Nhà băng ngoại tăng cường hiện diện

Citibank, NH có trụ sở chính tại Hoa Kỳ, vừa được NHNN chấp thuận về nguyên tắc thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy cho đến nay hầu hết nhà băng đến từ các quốc gia, đặc biệt các nước lân cận, đang tăng cường thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam.

Citibank, NH có trụ sở chính tại Hoa Kỳ, vừa được NHNN chấp thuận về nguyên tắc thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy cho đến nay hầu hết nhà băng đến từ các quốc gia, đặc biệt các nước lân cận, đang tăng cường thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam.

 

Citibank là NH 100% vốn từ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam. Bà Natasha Ansell, Tổng giám đốc văn phòng đại diện Citibank Việt Nam, cho biết NH dự kiến trình hồ sơ cấp phép tới các cơ quan có thẩm quyền tại Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian tới sau khi nhận được sự chấp thuận chính thức từ Hội đồng quản trị của Citibank.

Được biết, Citibank hoạt động tại Việt Nam dưới tên gọi First National City Bank trong giai đoạn 1972-1975 và tái thiết lập hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993 với văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội, sau đó Citibank mở chi nhánh thứ hai tại TPHCM vào năm 1998.

Tính đến nay, Việt Nam có 5 NH 100% vốn nước ngoài là ANZ, Hong Leong, HSBC, Shinhan Vietnam và Standard Chartered. NH gần đây được NHNN chấp thuận về nguyên tắc cho phép lập nhà băng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia vào tháng 3-2015.

Hiện nay NH lớn nhất Malaysia là Maybank cũng đã tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam với 2 chi nhánh ở Hà Nội và TPHCM và hiện là cổ đông chiến lược của NH An Bình. Được biết, CIMB - NH lớn thứ hai của Malaysia - cũng đang xin giấy phép để hoạt động tại Việt Nam. Cũng trong những tháng đầu năm 2015, NH Kasikorn - một trong những NH hàng đầu của Thái Lan có quy mô hoạt động trên toàn châu Á - đã chính thức thành lập 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM.

Vào tháng 5-2015, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng có kiến nghị sớm xem xét, cấp phép hoạt động cho NH UOB (Singapore) 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nay có hơn 50 NH trên thế giới có chi nhánh, văn phòng đại diện và 3 NH liên doanh hoạt động tại Việt Nam.

Trong khi các NH trong nước phải khó khăn để tái cơ cấu, các NH nước ngoài với sự hậu thuẫn của các tập đoàn tài chính lớn, đặc biệt ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia… đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Sự thâm nhập này vừa là yếu tố tích cực cho thị trường tài chính Việt Nam, nhưng cũng là thách thức không nhỏ với các NH nội trên chính sân nhà.

Bức tranh hệ thống NH Việt Nam đang có 4 nhóm đại diện cơ bản cho 4 khối: NHTM nhà nước, NHTMCP, NH liên doanh và NH nước ngoài-chi nhánh NH nước ngoài. Trong đó nhóm NH có yếu tố nước ngoài đang ngày càng thay đổi màu sắc của mình, với sự thâm nhập tuy âm thầm nhưng cũng khá quyết liệt vào thị trường được đánh giá tiềm năng như Việt Nam.

Trong khi chiến lược của đa số NH nội giai đoạn hiện nay đều hướng đến trở thành NH bán lẻ, nỗ lực đưa ra nhiều gói sản phẩm tài chính phục vụ nhu cầu cho khách hàng cá nhân, thì NH ngoại đã “nuôi” ý định này cách đây khá lâu. Đơn cử ANZ, từ năm 2008 đã giới thiệu dịch vụ mang tên “dịch vụ NH tận nơi” nhằm tư vấn miễn phí các khách hàng không có thời gian đến NH để giao dịch tại Hà Nội và TPHCM.

Đội ngũ bán hàng sẽ dùng xe Vespa làm phương tiện di chuyển và được trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy in, máy scan... Chính sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm lĩnh vực bán lẻ của các nhà băng ngoại sẽ là những khó khăn lớn các NH nội phải đối mặt.

Với việc tham gia mạnh mẽ của các NH ngoại, sự cạnh tranh trên thị trường tín dụng tiêu dùng sẽ ngày càng gay gắt hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ cũng có nhiều rủi ro đòi hỏi các NH phải có bộ máy quản trị tốt. Xem ra với thế mạnh vượt trội so với NH nội, sự thâm nhập của NH ngoại sẽ làm cho chiếc bánh thị phần bán lẻ có thể bị phân chia lại.

Các tin khác