thừa tiền. 7 tháng năm 2023 NH là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại TP, chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 76.968 tỷ đồng. Mục đích được cho là cơ cấu lại lãi suất, vì những khoản TP phát hành trước đây có lãi suất cao hơn hiện tại. Tuy nhiên sau giai đoạn đó, các nhà băng gấp rút tung TP mới ra thị trường.

Thống kê tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 8, đã có 12/22 đợt phát hành TP thuộc về các NH, với giá trị phát hành hơn 15.285 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 56%. Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường TP Việt Nam (VMBA), lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 9, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận 160.253 tỷ đồng, gồm 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 20.424 tỷ đồng (chiếm 12,7% tổng giá trị phát hành) và 129 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 139.830 tỷ đồng (chiếm 87,3%). Trong đó, ngành NH chiếm đa số với 69.719 tỷ đồng (43,5%), theo sau là nhóm bất động sản với 55.677 tỷ đồng (34,7%).

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho biết, hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ có sự phục hồi tích cực trong quý III, khi cao gấp 2,7 lần so với quý II. Sự phục hồi này đến từ sự gia tăng phát hành của nhóm NH, khi tổng giá trị phát hành trong quý III đạt khoảng 47.224 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ABBank cũng đã chào bán và huy động thành 1.000 tỷ đồng TP thời hạn 2 năm với lãi suất 6,4%/năm vào ngày 2-10. Đây là đợt phát hành TP thứ 3 của ABBank trong năm 2023. Trước đó, ngày 25 và 28-8, ABBank đã phát hành thành công 2 lô TP có giá trị 1.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 2-3 năm, giá trị mỗi TP 1 tỷ đồng.

VIB cũng thông báo thu về hơn 2.000 tỷ đồng sau khi phát hành thành công 20.000 TP mệnh giá 100 triệu đồng/TP, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 29-9-2026, lãi suất 5,7%/năm. Hay mới đây LPBank đã huy động thành công 4.200 tỷ đồng từ TP.

Bên cạnh đó, kế hoạch phát hành TP mới trong năm nay cũng khá lớn, Đơn cử, ABBank muốn phát hành tổng cộng 6.000 tỷ đồng TP, LPBank có kế hoạch huy động tối đa 10.000 tỷ đồng TP riêng lẻ. Sau phương án phát hành TP riêng lẻ lần 1 với tổng quy mô tối đa 20.000 tỷ đồng, ACB vừa thông qua nghị quyết về phương án phát hành TP riêng lẻ lần 2 năm 2023 với trị giá tối đa 5.000 tỷ đồng.

Các NH đang ồ ạt phát hành TP trong bối cảnh được cho đang thừa tiền. Như vậy, các nhà băng hiện nay không hẳn đang thừa vốn, mà là thừa vốn ngắn hạn và thiếu vốn trung và dài hạn. Nhiều báo cáo đưa ra gần đây cũng nhận định, hoạt động phát hành TP của nhóm NH đang diễn ra tích cực, vì từ ngày 1-10-2023 tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các NH phải giảm về mức 30% từ mức 34% theo quy định tại Thông tư 08/2020 của NHNN.

Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 7 tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn duy trì ở mức 32,66% với nhóm các NHTMCP, nhóm NHTM có vốn nhà nước là 24,97%. Xét chung toàn hệ thống tỷ lệ này là 26,14%. Nhưng theo số liệu mới nhất, tính đến cuối tháng 8 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đã tăng lên 28,78% so với cuối tháng 7.

Xét ở nhóm NHTM nhà nước, tỷ lệ này đã giảm từ 24,97% xuống còn 24,67%. Ngược lại, tỷ lệ này tăng mạnh ở nhóm NHTMCP từ 32,66% lên 39,11%, cao hơn mức trần cho phép 34%, tương ứng áp lực kéo giảm tỷ lệ này còn khá cao.

Các tin khác