Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục giữ vững ổn định thị trường.
Đồng thời, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, góp phần ổn định kinh tế-xã hội đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng ngành công thương nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định các nền tảng kinh tế vĩ mô, đặc biệt là cân đối cung cầu hàng hóa tiêu dùng trong nước.
Bộ Công Thương cũng tập trung nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của ngành trước các cú sốc từ bên ngoài để ổn định sản xuất, củng cố thị trường trong và ngoài nước để thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển ngành công thương trong trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công thương gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương chú trọng phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa; kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam và tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường hàng hóa trong nước chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại bị hạn chế, nhu cầu du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, doanh thu bán hàng hóa giảm mạnh.
Tuy nhiên, do nhận định sớm tình hình thị trường, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Cùng với đó, Bộ yêu cầu Sở Công Thương các địa phương bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
Ngoài ra, các địa phương phải có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh; phối hợp ngay với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường.
Vì vậy, hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm gây gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng tại một vài địa phương có ca nhiễm bệnh đã nhanh chóng được xử lý. Giá hàng hóa thực phẩm có biến động tăng tại các chợ trong những giai đoạn cầu tăng mạnh nhưng sau đó đã giảm trở lại.
Đáng lưu ý, tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đầy đủ và giá được giữ ổn định hơn ngoài thị trường, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chuẩn bị hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày, do đó thị trường hàng hóa luôn được ổn định, không có biến động bất thường về giá cả.
Song song với việc bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới cũng như kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, sản xuất tập trung, Bộ Công Thương đã có các giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và đàm phán với các nước nhập khẩu để phối hợp thực hiện các biện pháp tạo điều kiện cho xuất khẩu các mặt hàng này qua cửa khẩu được thuận lợi nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và giữ giá bán ở mức hợp lý, có lợi cho người nông dân.