Không thể thiếu
KTPCT là khu vực tập hợp các đơn vị sản xuất ra sản phẩm vật chất và dịch vụ, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho những người có liên quan, đóng góp vào GDP khu vực kinh tế chính thức không với tới được. Đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc khu vực KTPCT có những đặc điểm của hộ sản xuất kinh doanh, không có tư cách pháp nhân, nên cũng lảng tránh nghĩa vụ nộp thuế…
Hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH, chiếm tới gần 98%. Chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có BHXH bắt buộc rất cao (80,5%). |
Nhiều nghiên cứu nhận định, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức có khả năng giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn dân cư, có tính linh hoạt trong hoạt động, sức sống mạnh mẽ.
Tăng trưởng của khu vực này rất tiềm năng. Những năm qua, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đóng góp đáng kể cho nền kinh tế với việc tạo ra gần 1/3 GDP phi nông nghiệp, 57% việc làm phi nông nghiệp và 23% tổng GDP năm 2014.
Trong ngành thương mại, đóng góp của khu vực kinh doanh hộ cá thể khá cao: 63% giá trị gia tăng của ngành thương mại do khu vực này tạo ra, trong đó một nửa là từ thành phần phi chính thức. Dù trình độ công nghệ thấp, trang thiết bị và kỹ năng còn nhiều hạn chế, nhưng đây lại là dư địa lớn cho các can thiệp chính sách tác động tới năng suất lao động. Chưa kể, khu vực này vẫn còn một bộ phận năng động và đã áp dụng nhiều cải tiến đổi mới.
Đặc biệt, việc làm trong khu vực KTPCT đã giúp ngăn ngừa bất ổn kinh tế và chính trị ở các quốc gia ASEAN sau 5 năm tăng trưởng GDP chậm lại. Ở Việt Nam, nhóm này chiếm 70% số người lao động của cả nước.
Theo sau là Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khối với 132 triệu lao động. Phần lớn khả năng phục hồi của nước này là do khu vực phi chính thức đã thu hút một thế hệ công nhân mới, cũng như những người bị sa thải từ các nhà máy, mỏ và đồn điền. Philippines và Thái Lan cũng có bức tranh tương tự.
Những hạn chế
Quy mô hoạt động khu vực KTPCT đặc biệt thấp, khi hơn nửa số hộ cá thể phi chính thức chỉ có 1 lao động, bình quân mỗi cơ sở có khoảng 2 lao động. Hộ cá thể chính thức có quy mô lớn hơn, nhưng vẫn còn rất thấp, trung bình 2-3 lao động và khoảng 1/3 số hộ là lao động tự làm chủ.
Tuy nhiên, khu vực này có khác biệt lớn về lợi nhuận, quy mô và phương thức hoạt động. Lợi nhuận trung bình nhóm thập phân vị có lợi nhuận cao nhất, hơn 145 lần so với lợi nhuận trung bình của nhóm thập phân vị thấp nhất. 23% hộ cá thể cho biết mức lợi nhuận của họ dưới 3 triệu đồng, trong khi 19% hộ cá thể đạt mức trên 50 triệu đồng/tháng. 3% hộ cá thể đầu tư đến trên một nửa tổng vốn đầu tư trong khu vực này.
Báo cáo về tình hình việc làm phi chính thức tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết cả nước hiện có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể (khoảng 60% nằm trong khu vực phi chính thức), sử dụng khoảng 8,2 triệu lao động. Các hộ kinh doanh này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (80%), rất hạn chế về mặt quy mô lao động (1,7 lao động/cơ sở), vốn (doanh thu xấp xỉ 500 triệu đồng/năm) và công nghệ.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, xét về yếu tố vĩ mô điều này do triển vọng kinh tế không sáng sủa khiến các doanh nghiệp chính thức, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm bớt lợi ích cho lao động như bảo hiểm xã hội, hoặc tránh giao kết hợp đồng lao động theo yêu cầu của luật pháp.
Khu vực phi chính thức có những đặc điểm là lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động…
Khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác. Một trong những bất cập của lao động phi chính thức là tỷ lệ qua đào tạo khá thấp (14,8%). Trong số lao động phi nông nghiệp không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động có việc làm phi chính thức chiếm đến 71,9%.
Dễ tổn thương
Dễ tổn thương
Đặc điểm khác đáng lưu ý, 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (trong đó 32,1% lao động tự làm và 11,8% lao động gia đình không được trả lương). Với lao động chính thức, chỉ 14% xếp vào nhóm này. Tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức, tức khoảng 4,4 triệu đồng so với 6,7 triệu đồng/tháng.
Khu vực KTPCT đa dạng về hình thái, bao gồm cả các hoạt động kinh tế hợp pháp và bất hợp pháp. Hoạt động kinh tế bất hợp pháp là đối tượng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nói cách khác là những hoạt động kinh tế không thể thống kê.
Hoạt động kinh tế hợp pháp dù cần hay không cần thống kê đều có tác động 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực, nên cần nghiên cứu và phân loại chi tiết và cụ thể để có biện pháp thích hợp, tránh đánh đồng các hoạt động của KTPCT, thậm chí hiểu sai bản chất dẫn đến hoạch định chính sách không phù hợp, không khả thi.