Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, từ 1.350 làng nghề và làng có nghề, đến nay trên địa bàn thành phố còn hơn 800 làng nghề và làng có nghề.
Mới đây, thành phố tiếp tục đưa ra danh sách 29 làng nghề đã mai một, cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi "Danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống".
Làng nghề mây tre, giang đan Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ được công nhận làng nghề truyền thống năm 2009, tuy nhiên đến nay, số hộ làm nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, một số ít đã chuyển hướng nghề khác để đảm bảo thu nhập.
Do sức khỏe không tốt, không đi chợ buôn bán như trước được, bà Lê Thị Thi (xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội) nhận nguyên liệu và gia công sản phẩm này để kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng chẳng đáng bao nhiêu.
"Một ngày chịu khó làm từ 7h sáng đến 11h đêm thì được 100.000 đồng", bà Thi chia sẻ.
Thôn Lam Điền được công nhận làng nghề truyền thống năm 1999, đến nay số lượng người lao động làm nghề không còn nhiều, đa phần là người lớn tuổi gia công song, guột, còn nghề truyền thống gốc là mây tre giang đan gần như không còn.
"Trước đây, làng nghề làm mây tre giang đan, nhưng giờ là chuyển sang song, guột, tôi chỉ thu mua, gia công và chuyển sang Trung Quốc", bà Nguyễn Thị Thủy, xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội, cho biết.
"Nó là truyền thống, nhưng do hiện trạng bây giờ thu nhập của nghề mây giang đan rất thấp nên người ta chuyển sang các ngành nghề như lao động ở công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, với việc thu hồi, chúng tôi cũng không có ý kiến gì cả", ông Dương Đắc Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội, cho hay.
Huyện Chương Mỹ có 8 làng nghề mây tre giang đan mà thành phố đề xuất đưa ra khỏi danh sách công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống. Đối với người dân, danh hiệu này dường như không còn nhiều ý nghĩa khi làm nghề không đủ lo cho cuộc sống của họ.