Tăng cường liên kết vùng
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, khẳng định trong quá trình phát triển đi lên của TP, việc liên kết vùng nhằm tạo thêm sức mạnh cũng như thêm điểm đến để khách chi tiêu nhiều hơn. Hiện nay, thời gian lưu trú của khách khi đến Việt Nam trung bình 12,9 ngày, riêng tại TPHCM 4,9 ngày.
Để việc liên kết vùng có hiệu quả, ông Vũ đưa ra 5 giải pháp: Phát triển sản phẩm du lịch chung, đặc biệt quan tâm đến tính đặc trưng sự đa dạng và giá cả; xúc tiến quảng bá du lịch phải có tính liên kết giữa các địa phương, các hoạt động phải mang tính bổ trợ lẫn nhau; liên kết trong công tác quy hoạch và quản lý du lịch; thu hút đầu tư vào phát triển liên kết vùng trong du lịch.
Đồng tình với những chia sẻ của ông Vũ, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết các DN du lịch ở TPHCM và Bà Rịa Vũng Tàu kết nối với nhau thông qua nhiều hoạt động. Tính cho đến nay khoảng 85% khách du lịch bến Bà Rịa - Vũng Tàu xuất phát từ TPHCM. Nếu không có sự liên kết tốt, Vũng Tàu khó để phát triển như vậy. Trong quá trình liên kết TPHCM đóng vai trò trung tâm, Vũng Tàu trở thành vệ tinh xoay quanh bổ sung, tạo tính cạnh tranh quốc tế.
Trong vai trò của DN du lịch, ông Vương Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cho rằng DN du lịch đang nỗ lực kết nối vùng nhưng thực tế việc liên kết vẫn chưa thực chất. Như TPHCM, với vai trò trung tâm trong liên kết cần có nhiều thay đổi hơn, vì đang đứng trước các thách thức như lợi thế cửa ngõ sân bay quốc tế đang giảm, sản phẩm du lịch chưa có nhiều đổi mới, tiếp thị, nguồn lực còn hạn chế…
Nâng cấp sản phẩm du lịch
Nâng cấp sản phẩm du lịch
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám Công ty du lịch Vietravel, các sản phẩm du lịch của Việt Nam và TPHCM nói riêng hiện nay nặng về lấy văn hóa làm nền tảng, nên chủ yếu là các sản phẩm du lịch từ 7h sáng đến 17h, còn các sản phẩm từ 18h đến 2h sáng còn nghèo nàn. Trong khi đó, khách lại có nhu cầu với nhóm sản phẩm về đêm và lợi nhuận từ những sản phẩm này không hề nhỏ.
Điều này có thể thấy rõ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thí dụ, việc phát triển phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là bước tiến đáng ghi nhận, nhưng các hoạt động văn hóa quần chúng vẫn còn quá ít làm thiếu tính hấp dẫn cho du khách.
Nói về những thách thức với du lịch TPHCM cũng như việc làm sao phát triển các sản phẩm du lịch hiệu quả, ông Bùi Tá Hoàng cho biết TPHCM luôn là trung tâm của vùng và cũng có những lợi thế rất riêng của mình trong phát triển. TP đang thực hiện nhiều chương trình trong đó có 7 chương trình đột phá, ngoài ra TP cũng đang trên hành trình xây dựng TP thông minh, lúc đó sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa.
Hiện TPHCM đang có chủ trương nghiên cứu đô thị lấn biển Cần Giờ, đầu tư khu công viên Safari ở Củ Chi, đầu tư trung tâm thể dục thể thao và nhiều công trình quan trọng hỗ trợ để TP trở thành điểm đến đa dạng. Ngoài ra TP cũng đang có chủ trương hình thành trung tâm mua sắm phong phú với điều kiện hoàn thuế thuận lợi. 3 tháng đầu năm TPHCM đón được 1,98 triệu khách du lịch quốc tế cũng mức tăng trưởng tốt.
Tham gia diễn đàn lần này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam, cho rằng du lịch TPHCM đang đứng trước 4 thách thức lớn. Thứ nhất, có tài nguyên nhưng sản phẩm chưa đồng bộ, chưa thể hiện sự sáng tạo. Thứ hai, điểm nghẽn về hàng không. Thứ ba, vấn đề an ninh, an toàn cho điểm đến.
Thứ tư, liên kết nội tại và liên kết vùng để giải quyết các thách thức đặt ra. Tuy vậy, TPHCM luôn luôn là một trong những trung tâm đóng góp quan trọng cho du lịch Việt Nam. Những vấn đề đặt ra với du lịch TP cũng là vấn đề với du lịch Việt Nam. Để giải quyết các vấn đề cần sự vào cuộc năng động sáng tạo của các cơ quan ban ngành, các DN.
“Khó khăn thách thức là đương nhiên nhưng chúng ta sẽ có cách vượt qua và thu về những kết quả tốt đẹp cho du lịch TPHCM và cả du lịch Việt Nam” - ông Tuấn khẳng định.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UNBD TPHCM, cho rằng ngành du lịch TPHCM cần phải đầu tư tìm hiểu nhu cầu đối tác, làm tốt công tác quảng bá, sản phẩm du lịch phải đặc sắc, chuyên nghiệp, có trọng tâm. Việc phát triển các sản phẩm đặc thù sẽ giúp du lịch TPHCM cạnh tranh tốt hơn với các nước trong khu vực.