Nợ xấu dồn cục tại VAMC?

Các “ông lớn” trong ngành NH đã tiên phong công bố sơ bộ kết quả kinh doanh 2014, trong đó nợ xấu ở những đơn vị này được kiểm soát tốt và giảm mạnh so với các thời điểm trước. Bức tranh tổng thể về nợ xấu của hệ thống NH đang chờ đợi trong những ngày tới. Trong khi đó, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cho biết đến năm 2016 mới thực sự bắt tay vào xử lý các khoản nợ xấu đã mua.

Các “ông lớn” trong ngành NH đã tiên phong công bố sơ bộ kết quả kinh doanh 2014, trong đó nợ xấu ở những đơn vị này được kiểm soát tốt và giảm mạnh so với các thời điểm trước. Bức tranh tổng thể về nợ xấu của hệ thống NH đang chờ đợi trong những ngày tới. Trong khi đó, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cho biết đến năm 2016 mới thực sự bắt tay vào xử lý các khoản nợ xấu đã mua.

Các “ông lớn” bất ngờ giảm mạnh

Vietcombank đã công bố sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2014 với lợi nhuận trước thuế đạt 5.680 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2013, đạt 107% kế hoạch năm; nợ xấu tại thời điểm 31-12-2014 là 7.407 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,29%, giảm 0,4% so với năm 2013. So với thời điểm cuối tháng 9-2014, nợ xấu của Vietcombank đã giảm nhẹ gần 300 tỷ đồng, còn nếu tính trong 6 tháng cuối năm, NH đã xử lý được hơn 1.624 tỷ đồng.

Lãnh đạo của Vietcombank cho biết trong năm 2014 thu hồi nợ ngoại bảng 1.905 tỷ đồng, đạt 147% kế hoạch, tăng hơn gấp đôi so với năm 2013. Theo nhận định của ông Ngô Trí Long, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), điều duy nhất đẩy kết quả hoạt động năm 2014 của Vietcombank cao hơn so với dự báo ban đầu là NH đã thu hồi nợ xấu 1.905 tỷ đồng, lợi nhuận trước dự phòng 10.233 tỷ đồng và chi phí dự phòng khoảng 4.553 tỷ đồng.

Sớm hơn mọi năm, mới chỉ đầu năm 2015 các NHTM Nhà nước đã sôi nổi mở màn công bố kết quả lợi nhuận và tỷ lệ nợ xấu. Xem ra đây là 1 năm kết thúc tốt đẹp của nhóm này khi lợi nhuận tăng trưởng tốt, thậm chí cả 4 “ông lớn” đều vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm, nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Ngoại trừ Agribank không tiết lộ tỷ lệ nợ xấu trong kết quả kinh doanh được công bố mới đây, 2 NH còn lại trong nhóm NHTM Nhà nước đều có tỷ lệ nợ xấu giảm rõ rệt trong năm qua. Tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 là 1,8%, giảm 0,5% so với thời điểm giữa năm.

Ngoài 6.000 tỷ đồng nợ xấu BIDV hoán đổi cho VAMC trong 9 tháng năm 2014, NH này cũng quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu ước tính khoảng 1,3% tổng dư nợ. Với VietinBank, theo Tổng giám đốc Lê Đức Thọ, nợ xấu chỉ ở mức 1,1%, mức thấp nhất trong số các NH niêm yết hiện nay. VietinBank cũng có tốc độ xử lý nợ xấu khá nhanh so với tỷ lệ 1,75% thời điểm cuối quý III-2014 và 2,53% ở cuối quý II-2014.

Trong các NHTMCP, đến nay chỉ có MBB và TPBank công bố kết quả kinh doanh dù chưa phải là bản báo cáo hợp nhất đầy đủ. Nhưng theo số liệu lợi nhuận trước thuế của MBB ước đạt khoảng 3.003 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,73%. Kết quả này hết sức khả quan bởi vì tại thời điểm giữa năm 2014 nợ xấu của MBB ở mức 3,08%, tương đương gần 3.000 tỷ đồng.

