Ông Biden được cho có cách tiếp cận thực tế với đại dịch hơn so Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Ông đã thành lập một ban cố vấn Covid-19. Nhóm chuyển tiếp của Biden sẽ phát triển các chiến lược sức khỏe cộng đồng dựa trên thông tin khoa học để mở lại các trường học và doanh nghiệp "một cách an toàn và hiệu quả". Tuy nhiên, nhiệm vụ sẽ khó khăn đối với ông vì một số lý do.
Một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc
Một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc
Coronavirus đã ảnh hưởng đến hầu hết quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi người dân các nước nhìn chung khá đồng thuận về cách chống chọi và vượt qua virus, người Mỹ lại có sự chia rẽ lớn. Một cuộc khảo sát của Pew vào mùa hè cho thấy người Mỹ chia rẽ nhất trong việc đánh giá phản ứng của chính phủ đối với virus và nền kinh tế. Cuộc thăm dò khác của Pew hồi tháng 10 cho thấy chỉ 24% người ủng hộ Tổng thống Trump nói sự bùng phát coronavirus rất quan trọng đối với lá phiếu của họ, so với 82% những người ủng hộ ông Biden. Ngược lại, 84% người ủng hộ ông Trump nói nền kinh tế rất quan trọng, so với 66% người ủng hộ Biden.
Ông Biden đã cam kết làm theo lời khuyên các cố vấn sức khỏe cộng đồng, ngay cả khi họ đề nghị đóng cửa doanh nghiệp. Những người ủng hộ Biden có thể hoan nghênh cách tiếp cận đó, nhưng ông sẽ thấy khó khăn khi thuyết phục phần còn lại rằng đó là con đường đúng đắn, đặc biệt với những người nhiệt thành ủng hộ ông Trump. Nhiều người trong số này thậm chí không tuân thủ ngay cả các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như đeo khẩu trang.
Nhưng sự chia rẽ không chỉ ở trong dân chúng. Ngày bầu cử khiến thế đa số của đảng Dân chủ bị thu hẹp hơn trong Hạ viện, trong khi 2 cuộc bỏ phiếu vào ngày 5-1 ở Georgia sẽ xác định liệu Thượng viện vẫn nằm trong sự kiểm soát hẹp của đảng Cộng hòa hay bị chia rẽ 50-50, và Phó Tổng thống đắc cử Harris phải can thiệp khi cần thiết. Dù thế nào, tình trạng của Quốc hội cũng là trở ngại lớn cho chương trình nghị sự của ông Biden. Tổng thống tương lai chỉ có thể được thông qua một phần các kế hoạch rộng lớn của mình, bao gồm từ chăm sóc trẻ em đến cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu.
Về Covid-19, ông Biden đã kêu gọi các chương trình cứu trợ liên bang (bao gồm các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, thanh toán trực tiếp cho gia đình người lao động và xóa nợ cho sinh viên) cho đến khi virus được kiểm soát. Ông cũng đã đề xuất sử dụng hàng chục ngàn thiết bị theo dõi tiếp xúc Covid-19 như một phương tiện vừa hạn chế sự lây lan của virus, vừa ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp cao. Việc vận động cho các chương trình cứu trợ liên bang không phải là điều mới mẻ đối với Biden. Khi còn là Phó Tổng thống của Barack Obama, ông đã vận động cho gói kích thích 787 tỷ USD thông qua Quốc hội vào năm 2009. Nhưng khi đó, đảng Dân chủ nắm lợi thế đa số ở cả lưỡng viện.
Thất nghiệp vẫn ở mức cao
Thất nghiệp vẫn ở mức cao
Tỷ lệ thất nghiệp chung của Mỹ hiện 6,9%, dù cải thiện nhiều so mức 14,7% hồi tháng 4, vẫn có tới 10 triệu việc làm bị biến mất so trước đại dịch, theo dữ liệu ngày 6-11 từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS). Các nhà kinh tế nói những công việc chưa phục hồi ở thời điểm này là những công việc khó tìm lại nhất, một phần vì chúng tập trung vào các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp ngăn chặn virus, như giải trí, du lịch và khách sạn.
Mức tăng việc làm tốt dưới thời chính quyền Trump có thể không tiếp tục dưới thời Biden, vì tình trạng thất nghiệp kéo dài có thể khó khắc phục hơn. Những người thất nghiệp từ 6 tháng trở lên có khả năng gấp 2 lần bị loại khỏi lực lượng lao động, theo phân tích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về xu hướng thất nghiệp thời Đại suy thoái. Ngoài ra, một người thất nghiệp càng lâu càng ít mua sắm, góp phần làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Dữ liệu của BLS cho thấy tỷ lệ người thất nghiệp dài hạn đang tăng nhanh trong tổng số người thất nghiệp. Vào tháng 10, 3,6 triệu trong 11 triệu người Mỹ thất nghiệp (tương đương 1/3) đã không có việc làm trong 6 tháng hoặc lâu hơn. Đây là tỷ lệ chưa từng thấy kể từ giữa năm 2014, khi Biden là Phó Tổng thống. Lúc đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng ngang mức hiện nay, cao nhất 6%. Các nhà kinh tế và doanh nhân được WSJ khảo sát vào tháng 4 dự đoán thị trường lao động sẽ phục hồi vào năm 2022, nhưng khi được khảo sát lại vào tháng 10, 55% người tin rằng sự hồi phục phải đến năm 2023 hoặc muộn hơn.
Khó phân phối vaccine
Khó phân phối vaccine
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng toàn cầu, đã làm kiệt quệ các nền kinh tế vì các biện pháp đóng cửa, nhiều nhà phân tích tin vaccine để cứu nền kinh tế cũng chính là vaccine chủng ngừa coronavirus. Mỹ đã phát triển thành công các loại vaccine Covid-19. Để hồi phục nền kinh tế cũng như hàn gắn những vết thương trong lòng nước Mỹ vốn đang ngày một nghiêm trọng kể từ sau bầu cử, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Biden và buộc phải thành công, là cung cấp vaccine cho phần lớn dân số, giúp chấm dứt đại dịch đã khiến xứ cờ hoa đến thời điểm này có hơn 16 triệu người nhiễm bệnh và hơn 300.000 người tử vong.
Nhưng phân phối vaccine coronavirus là công việc khó khăn vì vaccine của Pfizer đòi hỏi phải được bảo quản lạnh ở -70 độ C. Nhiệm vụ này còn khó khăn hơn, không chỉ bởi địa hình hiểm trở và dân cư thưa thớt, còn do những bất đồng chính trị-xã hội ngày càng lớn do cuộc bầu cử tổng thống mang lại. Hơn nữa, người Mỹ ngày càng e ngại tiêm vaccine. Theo STAT và The Harris Poll, chỉ khoảng 58% người Mỹ được khảo sát vào tháng 10 có kế hoạch tiêm khi có vaccine, giảm so với 69% vào tháng 8. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine không đạt ngưỡng dân số nhất định, khả năng ngăn chặn đại dịch của vaccine không có. Và nếu đợt triển khai vaccine sắp tới không thành công, nó có thể gieo mầm cho sự chia rẽ chính trị-xã hội lớn tiếp theo của Mỹ.
2 mục tiêu của ông Biden dường như trái ngược nhau. Một nền kinh tế mở hoàn toàn chắc chắn dẫn đến sự lây lan nhiều hơn của virus, trong khi nền kinh tế đóng cửa có thể kiềm hãm virus nhưng sẽ gây khó khăn hơn về tài chính. |