Những ẩn số bài toán chuyển đổi số

(ĐTTCO) - Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ chỉ khoảng 20% doanh nghiệp (DN) quan tâm đến chuyển đổi số (CĐS), nay phần đông DN đều nhận thấy phải thực hiện. 
Đoàn cán bộ lãnh đạo của một tỉnh theo dõi phần mềm chuyển đổi số trong quản lý và giám sát.
Đoàn cán bộ lãnh đạo của một tỉnh theo dõi phần mềm chuyển đổi số trong quản lý và giám sát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định CĐS là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho nền kinh tế hiện đại. Song thực tế hành trình CĐS của nhiều DN còn lắm gian nan. Đâu là ẩn số của bài toán CĐS. 

Từ chính quyền đến DN hiểu về CĐS…
Vài năm gần đây, CĐS trở thành cụm từ hết sức quen thuộc. Không chỉ riêng DN, các cấp chính quyền và người dân đều đang hòa mình vào làn sóng CĐS. Ngày 10-10 hàng năm được chọn là ngày CĐS quốc gia. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”.
Chương trình này nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Rất quen thuộc cũng rất cần thiết, nhưng khái niệm về CĐS ở cơ quan nhà nước hay trong DN chưa hẳn ai cũng nắm rõ. 
Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin - Truyền thông), CĐS cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển Chính phủ số của các cơ quan Trung ương. Tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương. CĐS đối với cơ quan nhà nước tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan này một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, từ đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, DN có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.
Cần hiểu rõ phát triển Chính phủ số là thay đổi nhận thức từ đó thay đổi cách làm. Nói một cách dễ hiểu là từ cấp phường, xã đến quận, huyện, tỉnh thành phố xuyên suốt đến trung ương từ việc thực hiện đến giám sát đều qua phần mềm trên máy tính hoặc trên điện thoại di động.
Trong khi đó, CĐS trong DN hiện có khá nhiều định nghĩa. Hiểu đơn giản, CĐS DN là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực hoạt động của DN, từ đó tận dụng lợi thế của công nghệ để tác động thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức vận hành, nhằm mang đến giá trị tốt hơn cho DN, thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ trên toàn thế giới.
Song thực tế để đạt được điều quan trọng là quá trình CĐS chỉ thành công khi có sự tham gia của tất cả các cấp, từ lãnh đạo tới cán bộ nhân viên trong DN, với mục tiêu nhằm thay đổi cách thức làm việc và tạo đột phá trong hoạt động kinh doanh.
 
