Nhà ở công nhân, cần cơ chế chung tay

(ĐTTCO) - Theo GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, việc xây dựng nhà ở cho công nhân là cần thiết nhằm giữ chân và ổn định nguồn lực lao động tại các địa phương kinh tế trọng điểm. Song không thể sử dụng cơ chế bao cấp bằng ngân sách nhà nước (NSNN), thay vào đó là cơ chế chung tay từ nhiều bên.

Song không thể sử dụng cơ chế bao cấp bằng ngân sách nhà nước (NSNN), thay vào đó là cơ chế chung tay từ nhiều bên.
Nhà ở công nhân, cần cơ chế chung tay ảnh 1 Phát triển nhà ở cho công nhân cần có cơ chế chung tay của các bên, trong đó có Nhà nước, địa phương, DN và cả người lao động. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhà ở cho công nhân là vấn đề đã được đề cập đến từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn là bài toán khó, gần như chưa có lời giải. Hiện có ý kiến đề xuất Nhà nước nên dùng NSNN để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Quan điểm của ông về vấn đề này?
GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ: - Vấn đề thiếu nhà ở cho công nhân có ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Song ở một số nước công nhân tiếp cận được với nhà ở dễ dàng hơn so với ở Việt Nam, nhờ chính sách tiền lương của họ khoa học.
Ở một số quốc gia phát triển, tiền lương chủ doanh nghiệp (DN) chi trả cho công nhân bao gồm cả chi phí cho tiền nhà ở và tương đối cao, trong khi ở Việt Nam tiền lương hầu như không bao hàm chi phí này. 
Câu hỏi đặt ra có nên sử dụng NSNN để xây dựng nhà ở cho công nhân? Tôi cho rằng không nên và đây cũng là điều không thể làm được. Đến nay, mới chỉ có một số nước phát triển như Bắc Âu mới có đủ khả năng sử dụng NS để xây dựng nhà ở xã hội (NoXH) cho người dân nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng.
Đối với Việt Nam, NS quá hạn hẹp không thể thực hiện theo chính sách bao cấp được mãi, mà bao cấp cũng chỉ giải quyết được trong phạm vi rất hạn hẹp, trong khi đó hàng triệu công nhân vẫn không có nhà ở.
- Mới đây Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung 30.000 tỷ đồng vào danh mục phát triển NoXH, trong đó có nhà ở công nhân vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi nếu gói này được hiện thực hóa?
- Như tôi đã nói do NS của ta quá hạn hẹp, không thể bao cấp được mãi vấn đề nhà ở cho công nhân. Tôi lấy đơn cử, số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy tính đến năm ngoái khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở và để đáp ứng nhu cầu này phải xây dựng gần 1 triệu căn hộ.
Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở công nhân rất lớn. Nhưng để tính toán về mặt lâu dài phải giải quyết bằng chính sách thị trường, không phải bằng NS nghiêng về bao cấp. Chính sách thị trường ở đây là Nhà nước cần can thiệp vào để hạ giá đất, như miễn tiền sử dụng đất cho DN xây dựng, ưu tiên tìm quỹ đất giá rẻ, thủ tục hành chính cho loại hình này phải nhanh gọn so với hiện nay.
Có hạn chế tồn tại nhiều năm nay là chính sách phát triển NoXH cũng như nhà ở của công nhân tại nước ta vẫn còn mang tính bao cấp, trông chờ vào Ngân hàng Chính sách xã hội - vốn là ngân hàng của Nhà nước, nên chưa phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, nguồn lực của chúng ta còn đơn điệu các kênh huy động.
Trong khi Nhà nước không đủ lực để làm điều đó, kể cả những dự án NoXH hay thương mại giá rẻ hiện cũng chưa huy động được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước để phát triển phân khúc này.
Hệ quả đã nhìn thấy là nhiều dự án đang bị hụt hơi từ gói tín dụng ưu đãi. Chủ đầu tư không thể đi vay tín dụng với lãi suất lớn để thực hiện khi biết chắc không có lợi nhuận. 
Cách đây mấy năm, câu chuyện của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường NoXH chững lại cả lực cung và cầu, hoặc để lại những dở dang, đứt đoạn và chính sách NoXH không phát triển thêm được là minh chứng cho hạn chế này.
Nhà ở công nhân, cần cơ chế chung tay ảnh 2
- Theo ông, để huy động nguồn lực cho phát triển nhà ở dành cho công nhân, cần đa dạng hóa nguồn lực bằng cách nào?
- Tôi cho rằng nhà ở dành cho công nhân về cơ bản vẫn thuộc nhóm nhà xã hội và nhà thương mại giá rẻ, không nên có sự phân tách ở đây. Bởi khi với mức giá hợp lý người lao động có thể tiếp cận được.
Có thể tìm được vốn tín dụng ưu đãi từ nhiều nguồn khác như nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Quan trọng là cần có cơ chế chung tay của các bên, trong đó có Nhà nước, địa phương, DN và cả người lao động. 
Ở phía Nhà nước, cần hỗ trợ bằng cơ chế chính sách thông thoáng, như ưu tiên về thuế đất, quỹ đất. Về phía DN cần chú trọng đến đời sống an sinh cho công nhân để nuôi dưỡng nguồn nhân công dài hạn. Địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đất đai.
Còn phía người lao động nên có quy định về việc trích tiền lương cho quỹ nhà ở. Bởi chỉ có hình thành quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên DN, ngân hàng, tổ chức xã hội, cá nhân  đóng góp, những người có thu nhập thấp mới mua được nhà giá rẻ.
- Nhưng thực tế các địa phương hiện nay trích lập quỹ đất dành cho xây nhà công nhân ở rất hiếm, thậm chí khó khăn dù đã có chủ trương từ Chính phủ?
- Mấu chốt các địa phương không mặn mà với việc trích lập quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở cho công nhân, do họ lo ngại không thu được NS cho địa phương từ loại hình quỹ đất này.
Bởi nếu xây dựng nhà ở cho công nhân có nghĩa địa phương phải chấp nhận trích lập quỹ đất, chấp nhận miễn giảm thuế thuê đất cho DN để khuyến khích họ đầu tư cho các dự án xây dựng nhà ở công nhân. Nếu làm như vậy địa phương sẽ bị thất thu các nguồn từ đất. 
Có thể nói đây là nguyên nhân khiến nhiều tỉnh, thành nhiều năm qua vẫn chần chừ. Song, cần phải có cơ chế hoặc có sự giải thích cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh thành trọng điểm kinh tế hiểu rằng, xây dựng nhà ở cho công nhân là tầm nhìn cho lợi ích lâu dài, nuôi dưỡng nguồn thu NS dài hạn, không phải là câu chuyện trước mắt.
Bởi khi người lao động an cư và yên tâm làm việc, họ và DN sẽ đóng góp thuế cho NS của chính địa phương đó.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác