Hiện có 21% các công ty Ấn Độ đang hoặc dự định thiết lập hoạt động tại Đông Nam Á có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 2 năm tới.
Bên cạnh đó, có 26% doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng đang hướng đến ưu tiên tăng trưởng tại đây.
Đây là một số kết quả từ khảo sát “HSBC Navigator: Tiêu điểm Đông Nam Á,” do Ngân hàng HSBC thực hiện với hơn 1.500 công ty từ 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới (gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Anh và Mỹ) đang hoạt động hoặc có kế hoạch hoạt động ở Đông Nam Á trong tương lai.
Khảo sát này xem xét ý kiến của các doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh ở Đông Nam Á, đặc biệt tập trung vào thương mại, số hóa và phát triển bền vững.
Xét về các lợi thế của Việt Nam, 3/10 công ty được khảo sát nhận thấy lực lượng lao động có kỹ năng của Việt Nam là đặc điểm hấp dẫn nhất của thị trường này, trong khi 27% số người được hỏi bị thu hút bởi triển vọng kinh tế lạc quan của đất nước, giá nhân công cạnh tranh và tinh thần kiên cường của Việt Nam qua đại dịch.
Hiện có 39% các công ty Ấn Độ lựa chọn Việt Nam do cơ sở hạ tầng phát triển và 49% ưa chuộng những hỗ trợ của Chính phủ và môi trường pháp lý; 36% công ty Mỹ cho biết thị trường này thu hút họ, vì có nhiều cơ hội để thử nghiệm và phát triển các sản phẩm/giải pháp mới.
Đặc biệt, có tới 49% số người tham gia khảo sát, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, muốn tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để tăng cường và hỗ trợ hoạt động giao thương của họ với khu vực này.
Ở chiều ngược lại, 33% công ty được khảo sát nhận thấy rằng họ phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung ứng do tác động của đại dịch khi kinh doanh tại Việt Nam. Các vấn đề văn hóa, bao gồm hạn chế về ngôn ngữ và cách thức kinh doanh cũng khiến các doanh nghiệp quan ngại. 31% công ty cho rằng đây là một thách thức đặc biệt đối với họ ở Việt Nam.
Đáng chú ý, vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam cũng được các nhà đầu tư quốc tế đang hoạt động tại đây cân nhắc rất kỹ lưỡng. Có 45% công ty hoạt động tại Việt Nam cho rằng các hoạt động bền vững quan trọng nhất mà họ có thể thực hiện là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; 42% nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, có khoảng 31% doanh nghiệp tham gia khảo sát đang hoạt động tại Việt Nam lo lắng rằng các quy định và quy tắc mới về giảm thiểu carbon có thể ảnh hưởng đến họ. Do đó, một số công ty nhận thấy cần phải cải thiện kiến thức về phát triển bền vững cho nhân sự của mình, trong khi 36% cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên có kỹ năng phù hợp về phát triển bền vững.
Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc kiểm soát thành công dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai chương trình vaccine, từ đó tiến tới phục hồi và tái mở cửa nền kinh tế. Với những yếu tố cơ bản vững chắc và vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam hiện đang vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất trên thế giới. Một vị thế tuyệt vời có được nhờ những chính sách ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do.
“Thông qua những trao đổi của HSBC Việt Nam với các khách hàng doanh nghiệp đa quốc gia, chúng tôi tin rằng xu hướng ngày càng nhiều các doanh nghiệp toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam không phải là tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài,” ông Tim Evans nhận định.
Ngoài ra, HSBC Việt Nam cũng cho rằng việc phát triển bền vững và chuyển đổi sang cân bằng phát thải sẽ tạo ra những cơ hội lớn sau khi Việt Nam công bố những cam kết đầy tham vọng sau Hội nghị COP26. “Tôi nhìn thấy một Việt Nam với mong muốn tiếp tục giữ vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đồng thời nỗ lực trở thành một căn cứ địa xanh hơn, sạch hơn của thế giới,” đại diện HSBC Việt Nam chia sẻ.