Cần, nhưng vẫn quá khó vì thiếu nhân lực
Chia sẻ tại diễn đàn cách tân công nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I, nhìn nhận muốn đưa DN vào mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu cần sản xuất thông minh, cách tân công nghiệp. Để làm được phải xác định CĐS không phải trào lưu, mà là việc phải làm với DN để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh.
Nhưng ông Tín cũng cho rằng, hiện chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam cho CĐS còn rất thấp. Vì vậy, văn hóa của tổ chức DN và nhân lực đủ khả năng cho công cuộc CĐS mới là vấn đề quan trọng, kể cả ở các DN tư vấn.
“Lý thuyết ai cũng đọc hiểu, nhưng thực tiễn rất khó, khi thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đến DN. Do đó cần phải làm thật không phải cưỡi ngựa xem hoa” - ông Tín chia sẻ. 
Cái khó của CĐS cũng được nhiều DN thừa nhận tại diễn đàn lần này. Kể chuyện của DN mình, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, cho biết Duy Khanh đã bắt đầu CĐS từ 7 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thỏa mãn và vẫn cần thúc đẩy CĐS mạnh mẽ hơn. Bởi nguồn lực là một trong những thách thức của các DNNVV trong hành trình CĐS và đưa công nghệ vào sản xuất.
Như ngành cơ khí có biên lợi nhuận thấp nên phải tính tới hiệu quả của dòng đầu tư và CĐS buộc phải tính đến. Nhưng nếu đầu tư quá nhiều không đủ khả năng hoàn vốn sẽ rất nguy hiểm. Minh chứng là đầu tư vào nhân lực đang là rào cản cho hành trình CĐS. 
Đại diện một DN cho biết đã đầu tư 10.000USD vào hệ thống CĐS trong dây chuyền hoạt động công ty, mỗi năm chi phí duy trì hơn 10%, kết quả thu thập dữ liệu tốt nhưng thiếu nhân sự vận hành. “Tôi và cộng sự chiến lược đã phải cày ngày cày đêm để duy trì, CĐS quá vất vả” - vị đại điện ca thán. 
Có thể thấy CĐS không hề dễ với các DN, ngay cả với DN ở những TP lớn như TPHCM. Không chỉ khó khăn trong nội tại DN, việc tìm được đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp phù hợp đặc biệt cho DN sản xuất vẫn lắm gian nan. Vướng mắc chung được nhiều DN thuộc Hiệp hội DN TPHCM chỉ ra trong quá trình tìm kiếm đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp CĐS.
Nhà tư vấn chưa hiểu mong muốn của DN nên thường cung cấp giải pháp giống nhau, trong khi mỗi nhóm ngành có những vấn đề khác nhau. Khó khăn quá nhiều nên thất bại trong CĐS cũng không ít. Nhiều báo cáo chỉ ra có tới 70% DN CĐS thất bại. 
Những thách thức, thất bại trong CĐS kéo theo khó đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa công nghệ vào sản xuất không chỉ của riêng DN Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, cho rằng việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn với các DN trên thế giới.
Theo báo cáo của Innosight, 75% DN trong Standard& Poor’s 500 stock Index (S&P 500) của Mỹ, sẽ bị thay thế trong năm 2027 do thiếu đổi mới trong công nghệ. 
Bắt đầu từ con người
Khó khăn nhiều, vậy bắt đầu giải từ đâu để hành trình CĐS bớt gian nan hơn? Trả lời câu hỏi này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) kể 2 câu chuyện. 
Đầu tiên là chuyện của tỉnh Quảng Ninh, một trong những tỉnh đi đầu trong xây dựng chính quyền số.
Khi bà Thủy cùng các cộng sự của mình phỏng vấn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về thách thức trong hành trình chuyển đổi và xây dựng chính quyền số, đã nhận được câu trả lời rằng lúc đầu ẩn số khó nhằn nhất được gắn cho công nghệ. Nhưng sau đó mới thấy mức độ sẵn sàng của đội ngũ cán bộ trong chính hệ thống mới là khó khăn cần được giải đầu tiên. Và mất 3 năm Quảng Ninh mới vượt qua ẩn số con người. 
Câu chuyện thứ 2 là của một ngành tưởng như không liên quan đến công nghệ, CĐS nhưng đến nay lại được đánh giá là nhóm DN có nỗ lực rất cao trong hành trình CĐS: các DN trong ngành sản xuất, chế biến gỗ. Trong 2 năm dịch các DN không thể gặp nhau, không thể triển lãm và khó khăn trong bán hàng cho đối tác nước ngoài. Họ đã sử dụng nền tảng zoom để họp. Và để giới thiệu hàng hóa, bán hàng cho đối tác nước ngoài, Hội Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) đã hình thành nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE. Cũng từ đó các DN muốn phát triển đội ngũ giám đốc công nghệ thông tin có vai trò tương đương giám đốc sản xuất.
“Trong những nỗ lực trao đổi với nhau, chúng tôi nhận ra rằng thay vì hỗ trợ những giải pháp như quản trị số, marketing số… nên tập trung phát triển những con người trụ cột cho CĐS trong ngành gỗ” - bà Thủy chia sẻ và cho biết ngành gỗ hiện đang từng bước phát triển mạng lưới CIO (giám đốc công nghệ thông tin). Rất mừng là nhiều chủ DN đã và đang quan tâm đến việc tăng sức cạnh tranh từ CĐS. 
2 câu chuyện trên cho thấy con người có vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình CĐS. Giải được bài toán con người là bước đầu thuận lợi. Cùng với đó, nguồn lực tài chính cũng không thể xem nhẹ khi thực hiện CĐS. Với thực tế nguồn lực của DN, nhất là nhóm DN nhỏ rất hạn chế, nhiều ý kiến cho rằng nên kết nối các DN trong cùng nhóm ngành do họ có những bài toán tương tự nhau trong CĐS.
Sau kết nối sẽ tìm đến đơn vị cung ứng làm việc đưa ra sản phẩm có thể dùng chung để giảm bớt chi phí. Và để làm được, vai trò của các hiệp hội rất quan trọng. 
Thách thức nhiều nên thành quả một số DN đạt được trong hành trình CĐS và ứng dụng công nghệ vào sản xuất rất đáng để DN khác học hỏi. Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Trường Hải (Thaco), ngoài các ứng dụng CĐS đã áp dụng tại các nhà máy thông minh và showroom ô tô, Thaco đã phối hợp cùng Bộ Công Thương và Đại học Bách khoa TPHCM/Đà Nẵng thực hiện các đề tài ứng dụng khoa học vào sản xuất, như dự án tự động hóa quá trình sản xuất nhíp ô tô. Sau khi thực hiện dự án này, mức tự động hóa trong sản xuất nhíp ô tô được nâng từ 25% lên 82%, giá thành giảm khoảng 20%. 
Yếu tố con người trong CĐS đã khó nhưng đối với DN vẫn có thể vượt qua. Bởi suy cho cùng họ là đơn vị sản xuất, nếu thành công thì doanh thu tăng, thu nhập sẽ tăng. Nhưng đối với cơ quan chính quyền, yếu tố con người là hoàn toàn không dễ khi lâu nay đã quen với giao dịch “thủ công”, thay đổi sẽ được gì? Do vậy việc CĐS ở cấp quản lý cần phải có quy định, điều lệ công khai. 
 Năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, đóng góp hơn 5% tổng GDP cả nước. Google, Temasek và Bain&Co dự báo quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 29% và đạt 57 tỷ USD đến năm 2025, vượt qua Thái Lan, Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực.
 Những nỗ lực của DN trong hành trình CĐS và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có mặt trong nhóm 40 quốc gia dẫn đầu trong chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), cùng nền kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Các tin khác