Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc khởi động lại chủ trương này nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên để làm ra vật liệu xây dựng truyền thống đã cạn kiệt.
Giữa đường “gãy gánh”
Năm 2018, 10 căn nhà đầu tiên trong tổng số 40 căn nhà lắp ghép bằng công nghệ mới - công nghệ bê tông cốt phi kim (dùng sợi GFRP, PP, PE - PV) được bàn giao cho những hộ dân gặp khó khăn về nhà ở tại 2 tỉnh Cà Mau và Bến Tre, đã tạo nên điểm sáng về việc thay đổi công nghệ xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường.
Vật liệu cốt phi kim có ưu điểm cách âm, cách nhiệt, chống thấm - đây là sản phẩm do Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) nghiên cứu thực hiện. Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, bê tông cốt phi kim là giải pháp mới cho công trình trên biển, tại các khu vực có môi trường khí hậu khắc nghiệt, chịu sự tác động nặng nề của phong hóa, ăn mòn và tác động của nước biển. Các cấu kiện của ngôi nhà như móng, cột, dầm, đà, tường… được đúc sẵn bằng vật liệu bê tông cốt phi kim có các khớp nối, rãnh, khe, gờ để liên kết ngàm với nhau khi sử dụng.
Các tấm vách tường có tính năng chống thấm tuyệt đối, được kiểm tra bằng phương pháp thử nghiệm bịt 2 đầu bơm nước theo dõi dài hạn. Trong thực nghiệm cũng như trên thực tế, việc lắp ghép các cấu kiện đúc sẵn giúp rút ngắn tiến độ thi công chỉ còn khoảng 1/3 thời gian so với giải pháp xây nhà truyền thống. Cụ thể nếu tính bằng giá trị, cùng xây một ngôi nhà giống nhau, chi phí rẻ hơn 30% so với kỹ thuật xây dựng nhà truyền thống.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, song chỉ sau lần ra mắt hoành tráng đó, đến nay, không hiểu vì sao, những công trình tương tự không còn thấy nhắc đến. “Năm 2017, doanh nghiệp chúng tôi có phối hợp với Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) phát động chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở, xâm nhập mặn theo hình thức xã hội hóa. Nhưng sau việc xây 10 căn nhà nói trên, không thấy phản hồi từ phía Cục Phòng chống thiên tai và cũng do một số điều kiện khách quan nên chúng tôi tạm ngưng xây dựng nhà lắp ghép để tập trung vào những hạng mục công trình khác”, Giám đốc Busadco, ông Nguyễn Quang Tùng chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những căn nhà nêu trên là một phần trong cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 5.
Cùng thời điểm trên, sản phẩm bê tông lắp ghép với cấu kiện bê tông đúc sẵn cũng đã được một số doanh nghiệp nghiên cứu cho ra đời nhằm giải bài toán thời gian xây dựng, cũng như giảm chịu lực hệ khung dầm trong các tòa nhà cao tầng. Theo phương pháp này, các thành phần cấu kiện riêng biệt như sàn, trần, tường, dầm… được chế tạo sẵn tại nhà máy rồi đem lắp ghép lại theo thiết kế.
Theo Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng (CJSC) Vũ Tiến Dũng, ưu điểm của sản phẩm này là được sản xuất tại nhà máy nên độ chính xác cao, chất lượng bề mặt bê tông gần như phẳng tuyệt đối, kích thước hình học sản phẩm không sai lệch nên sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, lắp ghép chính xác, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Chưa kể, trong quá trình thi công không có hao hụt vật liệu như xây dựng gạch truyền thống nên công trường thi công luôn sạch, không rác thải, không sử dụng hệ giàn giáo, coppha nên không tốn kém nhân công phục vụ, dọn dẹp...
