Nhiều thủ tục và thẩm quyền tự làm khó nhau

(ĐTTCO) - Thủ tục đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở đang là vấn đề nóng, gây bức xúc cho xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, đến mức Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phải chủ động triệu tập nhiều cuộc họp để nghe người trong cuộc mổ xẻ.

Gây khó người dân, doanh nghiệp
Theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp, những mâu thuẫn chồng chéo giữa các luật, nghị định đang khiến doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng không biết phải giải quyết như thế nào. Bên cạnh đó, có những vụ việc hết sức cụ thể, trong tầm tay, nhưng các cơ quan chức năng vẫn kéo dài khiến doanh nghiệp bức xúc.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết hiện nay ở quận Bình Tân những ai có đất diện tích lớn đi xin phép xây dựng rất khó khăn. “Gia đình tôi có miếng đất diện tích 1.000m2, đích thân tôi đi xin phép xây dựng cả năm nay vẫn không được. Hình như cơ quan chức năng sợ tôi xây nhà 3 chung nên không cấp phép, không biết có phải chủ trương của Sở Xây dựng không?”- ông Nghĩa nói. 
 Thực tế thời gian qua các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Chính quyền TP muốn lắng nghe phản ánh từ doanh nghiệp, trong thẩm quyền của TP sẽ giải quyết ngay, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay Quốc hội, TP sẽ đề xuất tháo gỡ. 
Ông Nguyễn Thành Phong,
Chủ tịch UBND TPHCM
Về việc này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, khẳng định Sở Xây dựng không có văn bản nào cấm cấp phép xây dựng những nhà có diện tích lớn. Việc cấp phép xây dựng các nhà ở riêng lẻ thuộc thẩm quyền của UBND các quận huyện, căn cứ vào quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất… Còn việc nhà 3 chung là vấn đề khác, thuộc trách nhiệm quản lý trong xây dựng của quận, của phường, không dính dáng đến thủ tục cấp phép. 
Liên quan đến dự án của Công ty Lê Thành, ông Nghĩa cho biết thêm công ty ông có dự án nhà ở xã hội tại phường An Lạc, dự kiến tháng 12 tới bàn giao block đầu tiên. Nhưng hiện nay kẹt vấn đề tiền sử dụng đất. Theo quy định, xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng chờ đến nay chưa có cơ quan nào xác nhận dự án được miễn tiền sử dụng đất, để công ty bổ sung hồ sơ vay vốn ngân hàng. Cũng đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhưng đến nay Công ty Bình Dân vẫn chưa nhận được đồng vốn ưu tiên nào.
“Công ty làm dự án tái định cư tại quận Thủ Đức theo đơn đặt hàng của quận, dự án triển khai từ năm 2009. Đến năm 2017 quận trả lời không có nhu cầu mua nhà tái định cư nữa. Do đó công ty cần cơ quan chức năng thẩm định giá đất để bán nhà thương mại. Tuy nhiên, chờ hoài vẫn chưa có giá đất, trong khi doanh nghiệp muốn bán ra thị trường cũng không được” - đại diện Công ty Bình Dân cho biết. 
Đại diện CTCP BĐS Sơn Kim phản ánh, hiện nay có vướng mắc về việc tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình ngầm của dự án. Đây cũng là vướng mắc chung của tất cả dự án có diện tích chiếm đất của công trình ngầm lớn hơn diện tích khối đế chung cư cao tầng và khu phức hợp cao tầng. Đại diện Công ty Novaland đề xuất, TP xem xét cho triển khai tiếp một số dự án bị ngưng trệ lâu nay, cũng như xin tạm tính tiền sử dụng đất các dự án đã hoàn thành…
Nhiều thủ tục và thẩm quyền tự làm khó nhau ảnh 1 Hệ thống pháp luật về đất đai, vẫn còn rất nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập… 
Trách nhiệm ở cơ quan chức năng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chỉ ra những điểm nghẽn của thị trường BĐS hiện nay, như công tác giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn do doanh nghiệp khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất, nên dễ bị rơi vào tình trạng dở dang "da beo" không triển khai dự án được, bị chôn vốn kéo dài. Không có quỹ đất để đủ điều kiện được công nhận chủ đầu tư dự án. Nghẽn tiền sử dụng đất theo phương thức và quy trình tính tiền sử dụng đất hiện nay.
Tiền sử dụng đất vẫn là ẩn số, là gánh nặng và tạo ra cơ chế xin-cho, làm quá trình tính tiền sử dụng đất dự án bị kéo dài gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nghẽn chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án. Hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng điều chỉnh thị trường BĐS vẫn còn rất nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập…
Lắng nghe những câu chuyện liên quan đến thủ tục trong vô số thủ tục đang hành doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cho biết có những việc đơn giản nhưng các sở ngành giải thích không rõ ràng khiến người dân, doanh nghiệp nghĩ làm khó. Chuyện dây dưa cấp phép cho cá nhân ông Lê Hữu Nghĩa là một thí dụ. Nếu Sở Xây dựng tiếp nhận thông tin nói trên cần giải thích ngay cho người dân, có khi nghĩ không phải việc của mình nên hoặc làm thinh, hoặc chuyển về quận khiến người dân nghi ngờ. 
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ: “Có doanh nghiệp xin ưu đãi vốn kích cầu, nhưng đến 1 năm rưỡi hồ sơ mới đến tay tôi. Điều trớ trêu khi xem qua hồ sơ tôi trả lời ngay “không được”, nên không ký. Chuyện được mới khó chứ không được quá dễ, cần gì phải mất 1 năm rưỡi mới trả lời cho người ta. Như vậy là quá khổ cho doanh nghiệp”.
Ông Phong nhấn mạnh, có những việc hoàn toàn trong tầm tay của các sở ngành, và quy định rành mạch như việc cấp phép xây dựng hay xác nhận tiền miễn sử dụng đất nhà ở xã hội, nhưng người dân, doanh nghiệp cứ phải ngóng cổ ra chờ. Đối với những việc khó khăn hơn doanh nghiệp, người dân còn khổ sở đến mức nào? Ông Phong đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, cùng với Giám đốc Sở Xây dựng giao ban hàng quý với HoREA để lắng nghe tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các tin khác