TPBank cũng công bố lợi nhuận vượt kế hoạch với mức 536 tỷ đồng, nợ xấu ở mức lý tưởng 1%, giảm mạnh so với thời điểm tháng 6-2014 là 1,66%. Kết quả này cũng nằm trong kế hoạch nợ xấu dưới 2,5% trong năm 2014 lãnh đạo và ban điều hành TPBank đề ra.

Có nên kỳ vọng?

Mặc dù các số liệu trên chưa phải là những con số cuối cùng, nhưng cho đến thời điểm này những NH đầu tiên công bố đều cho thấy nợ xấu đã được kéo xuống dưới ngưỡng an toàn 3%. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng được Chính phủ giao cho ngành NH ngay từ đầu năm 2015. Mục tiêu này dựa trên cơ sở tại thời điểm cuối tháng 11-2014, nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là 167.861 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8%.

Tuy nhiên mục tiêu này vẫn được xem là thách thức không nhỏ cho hệ thống NH. Theo TS. Trần Du Lịch, quan trọng trong việc xử lý nợ xấu hiện nay, việc thực hiện tùy thuộc vào các vấn đề như khả năng khai thông thị trường mua bán nợ, sự khởi sắc của thị trường bất động sản và sự phục hồi của tổng cầu.

Cho đến nay vẫn còn nhiều NH chưa công bố báo cáo về tốc độ xử lý nợ xấu trong năm qua. Tuy nhiên, thông tin công bố tại đơn vị xử lý nợ là VAMC thì  tốc độ xử lý vẫn còn khá ì ạch. Tính đến cuối năm 2014, VAMC đã mua được 81.600 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD với giá 67.275 tỷ đồng, phát hành trái phiếu đặc biệt khoảng 58.000 tỷ đồng.

Tính chung từ khi hoạt động đến thời điểm kể trên, tổ chức này đã mua được gần 121.000 tỷ đồng nợ gốc của 39 TCTD với giá hơn 120.000 tỷ đồng. Nhưng dự kiến cả năm 2014 VAMC chỉ thu hồi được khoảng 4.500 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, năm 2015 VAMC đặt mục tiêu tiếp tục mua từ 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu nữa và dự kiến từ năm 2016 mới thật sự bắt tay vào xử lý số nợ xấu đã mua.

Tại những NH lớn được biết đến có sự thận trọng trong phân loại nợ và mạnh tay trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Chẳng hạn như chi phí dự phòng trong năm 2014 của Vietcombank vào khoảng 4.500 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2013.

Lợi  nhuận năm 2015 được dự báo sẽ tăng trưởng hơn mức bình quân 3% trong các năm qua nhờ nợ xấu xử lý sớm hơn so với các NH khác. Trong khi đó ở nhiều NH thương mại khác vấn đề nợ xấu vẫn còn khá nan giải và phải phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản vì phần lớn nợ bị kẹt tại đây.

MB là NHTMCP mở màn công bố kết quả kinh doanh 2014 khả quan. Ảnh: LONG THANH

MB là NHTMCP mở màn công bố kết quả kinh doanh 2014 khả quan.  Ảnh: LONG THANH

Ngoại trừ những trường hợp tích cực, bức tranh xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống NH vẫn còn nhiều thử thách. Theo đánh giá của phòng phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngành NH trong năm 2015 sẽ gặp không ít thách thức khi các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngành đồng loạt có hiệu lực.

Cụ thể, kể từ ngày 1-1-2015, theo một số nội dung của Thông tư 09, các NH sẽ phải phân loại nợ dựa trên kết quả phân loại nhóm nợ do Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN (CIC) cung cấp. Song hành cùng với đó là Quyết định 780 về việc giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ được cơ cấu lại cũng sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 1-4-2015.

Như vậy sau thời gian này, bức tranh nợ xấu ngành NH nhiều khả năng sẽ trở nên rõ ràng hơn, tỷ lệ nợ xấu theo đó có thể sẽ tăng lên mức cao hơn và sẽ tiếp tục gây áp lực lên kết quả kinh doanh của các NH.

Các tin khác