Kinh tế thế giới rơi vào trạng thái lạm phát đình đốn cùng áp lực tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn đã và sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính đã gợi mở những giải pháp để ứng phó với tác động của lạm phát thế giới tới Việt Nam.
Ảnh hưởng đến đà phục hồi tăng trưởng ở các nước
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá năng lượng và hàng hóa cơ bản tăng cao, khiến lạm phát tăng nhanh và lập kỷ lục trong nhiều năm ở các nước.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2022 dự báo tăng lên mức 8,8% (cao hơn so với mức 8,3% dự báo vào tháng 7/2022); trong đó mức 9,9% tại các nền kinh tế đang phát triển và 7,2% tại các nước phát triển.
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9/2022 tiếp tục duy trì ở mức cao, tăng 0,4% so với tháng 8 và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất trong vòng 40 năm.
Tại châu Âu, giá tiêu dùng tại châu Âu bắt đầu tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, với việc Nga siết dần nguồn cung cấp khí đốt (đến giữa tháng Chín, khí đốt Nga đã giảm 80% so với đầu năm 2022) trong bối cảnh châu Âu ra sức cấm vận Nga.
Lạm phát tháng 10 ở châu Âu đạt mức 2 con số và lập kỷ lục mới ở mức 10,7%, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997. Tại Đức, lạm phát đã tăng cao nhất trong hơn 50 năm khi lập mức kỷ lục 11,6% trong tháng 10, chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm tăng.
Tại Pháp, lạm phát tháng 10/2022 đã tăng 7,1% so với năm trước, mức tăng mạnh nhất trong gần 40 năm mặc dù Chính phủ Pháp đã có biện pháp can thiệp hỗ trợ hóa đơn chi trả cho người dân để kiềm chế mức lạm phát ở mặt bằng thấp.
Tại châu Á, lạm phát hiện vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế châu Á.
Tại Nhật, lạm phát vượt mục tiêu của Ngân hàng trung ương tháng thứ 6 liên tiếp, lên cao nhất trong vòng 8 năm khi chỉ số CPI cơ bản ở nước này tăng 3% trong tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục kể từ năm 2014.
Tại Trung Quốc, chỉ số CPI đã tăng 2,8% trong tháng 9/2022 so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua, chủ yếu do giá thực phẩm tăng.
Tác động đến Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Giá cả năng lượng, nguyên nhiên vật liệu tăng cùng việc đồng USD tăng giá tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát.
Bình quân 10 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%). Chỉ số CPI tăng trong những tháng gần đây tăng chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; một số địa phương tăng học phí và giá thuê nhà tăng.
Lạm phát thế giới tăng cùng xu hướng thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt Mỹ, đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất trong nước.
Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành 2 lần trong vòng một tháng (22/9 và 24/10/2022) với mức tăng 1 điểm phần trăm/lần tăng, đưa lãi suất tái cấp vốn lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu lên 4,5%/năm từ ngày 25/10.
Mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã tăng trở lại (khoảng 1,0-2,5%/năm trong 10 tháng đối với tiền gửi có kỳ hạn) đã làm tăng áp lực lên lãi suất đầu ra, khiến nhiều ngân hàng tăng lãi suất cho vay với mức từ 0,5-1,2% so với đầu tháng 10.
Lãi suất cho vay tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đang trong quá trình phục hồi, từ đó ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hơn nữa, nhất là vào thời điểm các hoạt động kinh tế đang chững lại.
Lãi suất USD tăng như một hệ lụy của lạm phát cao ở Mỹ sẽ làm tăng mặt bằng lãi suất trên thị trường vốn quốc tế, tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nền kinh tế mới nổi; trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, lãi suất USD tăng cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, dịch chuyển dòng vốn sang đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao.
Giải pháp để kiểm soát lạm phát
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 10/11/2022 tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế...
Tốc độ tăng GDP trong năm 2023 được xác định khoảng 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%.
Để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, cần tăng cường theo dõi và đánh giá những biến động chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư để có các các kịch bản, phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới để kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động đến giá cả, lạm phát và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời kiểm soát và có lộ trình phù hợp đối với việc tăng giá dịch vụ công, giá hàng hóa do nhà nước quản lý, đảm bảo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong ngưỡng đề ra.
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và quản lý giá nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát; xem xét giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.