Thực tế, từ năm 2010, thương hiệu Adidas của gã khổng lồ sản xuất giày dép và quần áo của thế giới đã cắt giảm số lượng giày dép sản xuất tại Trung Quốc xuống chỉ còn một nửa, và Việt Nam trở thành công xưởng thay thế chỗ trống đó.
Với thương hiệu nổi tiếng: khác là Nike, tình hình cũng tương tự. Một thập niên trước đây, Trung Quốc là nhà sản xuất giày dép chính của hãng giày Hoa Kỳ, nay Việt Nam đã thay thế vị trí đó.
Các thương hiệu giày khác cũng đang làm tương tự. Lượng sản phẩm của Uniqlo, chuỗi thời trang lớn nhất của Nhật Bản, sản xuất tại Việt Nam cũng đã tăng khoảng 40% trong năm ngoái, khi hãng muốn tìm kiếm các lựa chọn khác ngoài Trung Quốc.
Với Adidas, Trung Quốc thực tế chỉ là nhà cung cấp giày thứ 3, Indonesia hiện mới là nhà cung cấp lớn thứ hai, sau Việt Nam. Như vậy Việt Nam đã trở thành công xưởng giày dép của thế giới. Điều này được thể hiện rõ khi năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giày dép đạt 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016.
Năm 2018, toàn ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 19,5-20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Xuất khẩu giày dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi, cặp đứng thứ 10 trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thực ra xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, chủ yếu là các ngành có công nghệ trung bình, lạc hậu, sang các nước Đông Nam Á đã diễn ra vài năm trở lại đây. Lý do: nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển dần sang các ngành sản xuất mang tính công nghệ cao, đồng thời việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đi các nước không còn dễ dàng như trước. Những ngành dịch chuyển đầu tiên là dệt may, da giày, sản xuất giấy, thép...
Và một trong những quốc gia được Trung Quốc nhắm đến là Việt Nam, bởi lao động Việt Nam dồi dào và giá rẻ. Hơn nữa, Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển các ngành công nghiệp này, và vẫn đang mở cửa thu hút đầu tư dù có đề cập đến vấn đề môi trường hay một số vấn đề khác. Mặt khác, nếu Việt Nam phát triển các ngành này, xuất khẩu của Việt Nam đi các nước có lẽ không khó khăn như hàng Trung Quốc xuất đi.
Việc phát triển các ngành công nghiệp nói trên cũng tạo một cơ sở kinh tế nhất định cho Việt Nam. Tuy nhiên, hệ lụy của nó rất lớn. Bởi sử dụng công nghệ không cao nên các ngành công nghiệp này gây ô nhiễm môi trường, bóc lột lao động giản đơn dù Việt Nam cũng đang có nhu cầu tạo công ăn việc làm cho những lao động này.
Bên cạnh đó, ngành giày dép đang có khối lượng đơn hàng sản xuất khổng lồ, nhưng thật ra các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài dường như chỉ tạo sân chơi cho các nhà sản xuất quy mô lớn; còn những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước không có cơ hội tham gia. Số doanh nghiệp nội có thể đảm nhận và thực hiện những đơn hàng của các tập đoàn giày dép quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Do vậy, dù toàn ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo thêm nhiều công ăn việc làm… nhưng rõ ràng doanh nghiệp lo hơn là mừng.
Khi Việt Nam là xưởng gia công, các công ty nước ngoài chỉ chuyển cho Việt Nam những đơn hàng dạng “vừa đủ”, ít mang theo những thành quả nghiên cứu có giá trị, cũng như những công nghệ mới. Mặt khác, khi chúng ta chỉ được xem như một công xưởng với nhân công rẻ, thuế ưu đãi, mục tiêu của những nhà đầu tư FDI chỉ giới hạn ở việc tối ưu hóa quá trình sản xuất tại Việt Nam.
Thực tế 20 năm qua, trong chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, Việt Nam hoạt động chủ yếu ở khâu cắt may, dán đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giày; nguyên phụ liệu hầu hết được nhập về chủ yếu từ Trung Quốc. Theo đó, trong cơ cấu giá trị của đôi giày, chi phí nguyên phụ liệu chiếm đến 70%, nên dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng rất thấp.
Một nỗi lo nữa là dù tăng trưởng xuất khẩu giày dép của Việt Nam thời gian qua luôn ở 2 con số, nhưng tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đang giảm dần, trong khi khối doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Theo số liệu của cơ quan hải quan, hiện doanh nghiệp FDI chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Điều đáng nói, phần lớn trong số này là của doanh nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…
Nhận diện rõ những thách thức trên để thấy rằng, một mặt Việt Nam có thể vẫn tiếp nhận các ngành công nghiệp chuyển dịch từ Trung Quốc sang, mặt khác phải có nhân lực rõ ràng, phát triển đồng bộ hơn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Nếu chúng ta cứ nhận nguyên xi những gì họ chuyển sang, sẽ trở thành bãi thải của các nước, bởi không có công nghệ mới sẽ không có năng suất mới, không nhiều lợi nhuận và giá trị gia tăng cực thấp.