Đợt này có 15 NH được nới room tín dụng, mức điều chỉnh cấp thêm từ 1-4%. Trong số đó Sacombank là NH được cấp thêm room tín dụng lớn nhất cũng chỉ 4%, tiếp theo Agribank được nới thêm 3,5%, HDBank 3,4%, MB và SHB cùng được nới 3,2%, OCB thêm 3,1%, VIB thêm 3%, Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%, 6 NH khác cũng được nới room quanh mức 1%.
Thông tin này có thể ví như “cơn mưa vàng giải tỏa nắng hạn”. Vì khoảng 2-3 tháng nay, NH rơi vào cảnh cạn kiệt room tín dụng, người dân và doanh nghiệp rơi vào cảnh khát vốn vay. Những năm trước đây, tín dụng các tháng đầu năm tăng vừa phải, thậm chí có năm tăng rất thấp và chỉ phục hồi trong những tháng cuối năm.
Năm nay, tình hình đã khác đi, đến ngày 30-6-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%. Đến ngày 26-8, tăng trưởng tín dụng ở mức 9,91%. Tức là trong gần 2 tháng của quý III, tín dụng chỉ tăng thêm 0,56% do NH cạn room, không còn dư địa để cho vay.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay NH. Tín dụng chững lại, NH cũng đối mặt với khó khăn khi “nồi cơm” bị tác động. Điều này khiến câu chuyện room tín dụng trở thành đề tài nóng bỏng trong suốt 2-3 tháng qua.
Dĩ nhiên lâu nay nhà điều hành nhìn thấy được khó khăn của thị trường tín dụng do thiếu room. Thế nhưng, NHNN buộc phải thận trọng. Ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ vẫn là kiểm soát lạm phát. Nhiều NHTW trên thế giới, kể cả các nước phát triển nhất đã và đang phải tăng lãi suất để hạn chế đầu tư nhằm ngăn chặn lạm phát.
Đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá mạnh. Với ưu tiên chính sách hàng đầu là duy trì các yếu tố ổn định như kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, NHNN không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào, nên việc nới room cũng thận trọng, nhằm góp phần ổn định vĩ mô.
Nay room tín dụng đã được mở, tiền từ NH được khơi thông sẽ bắt đầu chảy ra thị trường. Nhưng rõ ràng dòng tín dụng sẽ không thể chảy mạnh, vì thực tế room được cấp khá thấp so với kỳ vọng của các thành viên trên thị trường. Theo các tính toán được đưa ra, nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022, sẽ vẫn còn khoảng 4,09% hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho các NH, tương đương với 427.160 tỷ đồng.
Song ở từng NH, dư địa cho vay được nới thêm cũng không thể nói là quá nhiều. Và với 427.160 tỷ đồng cũng lệch pha với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm, bởi theo ước tính các NH sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Đến giữa tháng 8, các NH mới chỉ cho vay 4.100 tỷ đồng.
Cũng vì mức được cấp chưa như kỳ vọng, nên sau khi NHNN thông báo nới room, đã có một số tổ chức dự báo cơ quan này sẽ còn có 2-3 đợt nới room nữa. Song khó có thể khẳng định được điều này khi tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao. Hơn nữa, các dự báo về nới room trong năm nay đa phần đều có độ trễ lớn với bước đi của nhà điều hành. Thế nên, lãnh đạo một số NH vẫn cho biết sẽ cố gắng xoay xở trong dư địa mới này.
Tập trung cho vay ngắn hạn thay vì cho vay dài hạn để đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, đẩy mạnh thu hồi các khoản vay đến hạn để cải thiện dư địa tín dụng, hạn chế cho vay bất động sản… là những giải pháp được tính đến để chủ động nguồn cho vay trong những tháng cuối năm. Xem ra câu chuyện đặt gánh nặng cung ứng cả vốn ngắn hạn, trung và dài hạn cho nền kinh tế lên vai các NHTM càng ngày càng không phù hợp cũng được tô đậm lên.