Nợ có khả năng mất vốn đang tăng lên

(ĐTTCO) - Trên số liệu chung, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống NH vẫn đang dưới ngưỡng 2%. Song trên báo cáo tài chính quý IV-2022 của các NHTM, cho thấy nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng vọt, trong khi việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ vẫn còn ngổn ngang. Thêm vào đó, từ những khó khăn của năm 2022, chất lượng tài sản của NH vẫn là yếu tố cần theo dõi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nợ xấu đang xấu hơn

Kết thúc năm tài chính 2022, Vietcombank giảm được nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4). Cụ thể, nợ nhóm 3 từ mức 737,8 tỷ đồng vào cuối năm 2021 xuống còn 412 tỷ đồng vào cuối năm 2022, nợ nhóm 4 từ gần 966 tỷ đồng xuống còn hơn 772 tỷ đồng. Song ngược lại, nợ nhóm 5 lại tăng vọt từ hơn 4.417 tỷ đồng lên hơn 6.623 tỷ đồng trong vòng 1 năm, tức tăng gần 50%.

Tại BIDV và VietinBank, nợ nhóm 3 và nhóm 4 không biến động nhiều, thậm chí giảm nhưng nợ nhóm 5 cũng có xu hướng tăng mạnh. Trong đó, BIDV ghi nhận nợ nhóm 5 tăng từ hơn 7.283 tỷ đồng cuối năm 2021 lên hơn 11.760 tỷ đồng vào cuối năm 2022, tương ứng tăng 61,5%. VietinBank từ hơn 5.201 tỷ đồng lên hơn 6.234 tỷ đồng, tức tăng gần 20%.

Ở các NHTMCP tư nhân, nợ nhóm 5 cũng đang phình ra. Tổng nợ xấu của VIB năm 2022 là 5.687 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng từ hơn 1.319 tỷ đồng lên hơn 2.436 tỷ đồng, tăng gần 85%. Tổng nợ xấu của MB tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, nợ nhóm 5 chiếm 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với mức 819 tỷ đồng cuối năm 2021, đẩy tỷ lệ nợ xấu từ 0,9% lên 1,09%. Nợ nhóm 5 của VPBank tăng từ 2.046 tỷ đồng cuối năm 2021 lên 7.160 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Tương tự, tổng nợ xấu của TPBank đến ngày 31-12-2022 ở mức 1.357 tỷ đồng trong tổng dư nợ, tăng 17%. Trong tổng nợ xấu, nợ nhóm 5 chiếm hơn 505 tỷ đồng, ứng với mức tăng 70% trong vòng 1 năm. Còn tại VietBank giá trị nợ xấu trong năm 2022 đã tăng 26% lên 2.324 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần gấp đôi, chiếm 1.814 tỷ đồng. Vì lẽ đó, dù nợ nhóm 3 và nhóm 4 giảm gần 45%, nhưng tỷ lệ nợ xấu của NH này vẫn đứng ở mức 3,65% như cuối năm 2021, không đạt kế hoạch kéo tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,5% vào cuối năm 2022 như đề ra trước đó.

Bộn bề khó khăn ở phía trước

Giai đoạn 2012-2016, ngành NH bắt đầu bước vào tái cơ cấu sau khi thị trường bất động sản đóng băng cùng với sự khó khăn của kinh tế toàn cầu. Sau đó, ngành NH tái khởi động, tích cực xử lý nợ xấu, thúc đẩy thu nhập ngoài lãi thông qua các hoạt động bảo hiểm, NH đầu tư... cùng với việc đẩy mạnh công nghệ nhằm thu hẹp chi phí hoạt động để giảm chi phí tín dụng trong giai đoạn 2017-2020.

Tuy vậy, hệ quả nợ xấu giai đoạn trước chưa xử lý hết, dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Để giải tỏa áp lực trong hoàn cảnh mới, các NH có xu hướng quan tâm hơn đến việc làm dày bộ đệm dự phòng, tức tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Cụ thể trước đây, các NH được phép gia hạn và tạm hoãn trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đến ngày 30-6-2022, nhưng hầu hết NH đã thực hiện trích lập dự phòng các khoản nợ tái cơ cấu này. Nhờ vậy, bộ đệm dự phòng đã được củng cố trong cùng giai đoạn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều NH ở mức rất cao. Và kể từ quý III-2022, NH đã phản ánh về nợ xấu trên bảng cân đối kế toán nhưng chi phí tín dụng tăng chậm lại.

Song dù chủ động giảm sức nặng của nợ xấu bằng cách trích lập trước, nhưng vẫn có gánh nặng khác chờ ở phía trước, khi nợ nhóm 5 đang tăng mạnh, còn thị trường mua bán nợ vẫn ách tắc. Các năm gần đây, nhiều NH rơi vào tình cảnh phải liên tục phát đi thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp mỗi năm để xử lý những khoản nợ không thu hồi được.

Có nhiều tài sản được rao bán nhiều lần, chấp nhận hạ giá hàng chục tỷ đồng, thậm chí có khoản được rao bán gần ngang bằng với nợ gốc. Vì vậy cho đến nay, các NH vẫn đang ôm trong tay khối tài sản “khủng” vì ế ẩm, không có người mua. Trong khi đó, sàn giao dịch nợ VAMC khai trương và đưa vào hoạt động vào tháng 10-2021 đã được kỳ vọng khơi thông thị trường mua bán nợ.

Theo số liệu công bố, trên cơ sở các hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt đã ký, sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ, TSBĐ của khoản nợ trên website của sàn với giá trị tổng dư nợ khoảng 38.000 tỷ đồng. Thế nhưng đến cuối năm 2022, tức sau hơn 1 năm hoạt động, sàn giao dịch nợ chỉ mới giúp TCTD xử lý hơn 781 tỷ đồng.

Lý giải về tình trạng khó bán TSBĐ dù có sàn giao dịch như vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, chia sẻ TSBĐ các khoản nợ xấu chủ yếu là bất động sản, nên nhà đầu tư mua tài sản thế chấp nợ xấu sẽ nhìn vào khả năng chuyển nhượng và tính thanh khoản của tài sản đó. Đây là 2 vấn đề khó đạt được, dẫn đến việc ách tắc, dậm chân tại chỗ.

Nhìn xa hơn, dù cơ bản kiểm soát được nợ xấu dưới ngưỡng 2%, song Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú vẫn lưu ý về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023 do nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, các khoản trái phiếu doanh nghiệp do NH nắm giữ cũng có khả năng trở thành nợ xấu khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán một phần hoặc toàn bộ, trong khi TSBĐ cần thời gian để có thể thanh lý. Theo FiinRatings, trong năm 2023 chất lượng tài sản cũng là yếu tố cần theo dõi, đặc biệt các NH có tỷ lệ nợ xấu cao cần thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý nợ xấu để cải thiện năng lực tài chính, tránh gây ảnh hưởng đến cả hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Hiện nhiều NH đang có vòng quay khoản lãi và phí phải thu lên tới hơn 250 ngày so với trung bình 30-60 ngày, là dấu hiệu cho thấy các khoản phải thu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nợ khó đòi…

Các tin khác