Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát dịch Covid-19 thành công, vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Thành công phòng chống dịch Covid-19
Giữa tháng 12-2019, ngay sau khi bệnh viêm phổi cấp bắt đầu bùng nổ và lây lan tại một số nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch chống dịch. Ngày 25-1, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên toàn cầu áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch.
Đến ngày 5-3, Việt Nam cán mốc 25 ngày không có trường hợp mắc ca nhiễm mới, thành công trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Ngày 6-3 Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh. Sau gần 2 tháng áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, quyết liệt, đến cuối tháng 4, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên công bố kiểm soát thành công dịch bệnh và quay về các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường.
Năm Chủ tịch ASEAN thành công vang dội
Năm Chủ tịch ASEAN thành công vang dội
Ngày 1-1-2020, Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN 2020. Đồng thời, Việt Nam cũng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Xuyên suốt năm 2020, Việt Nam đã tập trung phát triển công nghệ số, ngăn chặn nguy cơ đứt gãy trong quan hệ nội khối và hợp tác đa phương, gián tiếp hiện thực hóa 5 ưu tiên được đề ra.
Ngoài ra, các cuộc họp trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN đều diễn ra thường xuyên. Những sáng kiến về Khung phục hồi tổng thể, Quỹ ứng phó Covid-19, Kho vật tư y tế... lần lượt ra đời. Ngày 15-11, Việt Nam đã trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei, khép lại một năm Chủ tịch ASEAN 2020 với thành công vang dội, bất chấp những sóng gió chưa từng có tiền lệ.
EVFTA và RCEP - 2 “cao tốc” thương mại mới
EVFTA và RCEP - 2 “cao tốc” thương mại mới
Giữa đại dịch Covid-19, dù chuỗi cung ứng trên toàn thế giới bị gián đoạn, Việt Nam vẫn tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong năm 2020, Ủy ban Thương mại châu Âu và Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA. 2 văn kiện quan trọng này được coi như "tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại" nối gần hơn nữa EU và Việt Nam.
Giữa tháng 11-2020, Việt Nam tiếp tục là một trong số 15 thành viên ký kết hiệp định RCEP - một FTA với thị trường 2,2 tỷ dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26.200 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu.
Liên tiếp hạ lãi suất
Trong năm 2020 NHNN đã có 3 đợt hạ lãi suất điều hành. Riêng trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1-6 tháng đã giảm từ mức 5%/năm hồi đầu năm xuống còn 4%/năm. Trong khi đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 6%/năm xuống chỉ còn 4,5%/năm.
Các động thái hạ lãi suất từ NHNN cùng với nhu cầu tín dụng yếu đã khiến lãi suất tiền gửi tại các NHTM hạ rất mạnh: 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Vùng lãi suất tiền gửi hiện tại đã thấp hơn mức cuối năm 2019 từ 1,5-3%/năm và đang là vùng thấp lịch sử. Năm 2020, lần đầu tiên NHNN có nữ thống đốc là bà Nguyễn Thị Hồng.
Kỳ vọng đón làn sóng FDI thứ 4
Kỳ vọng đón làn sóng FDI thứ 4
Năm 2020 ước tính Việt Nam thu hút hơn 26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019; đã giải ngân được hơn 17 tỷ USD, bằng 98% so với năm 2019. Đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020. Dù thu hút FDI giảm so với 2019, nhưng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón dòng vốn FDI thứ 4 dịch chuyển từ nhiều công ty, tập đoàn lớn.
Samsung Việt Nam công bố về việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Tập đoàn Pegatron - đối tác của Apple, Microsoft chính thức xác nhận đầu tư 1 tỷ USD vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng. Mới nhất, Foxconn - nhà gia công lớn của thế giới và chuyên sản xuất cho Apple, dự kiến sẽ chuyển một phần dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam.
Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong 10 năm
Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong 10 năm
Mức độ tăng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 ước đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 34% so với 2019. Có 15 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đạt trên 75%, trong đó 9 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%.
Đạt được kết quả này do sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Liên tiếp nhiều hội nghị để thúc đẩy đầu tư công đã diễn ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục hối thúc không để tình trạng "có tiền mà không tiêu được" và phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất.
TTCK tăng trưởng ngoạn mục
TTCK tăng trưởng ngoạn mục
Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến VN Index quý I-2020 sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, TTCK đã phục hồi nhanh chóng trong 9 tháng còn lại của năm 2020, với mức tăng trưởng gần 60% kể từ đáy và tăng so với cuối năm 2019 hơn 9%. Thị trường cũng ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Tính đến hết tháng 11-2020, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục với phiên giao dịch đạt gần 23.562 tỷ đồng 2 sàn ngày 15-6-2020. Giá trị khớp lệnh cũng liên tục đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 12-2020.
Gam màu xám thị trường bất động sản
Gam màu xám thị trường bất động sản
Năm 2020, thị trường bất động sản chia thành 2 trạng thái, 6 tháng đầu năm ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19 thị trường "tụt đáy" với tính thanh khoản rất thấp. Phân khu bất động sản cho thuê ế ẩm trên những con phố vàng về thương mại, thị trường căn hộ thiếu nguồn cung, bất động sản du lịch "chìm sâu" do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong nửa cuối của năm 2020, thị trường chuyển về trạng thái nghe ngóng, chờ đợi của cả các nhà tạo dựng bất động sản và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cả "rừng" văn bản pháp luật rườm rà phức tạp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột, vẫn chưa được tháo gỡ, đã làm nản lòng nhà đầu tư.
Thiên tai cực đoan, dị thường
Thiên tai cực đoan, dị thường
Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố. Đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 đã gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển cũng xảy ra trên diện rộng tại ĐBSCL. Thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; hơn 800.000 căn nhà bị ngập, bị sập, hư hại, tốc mái; hơn 200.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng chục ngàn gia cầm, gia súc chết, bị cuốn trôi; hàng ngàn km đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng… Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 35.181 tỷ đồng.