Phân tích của Moody
Về Trump, chúng ta đã nhìn thấy những thành tích, ông ủng hộ thị trường về một số vấn đề như thuế và thủ tục hành chính. Nhưng chúng ta cũng biết ông chống lại thị trường về các vấn đề khác như chi tiêu chính phủ và thương mại.
Về Biden, chúng ta có hồ sơ thành tích của ông tại Thượng viện Mỹ, nơi ông thường xuyên vận động để mở rộng trần nợ công của chính phủ. Nhưng chúng ta chưa biết gì về khả năng làm Tổng thống của ông. Vì vậy, cần phải xem xét các phân tích kinh tế chính của các định chế uy tín đã được thực hiện dựa trên các chính sách đề xuất của ông.
Hãy bắt đầu với một báo cáo từ bộ phận phân tích của Moody, do Mark Zandi và Bernard Yaros biên soạn, so sánh các tác động kinh tế của chương trình nghị sự Trump và Biden.
Theo đó, nếu ông Biden làm Tổng thống và Đảng Dân chủ hoàn toàn kiểm soát lưỡng viện Quốc hội để có thể hoàn toàn thông qua chương trình nghị sự kinh tế của họ, nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tạo ra 18,6 triệu việc làm trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden và trở lại trạng thái toàn dụng, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ hơn 4% vào nửa cuối năm 2022.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden, trung bình các hộ gia đình Mỹ có thu nhập thực tế sau thuế tăng khoảng 4.800USD; tỷ lệ sở hữu nhà và giá nhà tăng nhẹ. Giá cổ phiếu cũng tăng, nhưng mức tăng có hạn. Tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn được nâng lên nhờ các kế hoạch chi tiêu chính phủ tích cực của Biden.
Thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh, nhưng chi tiêu chính phủ sẽ cộng trực tiếp vào GDP và việc làm, trong khi gánh nặng thuế cao hơn có tác động gián tiếp thông qua đầu tư kinh doanh và hành vi chi tiêu và tiết kiệm của các hộ gia đình có thu nhập cao.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế của Mỹ sẽ yếu nhất nếu ông Trump chiến thắng, đảng Cộng hòa chiếm Quốc hội và hoàn toàn thông qua chương trình nghị sự kinh tế của họ. Ông Trump đã đề xuất hỗ trợ ít mở rộng hơn cho nền kinh tế từ các chính sách thuế và chi tiêu.
Bảng 1: Phân tích của Moody.
Viện Hoover và Tax Foundation
Tuy nhiên, nghiên cứu của Moody là một ngoại lệ. Hầu hết các phân tích toàn diện khác ít có lợi cho Biden. Thí dụ, một nghiên cứu từ Viện Hoover của Timothy Fitzgerald, Kevin Hassett, Cody Kallen và Casey Mulligan, phát hiện ra rằng kế hoạch của Biden sẽ làm suy yếu hiệu quả kinh tế tổng thể.
Thứ nhất, các tác giả cho rằng giao thông vận tải và điện sẽ đòi hỏi nhiều đầu vào hơn để tạo ra cùng một đầu ra, do các kế hoạch đầy tham vọng nhằm cắt giảm hơn nữa lượng khí thải carbon của Binden, dẫn đến tổng năng suất trên toàn quốc giảm đi 1-2%.
Thứ hai, những thay đổi được đề xuất đối với thủ tục hành chính cũng như chính sách y tế Obamacare sẽ làm tăng thêm nút thắt cho lao động. Thứ ba, chương trình nghị sự của Biden tăng thuế suất cận biên trung bình trên thu nhập vốn.
Giả sử cung vốn co giãn trong dài hạn so với lợi tức sau thuế và tác động thay thế của tiền lương đối với cung lao động là không đáng kể, các tác giả kết luận rằng về lâu dài, chương trình nghị sự đầy đủ của Biden làm giảm việc làm tương đương toàn thời gian cho mỗi người khoảng 3%, vốn đầu người khoảng 15%, GDP thực tế trên đầu người hơn 8%, và tiêu dùng thực tế trên một hộ gia đình khoảng 7%.
Nhìn chung, Bidenomics mang lại lợi ích khiêm tốn từ việc loại bỏ một số chủ nghĩa bảo hộ của Trumponomics, nhưng có rất nhiều thiệt hại từ những thay đổi khác mà Bidenomics đề xuất.
Bảng 2: Phân tích của Viện Hoover
Một báo cáo khác của Tax Foundation được viết bởi Garrett Watson, Huaqun Li và Taylor LaJoie, cũng ước tính tác động của các chính sách do Biden đề xuất. Theo Mô hình Cân bằng chung của Tax Foundation, kế hoạch thuế của Biden sẽ làm giảm quy mô nền kinh tế xuống 1,47% trong thời gian dài. Kế hoạch này sẽ thu hẹp lượng vốn dự trữ hơn 2,5% và giảm mức lương tổng thể xuống hơn 1%, tương đương dẫn đến giảm khoảng 518.000 công việc toàn thời gian…
Kế hoạch thuế của Biden sẽ tăng thuế khoảng 3.050 tỷ USD trong thập niên tới theo cơ sở thông thường và 2.650 tỷ USD, sau khi tính việc giảm quy mô của nền kinh tế Mỹ.
