Giảm là xu thế chung
Sau một thời gian dài sụt giảm, từ đầu tháng 3-2021, một số ngân hàng thương mại (NHTM) như Techcombank, VPBank, ACB… đã rục rịch tăng lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, trên thị trường, số NHTM giảm lãi suất tiền gửi lại nhiều hơn, như KienlongBank, PGBank, GPBank, OCB… Những ngân hàng này giảm lãi suất từ 0,05 - 0,3 điểm %.
Nhiều chuyên gia ngân hàng đánh giá, việc biến động lãi suất trái ngược này chỉ là cục bộ. Một số ngân hàng tăng lãi suất nhằm tăng tính hấp dẫn đối với kênh tiền gửi vì hiện các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản… khá hấp dẫn. Còn các ngân hàng giảm lãi suất có thể do trước đó, để đáp ứng nhu cầu vốn cho dịp tết nên đã tăng lãi suất để huy động, và bây giờ điều chỉnh giảm do cầu tín dụng chưa nhiều trong khi thanh khoản vẫn dồi dào.
Lãi suất biến động tăng giảm trong biên độ nhỏ là hiện tượng rất bình thường và chưa thể là cơ sở hình thành mặt bằng lãi suất cao hơn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, nhận xét, mặc dù một số NHTM đã tăng lãi suất huy động nhưng đây không phải xu hướng chung của thị trường. Mặt bằng lãi suất huy động vốn trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn tương đương với thời điểm cuối năm 2020.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận, dù số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi chưa nhiều và hiện vẫn chưa tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất cho vay nói chung; thế nhưng việc này sẽ gây sức ép nhất định lên khả năng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng khác. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay hiện chưa thể giảm theo lãi suất tiết kiệm vì nợ xấu của các ngân hàng có nguy cơ tăng do phải cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... Lợi nhuận thu về cao hơn, nhưng các ngân hàng cũng phải dành để trích lập dự phòng. Do đó, lãi suất cho vay hiện chưa thể giảm theo lãi suất huy động.
Nhiều gói ưu đãi
Ngoài giảm lãi suất đầu vào để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, các NHTM đang vào cuộc đua thu hút vốn rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ quanh mức 0,2%/năm. Tỷ lệ vốn này càng cao sẽ giúp ngân hàng tăng biên lợi nhuận ròng (NIM) và có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.
Để thu hút tiền gửi không kỳ hạn, các NHTM đã tăng dịch vụ, tiện ích phục vụ đối tượng khách hàng gửi loại tiết kiệm này. Trên thị trường, đã có NHTM đạt tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi) vượt 45% như Techcombank. Một số ngân hàng khác cũng có CASA cao MBBank đạt 39%, Vietcombank đạt 30%... Nhiều NHTM khác đang cố gắng đạt mức CASA ngày càng tăng để giảm chi phí vốn.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các NHTM phải xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2021 để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung, dài hạn… Tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, các NHTM trên địa bàn đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,3 - 1 điểm % so với cuối năm ngoái, tùy đối tượng vay vốn. Nhiều ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh dòng vốn ra thị trường.
Theo báo cáo của các công ty chứng khoán, ước tính kết thúc quý 1-2021, tín dụng của nhiều ngân hàng tăng trưởng khá tích cực. Một trong những biện pháp được đánh giá đã tích cực hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là bên cạnh việc chủ động cơ cấu các khoản vay cho khách hàng, các ngân hàng tập trung kích thích nhu cầu tín dụng bằng cách giảm lãi suất cho vay hay tung các gói tín dụng ưu đãi. Cụ thể, Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng.
Theo tính toán của ngân hàng này, tổng dư nợ giảm lãi suất vào khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận mà ngân hàng chia sẻ với khách hàng là khoảng 200 tỷ đồng. BIDV cũng triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) kinh doanh xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, xe, tiêu dùng cá nhân, BIDV triển khai gói vay vốn trung dài hạn với quy mô lên đến 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm. HDBank đang triển khai gói tín dụng ưu đãi lên đến 5.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh an toàn… với lãi suất còn từ 6,2%/năm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thanh khoản tháng 3-2021 được dự báo sẽ tiếp tục dồi dào do huy động tiền gửi đang khá tốt. Trong khi đó, NHNN vẫn duy trì định hướng nới lỏng một cách thận trọng lãi suất liên ngân hàng. Các yếu tố này sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay tín chấp trực tuyến đến 500 triệu đồng VPBank vừa chính thức cấp vốn tín chấp trực tuyến đầu tiên trên thị trường nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận nhanh nguồn vốn kinh doanh. Theo đó, những DNNVV hiện hữu có lịch sử giao dịch tín dụng tốt tại VPBank chỉ cần truy cập đường link http://bit.ly/vontinchaponline, đăng ký và hoàn thiện 4 bước kê khai. Tiếp đó, VPBank sẽ nhận hồ sơ, thẩm định và cấp vốn cho doanh nghiệp đạt yêu cầu với hạn mức vay lên đến 500 triệu đồng. Toàn bộ quá trình diễn ra 100% online và thời gian giải ngân chỉ khoảng 2 giờ. Lãnh đạo VPBank cho biết, đây là sản phẩm vay được cải tiến cả về quy trình thủ tục lẫn thời gian phê duyệt bởi vì theo quy trình thông thường, doanh nghiệp phải ra quầy giao dịch nộp hồ sơ và có thể mất từ 1 tuần đến 1 tháng để được giải ngân. Đặc biệt, vì hồ sơ tài chính của doanh nghiệp được trích xuất trực tiếp từ hệ thống lưu trữ của VPBank nên thông tin khách hàng SME được bảo mật tuyệt đối. |