Nợ xấu thêm xấu vì Covid-19

(ĐTTCO) - Năm 2019, ngành ngân hàng (NH) hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%. Song tiến trình xử lý nợ xấu đang đà thuận lợi để tiến tới mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 có nguy cơ bị chặn lại, do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến hoạt động nhiều doanh nghiệp (DN).

Nỗ lực xử lý nợ
Sau nhiều năm nỗ lực xử lý, vấn đề nợ xấu đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong năm 2019.  Kết thúc năm, 22 NHTM công bố báo cáo tài chính (BCTC) cho thấy tổng nợ xấu ở mức 79.780 tỷ đồng, giảm nhẹ so với gần 80.300 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó có 16 NHTM ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm. Cụ thể, ACB, BacABank và Vietcombank đã đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%; MSB giảm từ 3,01% xuống 2,04%; SHB giảm từ 2,4% xuống 1,83%; VIB từ 2,52% xuống 1,7%. 
Trong cơ cấu nợ xấu của 22 NH, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm mạnh 18%, trong khi nợ dưới chuẩn (nhóm 3), nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng nhẹ 3% và 6% so với năm trước. Đồng thời, Kienlongbank, Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, NamABank, OCB, Agribank, SeABank, MB và VPBank đã công bố sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC).
Nợ xấu thêm xấu vì Covid-19 ảnh 1 Ảnh minh họa.
Năm 2019, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhằm sớm làm sạch bảng cân đối kế toán. Theo đó, nhóm NH đã hoàn thành việc xử lý nợ tồn đọng, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu (LLC) được duy trì trên 100%. Nhiều NH trong nhóm đang tái cơ cấu cũng gia cố khá tốt nguồn dự phòng rủi ro để tăng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) lên mức 70-80%.
Trên bình diện chung, NHNN cho biết đến tháng 12-2019, ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu nội bảng dưới 2%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12-2019, các TCTD ước tính xử lý được 1,064 triệu tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến cuối tháng 12-2019, ước tính toàn hệ xử lý 305.700 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt). 
Như vậy, trung bình mỗi tháng toàn hệ thống xử lý khoảng 10.500 tỷ đồng/tháng, cao hơn 4.900 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình giai đoạn 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Tại diễn đàn diễn ra đầu năm 2020, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, đánh giá chất lượng các khoản vay đang tốt lên, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở VAMC khoảng 4,6%. Theo đó, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 là khả thi.

Nguy cơ bất ngờ
Tình hình nợ xấu khả quan đã bất ngờ đứng trước xu hướng bị chặn lại do dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN ước khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Để hỗ trợ NH, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù vậy, tốc độ hoàn thiện quy định hỗ trợ vẫn còn khá chậm, dự thảo vẫn đang ở giai đoạn thai nghén, trong khi tác động của dịch bệnh đến hoạt động DN đã nặng nề thấy rõ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm có gần 16.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. 
Theo các NH, việc giảm lãi vay là điều nhà băng có thể tự quyết định và áp dụng ngay, nhưng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ vẫn đang chờ NHNN có hướng dẫn cụ thể mới có thể thực hiện. Phó tổng giám đốc một NHTMCP cho biết, các DN vẫn cố gắng trả lãi đúng hạn để không bị liệt vào nhóm nợ xấu, trong khi chờ NHNN có hướng dẫn cụ thể cho NHTM thực hiện. Nhưng nếu càng kéo dài, DN sẽ càng kiệt quệ bởi tình hình kinh doanh hiện nay rất ảm đạm.  
Ngoài ra theo dự thảo, tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ các trường hợp không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký. Khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhưng khách hàng vẫn không trả được nợ khi đến hạn (bao gồm cả việc đến hạn theo thời hạn cơ cấu lại), hoặc TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ, sẽ thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng theo quy định.
Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của nó đến kinh doanh được dự báo còn kéo dài cả sau khi hết dịch. Do đó, nguy cơ khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, dù đã được cơ cấu lại nợ, vẫn tiềm tàng. 
Yếu tố dịch bệnh đang phủ bóng đen lên nợ xấu. Trong 2 năm 2014 và 2015 VAMC mua nợ số lượng nợ lớn nhất từ các TCTD hơn 190.00 tỷ đồng. Loại trừ các TCTD được phê duyệt đề án tái cơ cấu, thời gian đáo hạn thông thường của trái phiếu VAMC là 5 năm, nghĩa là chủ yếu vào năm 2019 và 2020. Như vậy, năm 2020 là thời điểm nhiều TCTD phải hoàn thành việc thu hồi toàn bộ trái phiếu VAMC để tự xử lý. Cùng một lúc phải dồn lực xử lý vấn đề nợ cũ và hỗ trợ khách hàng vượt qua dịch bệnh, năm nay dự báo sẽ là năm khó khăn cho ngành NH.
 Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó đoán định, đang đe dọa nhiều nền kinh tế. Điều này sẽ tác động mạnh đến triển vọng của ngành NH nếu dịch bệnh khó kiểm soát, nợ xấu sẽ gia tăng và đáng lo ngại hơn.
Báo cáo của CTCK Rồng Việt

Các tin khác