Nằm án ngữ trên vùng đất biên giới phía Đông-Bắc Tổ quốc là 2 đỉnh núi hùng vĩ mang tên thân thương Núi Cha (tên địa phương là Phja Pò) và Núi Mẹ (Phja Mè). Núi Mẹ (với tên gọi quen thuộc Mẫu Sơn), cao 1.520m đã được người Pháp khai phá lập tiểu khu du lịch nghỉ dưỡng từ đầu thế kỷ 20. Còn núi Cha (cao 1.541m) là nóc nhà tỉnh Lạng Sơn với cảnh quan hoang sơ, mới được các nhóm du khách khám phá thời gian qua.
Trải nghiệm thú vị đỉnh Mẫu Sơn
Đỉnh Mẫu Sơn thuộc xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn có khí hậu mát mẻ ôn hòa nên nơi đây trở thành thiên đường nghỉ dưỡng vào mùa hè. Còn vào mùa đông đỉnh Mẫu Sơn lạnh giá với sự xuất hiện của các đợt băng tuyết thích hợp cho du khách trải nghiệm những chuyến ngắm băng. Cách đây khoảng 100 năm, cùng với núi Ba Vì, Tam Đảo… người Pháp đã mở đường lên tận đỉnh Mẫu Sơn và xây nhiều khu biệt thự bằng đá từ lưng chừng lên đến đỉnh núi để quan chức chính quyền thuộc địa nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Hiện nay những dấu tích về các khu nhà nghỉ, biệt thự thời Pháp vẫn còn hiện hữu.
Ngày nay, du khách có thể đi xe máy, ô tô từ Hà Nội và các tỉnh lân cận lên tận đỉnh Mẫu Sơn. Từ thành phố Lạng Sơn du khách theo Quốc lộ 4B men dòng sông Kỳ Cùng để đến chân núi Mẫu Sơn. Sau khoảng gần 20km du khách đến thôn Nà Ngần, xã Khánh Xuân, Lộc Bình, từ đây rẽ vào cung đường uốn lượn zích zắc men theo núi để lên đỉnh Mẫu Sơn. Từ chân núi lên đỉnh là quãng đường 15km với vô số những khúc cua tay áo khiến các lái xe phải tập trung cao độ.
Chúng tôi lần lượt vượt qua các đoạn cua dốc, gấp khúc liên tục, một bên là núi, một bên là vực sâu hun hút. Tất cả không gian chỉ còn là một màu xanh hoang sơ, hùng vĩ của bầu trời và núi rừng. Những khóm lau ven đường đung đưa trong gió tạo cho cảnh quan thêm phần cuốn hút, mời gọi. Đứng ở trên cao nhìn xuống, chúng tôi chỉ thấy cung đường phía dưới như một sợi chỉ vắt ngang sườn núi. Cảnh sắc bao la, bát ngát với những dãy núi trùng điệp chạy dọc biên giới Việt-Trung.
Xa xa dưới chân thung lũng sâu hun hút thấp thoáng vài nếp nhà nhỏ của người đồng bào Dao bản địa. Gần đến đỉnh núi, chúng tôi bắt gặp những dấu tích các khu biệt thự người Pháp đã xây dựng giờ đây chỉ còn phế tích. Vài bức tường đá của một khu nhà đã bong tróc lớp vôi vữa bên ngoài đứng chơ vơ trên một khoảng đất trống. Tất cả dù bằng đá bền vững nhưng cũng không cưỡng lại được sự tàn phá của thời gian.
Lên đến đỉnh Mẫu Sơn khí hậu càng trở nên mát mẻ dù dưới xuôi lúc này đang giữa hè đổ lửa. Theo những người Dao đang đi lấy hoa lan rừng thì nhiệt độ trên đỉnh Mẫu Sơn vào ban ngày khi mùa hè cũng hiếm khi vượt quá 30oC, còn ban đêm nhiệt độ xuống 18-20oC, mọi người ngủ vẫn cần đắp chiếc chăn mỏng. Vào những lúc trong trời, đứng trên đỉnh Mẫu Sơn chúng ta có thể nhìn thấy cửa khẩu quốc tế Chi Ma và các công trình xây dựng phía bên kia biên giới.
Trên đỉnh Mẫu Sơn hiện nay có hàng chục khu nhà nghỉ, biệt thự, khách sạn lớn nhỏ nằm san sát nhau. Một vài công trình được người Pháp xây dựng đã có tuổi đời gần 100 năm, được tu sửa và thiết kế nội thất bên trong để phù hợp với thời đại mới. Một số công trình khác được xây dựng mới trong khoảng 20-30 năm trở lại đây.
Đến đỉnh Mẫu Sơn nghỉ qua đêm ở đây ngoài cảm giác dễ chịu do thời tiết mang lại, du khách cũng có nhiều trải nghiệm thú vị. Đó là các món ẩm thực nổi tiếng xứ Lạng như: Lợn quay Lạng Sơn, ngồng cải xào thịt bò, rượu Mẫu Sơn. Người Dao ở Mẫu Sơn cũng thường mang các sản vật như: Mật ong rừng, hoa lan rừng, các bài thuốc gia truyền bán cho du khách có nhu cầu.
Đặc biệt, du khách nên một lần trải nghiệm bài tắm lá thuốc ở người Dao Đỏ do ông Đặng Tăng Phúc sáng chế ra từ năm 2002. Từ một bài tắm thuốc nhằm phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, ông đã nghiên cứu chế biến thành bài thuốc tắm phục hồi, tăng cường thể lực cho mọi đối tượng. Bài thuốc có 36 vị được lấy từ những cây cỏ có sẵn trong vùng rừng rậm Mẫu Sơn. Các vị thuốc chính có thể kể đến thiên lý hương, đại phong, tiểu phong, tầm thông, phúc thông...
