Nhiều loại hình vận tải đã giảm giá cước sau khi xăng dầu ‘hạ nhiệt’

(ĐTTCO) - Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, nhiều lĩnh vực vận tải như xe taxi, xe khách và tàu hỏa đã giảm giá cước sau nhiều lần giảm giá xăng dầu liên tiếp.
Hiện tại, khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm khoảng 5,26-14,7% giá cước vận tải sau khi xăng dầu giảm liên tiếp.
Hiện tại, khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm khoảng 5,26-14,7% giá cước vận tải sau khi xăng dầu giảm liên tiếp.

Bộ Giao thông Vận tải vừa thông tin về việc điều chỉnh giảm giá cước các lĩnh vực vận tải đến thời điểm hiện nay và đưa ra các giải pháp quyết liệt để kiềm chế việc tăng giá tàu, xe… các dịp lễ, Tết.

Cước taxi, vé xe khách và tàu hỏa đồng loạt giảm

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu liên tục tăng cao đã tác động ảnh hưởng đến chi phí vận tải và giá dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải.

Do vậy, một số doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh tăng giá dịch vụ vận tải để bù đắp chi phí như: Tăng giá cước hành khách vận tải đường bộ, cước vận tải hàng hóa đường bộ tăng khoảng từ 10-20% tùy theo cung đường và loại hàng hóa; giá cước vận tải hàng hóa đường sắt điều chỉnh tăng từ 3-5% so với giá cước đã công bố từ đầu năm; giá vé trên các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo tăng từ 15-20% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải không điều chỉnh tăng giá như giá vé dịch vụ vận tải hành khách đường thủy nội địa; giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt nên các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỷ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động của giá nhiên liệu.

Đặc biệt, từ tháng 7/2022 đến nay, sau khi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp để điều hành giảm giá nhiên liệu nhằm bình ổn giá trên thị trường, giá nhiên liệu trong nước đã có 5 lần điều chỉnh giảm giá và 1 lần giữ nguyên mức giá.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan đến công tác quản lý giá thuộc thẩm quyền; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.

Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ các cơ quan, đơn vị việc điều chỉnh giảm giá cước đối với đường bộ, hiện tại khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc đã thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đồng/km) tương đương từ 4,5-12%; khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm khoảng 5,26-14,7%; các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.

Kể từ thời điểm giá dầu đồng loạt giảm, các Công ty cổ phần vận tải Đường sắt đã thực hiện 2 đợt giảm giá như giá cước vận tải hàng hóa thực hiện giảm là 5%; vận tải hành khách thực hiện giảm 5-10%.

Các hãng hàng không đều triển khai thực hiện kê khai nhiều dải giá từ thấp đến cao, đảm bảo không vượt mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và thực hiện niêm yết giá công khai trên trang thông tin điện tử của hãng.

Hạn chế việc tăng giá tàu, xe vào các dịp lễ, Tết

Đối với công tác phục vụ vận tải hành khách và các dịp lễ, Tết, hàng năm, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về việc tăng cường công tác vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân vào các dịp nghỉ lễ như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4-1/5, dịp lễ Quốc khánh 2/9… Trong đó, đơn vị này đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong toàn ngành giao thông tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định.

Kết quả cho thấy, trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2022, dịp lễ 30/4-1/5, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại; công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân được đảm bảo tốt, các phản ánh về thu giá vé cao đã giảm nhiều so với các năm trước đây.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết; tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến của giá nhiên liệu để chỉ đạo kịp thời việc kê khai giá của doanh nghiệp, đơn vị vận tải phù hợp với giảm giá nhiên liệu… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại chính đáng của người dân.

Các tin khác