Tiện lợi là thế nhưng vì sao vật liệu xây dựng, phương thức xây dựng này không được thị trường đón nhận? Theo chính các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng này, mấu chốt là người tiêu dùng vẫn chưa quen với các sản phẩm mới. Đặc biệt, nhiều nhà thầu xây dựng cũng chưa mặn mà với những sản phẩm này vì nhiều lý do.
Khởi động lại
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trên thế giới nhà lắp ghép đã xuất hiện và phát triển từ gần 100 năm nay nhờ tính năng ưu việt của nó. Ngoài thi công nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhà lắp ghép còn rất thân thiện với môi trường khi giúp hạn chế khai thác tài nguyên trong xây dựng. Bởi nhà lắp ghép là sản phẩm công nghiệp, nhiều nguyên liệu trong sản xuất vật liệu này được tái chế từ phế liệu.
Trở lại với Việt Nam, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nhà lắp ghép rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn.. ở nước ta. Chưa kể, với giá thành rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân Việt.
Ghi nhận thực tế cho thấy, mặc dù chưa được sử dụng phổ biến, đặc biệt trong phân khúc nhà ở, nhưng nhà lắp ghép lại được thực hiện nhiều ở những công trình kinh doanh như siêu thị, quán cà phê, thẩm mỹ viện, homestay… nhờ thời gian thi công nhanh, giá thành thấp và có thể tháo, lắp di chuyển linh hoạt. “Hiện đã có nhiều vật liệu xây dựng mới rất chắc chắn với tuổi thọ lên tới 50 năm. Các mẫu nhà lắp ghép cũng đa dạng hơn, thậm chí còn đẹp, sang trọng như biệt thự, nhà vườn”, kiến trúc sư Trần Duy Tính lý giải về xu hướng sử dụng nhà lắp ghép trong các siêu thị, quán cà phê… đang phổ biến.
Từ thực tiễn này, nhiều kiến trúc sư cũng như doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mới đều cho rằng, đã đến lúc khởi động lại việc khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường, nhất là khi nguồn tài nguyên sử dụng để làm vật liệu xây dựng truyền thống như cát, đá, gạch, xi măng… ngày càng cạn kiệt.
Chưa kể, với ảnh hưởng ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu, việc chọn vật liệu, phương pháp xây dựng nhanh, thân thiện môi trường với chi phí rẻ... càng cấp thiết bởi đó là phương pháp khả thi trong khắc phục hậu quả của thiên tai. Nhà được xây nhanh sẽ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Nhà nước hỗ trợ sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường Theo Nghị định 24a/2016/ NĐ-CP về Quản lý vật liệu xây dựng, Nghị định 09/2021 điều chỉnh, bổ sung một số điều của Nghị định 24 a/2016, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Nhà nước hạn chế và xóa bỏ theo lộ trình các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. |
Ưu tiên sử dụng vật liệu mới trong dự án thực hiện bằng ngân sách Theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, Bộ Xây dựng cũng như Sở Xây dựng các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vật liệu mới. Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của bộ ngành chức năng bởi Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp này. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất hay phân phối sản phẩm này chưa nhiều nên giá thành sản phẩm vẫn chưa thực sự hấp dẫn mạnh với người tiêu dùng. Theo nhiều chuyên gia, nếu nguồn cung tăng lên, kèm với các dịch vụ phân phối, xây dựng phát triển, chi phí xây dựng nhà lắp ghép còn giảm nữa. Trước mắt, Nhà nước nên khuyến khích các dự án sử dụng vốn ngân sách sử dụng sản phẩm vật liệu bê tông lắp ghép hay sản phẩm vật liệu mới khác trong một số hạng mục công trình phù hợp. Mặt khác, viện kiến trúc, cơ sở nghiên cứu vật liệu mới, trường đại học cùng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu xây dựng các thiết kế điển hình, nhà mẫu. Sự kết hợp giữa nhà đầu tư, nhà sản xuất và nhà khoa học sẽ tạo nên điểm tựa quan trọng cho sự phát triển công nghệ, nhà lắp ghép trong tương lai. |