Khi vòi nước mở, hương thuốc tỏa ra không gian ngào ngạt. Buổi tối lạnh được ngâm mình trong các bồn nước ấm lá thuốc giúp du khách có cảm giác khoan khoái, dễ chịu lan tỏa khắp cơ thể. Tác dụng chính của bài tắm thuốc này là an thần, thông mạch, phục hồi gân cốt, kích thích tiêu hóa. Bài tắm lá thuốc này đã được Sở Y tế Lạng Sơn cấp giấy phép từ năm 2002 và được chứng nhận cho các khu nhà nghỉ được phục vụ du lịch ở đỉnh Mẫu Sơn.
Chinh phục và cắm trại trên núi Cha
Nếu Mẫu Sơn có thể đi xe lên tận đỉnh, thì cung đường lên đỉnh núi Cha hoàn toàn khác. Do mới được khai thác du lịch, nên chủ yếu là loại hình du lịch bụi, lên đỉnh cao 1.541m du khách hoàn toàn phải leo bộ. Đứng từ đỉnh Mẫu Sơn khi trong trời có thể thấy đỉnh núi Cha với đường chim bay khoảng 5-6km. Nhưng để lên đỉnh núi Cha là một thử thách không hề nhỏ cho dân đam mê leo núi.
Gần 6 giờ sáng, chúng tôi tập trung ở thôn Nà Mìu, xã Mẫu Sơn (cách thị trấn Lộc Bình 8km) để bắt đầu leo núi. Ở đoạn gần đỉnh núi Cha có nhiều bãi đất rộng cỏ mọc xanh tốt, nên vào các dịp nghỉ cuối tuần nhiều bạn trẻ đã đến dựng lều cắm trại. Dù không cao bằng một số đỉnh núi vùng Tây Bắc, nhưng khi leo núi Cha, chúng tôi và các nhóm khác đều phải thuê người Dao bản địa dẫn đường (porter) cho an toàn và rút ngắn thời gian.
Cả nhóm bắt đầu theo chân porter đi qua con suối cạn với những phiến đá lớn nhấp nhô giữa rừng già. Từ điểm xuất phát ở độ cao khoảng 500m lên đỉnh 1.541m với người sức khỏe tốt phải mất cả buổi sáng tương đương 4-5 giờ leo. Đi qua đoạn đường rừng rậm rạp, chúng tôi đặt chân tới một vùng đồi cỏ rộng mênh mông ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.
Từ cuối xuân cho đến những ngày hè, du khách tới đây sẽ được chiêm ngưỡng một màu xanh của lau, cỏ bát ngát hòa quyện với mây trời. Núi Cha được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi ngoài sự mới mẻ trên bản đồ leo núi phía Đông-Bắc, nơi đây còn có cánh rừng, thảo nguyên hoang sơ với hệ thực vật phong phú, rất phù hợp với những ai ưa thích sự hoang dã, nguyên sơ.
Khám phá nơi đây, du khách sẽ được nghe giai thoại lưu truyền của người Dao về tình nghĩa, sự thủy chung son sắt của núi Cha và núi Mẹ. Núi Mẹ thấp hơn núi Cha nên nhìn toàn cảnh ta có cảm giác người mẹ như đang tựa đầu vào người cha. Còn người cha sừng sững che chở cho người mẹ và đàn con thân yêu. Với người Dao bản địa ở xã Mẫu Sơn, từ ngàn đời nay núi Cha là đỉnh núi thiêng của dân tộc mình.
Trên vùng thảo nguyên ở đỉnh núi Cha có một dải núi nhô cao, dựng đứng nên du khách quen gọi “sống lưng khủng long Phja Pò”. Ở khu vực này có những tảng đá khổng lồ với hình thù kỳ quái, đa dạng, như thể có vị thần nào đó vứt từ trên trời xuống. Có những tảng đá bằng phẳng trở thành chỗ ngồi, nằm nghỉ tuyệt vời cho du khách. Nhiều bạn rất thích thú, trèo lên tảng đá lớn để chụp hình.
Qua vùng đồng cỏ, vài đoạn dốc khá gắt, mọi người bắt đầu lạc vào rừng trúc đẹp như trong phim kiếm hiệp. Qua rừng trúc sẽ đến rừng rêu với thảm thực vật đa dạng. Những gốc cây, thân cây, phiến đá đều bị rêu xanh bám kín. Những cây rêu tua tủa, hình dạng uốn lượn vươn lên cao tạo ra cánh rừng vô cùng kỳ quái, đẹp ma mị. Rừng rêu xen lẫn với những loài hoa rừng cho du khách những trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đến trưa mọi người đặt chân tới đỉnh núi gắn chóp inox Phja Pò 1.541m.
Khám phá đỉnh núi, các bạn trẻ yêu thích cắm trại sẽ xuống vùng thảo nguyên để dựng lều trại nghỉ qua đêm. Ở đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng, đón khung cảnh hoàng hôn và bình minh tuyệt đẹp.
Dấu tích mộ đá Cự Thạch Ngoài việc khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, tắm lá thuốc… du khách đến vùng núi Mẫu Sơn cũng không thể bỏ qua một dấu tích văn hóa lâu đời. Đó là những ngôi mộ đá lớn gọi là Cự Thạch. Ngoài ra các nhà khảo cổ còn phát hiện cả đền thờ bằng đá từ thời cổ đại. Những mộ đá Cự Thạch có lối kiến trúc đơn giản, phiến đá dựng đứng khoang thành một hình tròn và phía trên có phiến đá lớn như chiếc nắp đậy. Tuy đơn giản nhưng những khu mộ luôn vững chắc và đã tồn tại hàng ngàn năm tuổi. |