Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và gây suy thoái kinh tế toàn cầu, ngày 12/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hàng Quyết định số 918/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm xuống còn 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Đối với lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở được giảm từ 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống còn 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng Nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Với loạt điều chính trên, đây là lần thứ 2 trong năm (lần thứ nhất vào ngày 16/3) Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh (0,5%/năm) ở các loại lãi suất chính cũng như toàn diện ở các kênh hỗ trợ.
Các mức lãi suất mới nói trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/5.