Trong khi những người nộp thuế ở 4 mức thấp nhất sẽ thấy thu nhập sau thuế tăng vào năm 2021 chủ yếu do mở rộng Tín thuế trẻ em (CTC) tạm thời, thì đến năm 2030, kế hoạch này sẽ khiến thu nhập sau thuế thấp hơn cho tất cả các mức thu nhập. Điểm mấu chốt là việc tăng gánh nặng thuế doanh nghiệp không phải là một ý kiến hay, vì nó làm trầm trọng thêm gánh nặng thuế tiền lương.
Bảng 3: Phân tích của Tax Foundation
Viện Goodman và Ủy ban Phát triển Thịnh vượng
Một nghiên cứu của GS. Laurence Kotlikoff cho Viện Goodman: Phân tích vĩ mô dựa trên Mô hình Gaidar Toàn cầu (GGM) dự đoán Bidenomics sẽ khiến cổ phiếu vốn của Mỹ giảm gần 6%, trong khi GDP hàng năm của Mỹ bị giảm vĩnh viễn 2% và mức lương của công nhân Mỹ sẽ giảm khoảng 2%, trong đó lương của công nhân có kỹ năng cao sẽ giảm nhiều hơn.
Trong một nghiên cứu dành cho Ủy ban Phát triển Thịnh vượng, GS. Casey Mulligan đã ước tính: Chương trình thuế Biden sẽ làm giảm sản lượng, thu nhập và việc làm trên đầu người bằng cách tăng thuế đối với cả lao động và vốn kinh doanh. Về lâu dài, việc làm sẽ giảm đi khoảng 3 triệu lao động (trong vòng 5-10 năm). Hiệu ứng việc làm này chủ yếu do việc mở rộng các khoản tín dụng bảo hiểm y tế, làm tăng mức thuế cận biên trung bình trên thu nhập lao động lên 2,4%.
Ông Biden cũng có kế hoạch tăng thuế đối với các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp từ 6-10%. Các loại thuế này sẽ làm giảm lương dài hạn, cũng như GDP trên mỗi lao động và vốn kinh doanh trên mỗi lao động về lâu dài. Bằng cách giảm tương ứng cả số lượng việc làm trên đầu người và GDP trên mỗi công nhân, 2 yếu tố chính này trong chương trình nghị sự của Biden sẽ giảm đáng kể GDP trên đầu người và thu nhập trung bình của hộ gia đình.
GS. Mulligan ước tính chương trình thuế của Biden sẽ khiến GDP thực tế trên đầu người sẽ ít hơn từ 4-5%, tức khoảng 8.000USD/hộ gia đình mỗi năm trong thời gian dài. Hai phần của chương trình thuế kết hợp lại sẽ giảm vốn kinh doanh thực tế trên đầu người từ 7-12% trong thời gian dài.
Bảng 4: Phân tích của Ủy ban Phát triển Thịnh vượng
Hai điểm cần chú ý
Đầu tiên, lý do mà nghiên cứu của Moody’s tạo ra những kết quả vô cùng khác biệt là mô hình của nó dựa trên các nguyên tắc của Keynes. Do đó, chi tiêu chính phủ lớn hơn được cho là sẽ kích thích tăng trưởng.
Trong thực tế, vay mượn và chi tiêu có thể dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong ngắn hạn, nhưng có nhiều tranh cãi liệu các chính sách của Keynes có thể tạo ra sự gia tăng thu nhập quốc dân trong trung-dài hạn hay không. Tất cả các nghiên cứu khác đều dựa trên các mô hình ước tính cách thức các chính sách của chính phủ tác động đến các động lực thúc đẩy hành vi sản xuất.
Không phải tất cả chúng đều đo lường những điều giống nhau (một số nghiên cứu chỉ xem xét thuế, một số nghiên cứu xem xét chính sách tài khóa tổng thể và một số nghiên cứu cũng xem xét các thủ tục kinh doanh), nhưng các phương pháp luận tương tự nhau.
Thứ hai, cần nhớ rằng các chính trị gia thường mạnh miệng hứa lớn trong các chiến dịch tranh cử, nhưng họ có làm hay không lại là chuyện khác. Thí dụ, ông Trump đã hứa hạn chế chi tiêu trong nước thêm 750 tỷ USD nhưng thực tế đã tăng nó thêm 700 tỷ USD.
Tương tự, chúng ta không mong đợi Biden (giả sử ông thắng cử) thực hiện những lời hứa trong chiến dịch của mình. Trong trường hợp này, đó là tin tốt vì ông ta sẽ không tăng thuế và chi tiêu lớn như những gì ông đã đề xuất trong chiến dịch tranh cử.