Động thái này có thể là bước dự phòng để bình ổn thị trường tỷ giá, phòng có biến động lớn.
NHNN giảm 5 VND giá mua vào USD lần đầu kể từ đầu năm 2016
Cụ thể, mức giá mua vào USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước được niêm yết áp dụng cho ngày hôm nay (10/10) là 22.720 đồng, giảm 5 đồng so với mức áp dụng suốt từ cuối tháng 6/2017 đến nay. Trong khi đó, giá bán ra USD vẫn thấp hơn trần 20 đồng, ở mức 23.121 VND/USD.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có quyết định giảm giá mua vào USD kể từ khi Việt Nam bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016, cũng như trong nhiều năm qua có xu hướng nâng giá mua vào USD.
Hôm nay, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.467 đồng/USD, giảm thêm 2 VND so với sáng 9/10. Đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay tiếp tục là 23.141 VND và tỷ giá sàn là 21.793 VND.
Tại nhiều ngân hàng thương mại, giá mua - bán USD ngày 10/10 khá định so với hôm qua. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.690 – 22.760 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi. Vietinbank mua - bán USD ở mức 22.690 - 22.760 VND/USD, giảm 5 đồng ở mỗi chiều giao dịch. Còn BIDV mua vào USD mức 22.690 VND/USD, vẫn giữ nguyên; nhưng còn giá bán ra tăng 15 đồng so với hôm qua, hiện ở mức 22.775 VND/USD.
Nhìn lại tỷ giá cả quý 3/2017, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá, tính đến ngày 22/9/2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.450, tăng 1,32% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại (NHTM) giảm 0,14%, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,64% so với đầu năm.
Dự báo về tác động của tỷ giá đến lạm phát cả năm 2017, theo tính toán của Ủy ban này, nếu tỷ giá USD/VNĐ tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng thêm khoảng 0,17 điểm %.
Dự báo VND mất giá ở mức 1-2% năm 2017
Báo cáo chiến lược Quý 3 năm 2017 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: Diễn biến tỷ giá USD/VND trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm nay cho thấy sự biến động trái chiều giữa tỷ giá trung tâm do NHNN công bố và tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM.
Theo quan sát của BVSC, tỷ giá trung tâm đã liên tục được NHNN điều chỉnh, tuy mức độ tăng qua từng phiên không quá lớn. Tính chung trong 3 quý đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 1,4% so với thời điểm cuối năm 2016. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng lại gần như không có thay đổi nào so với thời điểm đầu năm.
Theo mô hình tính toán của BVSC, tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) của VND trong tương quan với 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu (tính theo tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và các nước) có xu hướng giảm khá nhanh
trong 9 tháng đầu năm, từ mức 106 điểm vào thời điểm đầu năm xuống còn
102 điểm vào thời điểm cuối tháng 6 và 100,3 điểm vào thời điểm cuối tháng 9.
Sở dĩ NEER có xu hướng đi xuống là do đồng USD kể từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới (chỉ số USD Index cuối quý III giảm khoảng 10% so với đầu năm). Do tỷ giá giữa VND và các đồng tiền khác đều được chuyển đổi trung gian qua USD nên khi USD giảm giá so với EUR, CNY, JPY thì VND cũng giảm giá theo các đồng tiền này.
So trong rổ 8 đồng tiền tham chiếu, VND đã mất giá 3% so với EUR; 2,3% so với CNY; 0,1% so với KRW; 1,8% so với THB; 0,3% so với TWD; 1,4% so với SGD và gần như đi ngang so với JPY và USD. Số lượng các đồng tiền tham chiếu và trọng số tính theo giá trị thương mại đều nghiêng về hướng VND giảm giá đã khiến cho chỉ số NEER đi xuống khá nhanh.
BVSC còn cho rằng, trên thực tế, diễn biến tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng cho thấy diễn biến khá bình lặng và hầu như không thay đổi so với thời điểm cuối năm ngoái. Theo BVSC, nguyên nhân một phần đến từ diễn biến thuận lợi của thị trường tiền tệ thế giới (khi NEER của VND so với rổ tham chiếu đi xuống) và phần khác là do diễn biến cung cầu về ngoại tệ thực tế trên thị trường.
Với diễn biến khá bình ổn của tỷ giá trong 9 tháng đầu năm và sự cải thiện của quỹ dự trữ ngoại hối, BVSC nhận định khả năng tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong quý IV. Nhiều khả năng mức mất giá của VND trong cả năm 2017 sẽ chỉ ở mức 1-2%.
Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý: tỷ giá có thể sẽ có những thời điểm biến động mạnh hơn trong quý IV do yếu tố mùa vụ cũng như sự biến động khó lường của các đồng tiền trong rổ tiền tệ tham chiếu. Đặc biệt chú ý là rủi ro đồng USD có thể sẽ bật tăng mạnh trở lại trước kỳ vọng FED đẩy nhanh tiến trình thu hẹp bảng cân đối kế toán bằng cách không tái đầu tư vào TPCP Mỹ, tiếp tục tăng lãi suất cũng như khả năng các công ty lớn của Mỹ sẽ chuyển khoản lợi nhuận tích lũy ở nước ngoài về nước khi chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump được Quốc hội Mỹ thông qua và đi vào thực tế. Đây sẽ là rủi ro mang tính trung hạn đối với việc điều hành tỷ giá của NHNN.
Như vậy, với mức giảm giá mua vào USD của NHNN chỉ 5 đồng lần này, là biên độ không lớn, nhưng đây có thể là tín hiệu NHNN đang tạo cung giá thấp hơn trần để bình ổn khi thị trường phòng khi có biến động lớn.