Có trúng quả, có mắc cạn
Hình ảnh của PE thường lấp lánh bởi những thương vụ có lãi tính bằng “lần”, đơn cử như việc quỹ MEF II do Mekong Capital quản lý rót 3,5 triệu USD vào Thế giới di động (MWG) khi công ty này còn chưa niêm yết vào năm 2007, để sở hữu 35% cổ phần và đến khi hoàn tất thoái vốn vào đầu năm 2018 đã thu về gần 200 triệu USD, lãi hơn 57 lần.
Trong lĩnh vực chuỗi nhà hàng, cũng chính MEF II đã thoái vốn thành công khoản đầu tư vào Golden Gate, đơn vị sở hữu những nhà hàng ẩm thực đình đám như lẩu băng chuyền Kichi-Kichi, SumoBBQ, Ashima, Gogi House…để thu về lợi nhuận gấp 9 lần giá trị đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, đầu tư PE không chỉ có màu hồng, đơn cử như một số lần rót vốn của VinaCapital, một trong những công ty quản lý quỹ có “máu mặt” nhất trên thị trường.
Nổi bật nhất là thương vụ quỹ VOF do VinaCapital quản lý rót vốn vào Ba Huân, một trong những thương hiệu lớn của ngành thực phẩm vào tháng 2-2018, nhưng 6 tháng sau đó đã phải rút lui.
Nổi bật nhất là thương vụ quỹ VOF do VinaCapital quản lý rót vốn vào Ba Huân, một trong những thương hiệu lớn của ngành thực phẩm vào tháng 2-2018, nhưng 6 tháng sau đó đã phải rút lui.
Ra mắt cũng khá hoành tráng là các thương vụ VinaCapital tham gia vào Yến Việt, rồi Sữa Quốc tế IDP nhiều năm trước, nhưng đến giờ 2 thương vụ này chưa cho thấy sức bật nào đáng kể dù được rót không ít tiền của. Đến nay thương hiệu của Yến Việt vẫn chỉ ở mức thường thường bậc trung nếu so với các thương hiệu khác chẳng hạn như Yến sào Khánh Hòa; hoặc thương hiệu các sản phẩm từ sữa của IDP như Ba Vì, Kun hay Lif chưa có cửa đọ lại về độ phủ sóng so với các sản phẩm của Vinamilk, TH True Milk.
Những thương vụ chưa được như kỳ vọng không làm giảm vị thế nhà quản lý quỹ hàng đầu của VinaCapital, nhưng nó cũng chỉ ra được rằng, đầu tư PE chưa bao giờ là đơn giản.
Nhìn từ trường hợp của VinaCapital có thể thấy việc Món Huế, Phở Ông Hùng… những nhà hàng thuộc sở hữu của Huy Việt Nam phải đóng cửa hàng loạt sau khi nhận đầu tư vài chục triệu USD là… bình thường.
Chắc chắn, kinh nghiệm, vị thế và kinh nghiệm của những nhà đầu tư (NĐT) vào Huy Việt Nam như ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital, Welkin Capital… tại thị trường Việt Nam không thể vượt qua được Mekong Capital hay VinaCapital. Và khi VinaCapital còn “mắc cạn” với một số khoản đầu tư, thì các tổ chức kia có thua lỗ vì Huy Việt Nam cũng không có gì ngạc nhiên.
Thả gà ra đuổi
Thả gà ra đuổi
Xem đây là tai nạn, rủi ro của quỹ cũng được, nhưng nếu cho rằng quỹ gặp vấn đề về tầm nhìn và độ nhạy cảm cũng chẳng sai, vì có khá nhiều yếu tố có thể dẫn dắt đến những hệ quả như vậy. |
Vì vậy việc các tổ chức khởi kiện ông Huy Nhật, founder (sáng lập) của Huy Việt Nam vì vậy cũng nên được nhìn nhận dưới hai góc độ: Thứ nhất, động thái khởi kiện là phù hợp để các NĐT bảo vệ quyền lợi cho mình, nhưng cần tìm ra được những bằng chứng phù hợp.
Thí dụ, nếu trên sổ sách vẫn ghi nhận dòng tiền của Món Huế vẫn còn, nhưng trong thực tế lại không còn tiền để trả, có thể dẫn đến khả năng tiền bị lấy ra ngoài, thì điều này có thể trở thành một bằng chứng quan trọng để khởi kiện.
Thứ hai, chưa cần nói đến việc kết quả của việc kiện tụng như thế nào, quỹ có đòi lại được tiền hay không, thì việc rót vốn để rồi phải vướng vào những rắc rối như vậy đã là thất bại trong đầu tư, vì không ai có thể lường trước tình huống này, bởi nếu nhìn ra thì đã… không đầu tư.
Khác với đầu tư listed, đầu tư PE không có nhiều ràng buộc về công bố thông tin (CBTT) từ phía doanh nghiệp (DN). Nghĩa là hoạt động kinh doanh của Huy Việt Nam như thế nào chỉ DN này biết rõ và cung cấp cho các NĐT nếu có thỏa thuận. Trong khi DN niêm yết buộc phải CBTT, để công chúng dù có là cổ đông hay không cũng đều nắm được.
Các thương vụ PE kín tiếng cũng có lý do hợp lý, bởi phải bảo mật các hoạt động cho cả bên bán lẫn bên mua về hoạt động, và hơn hết nó đã được thị trường chấp nhận. Trên thế giới, thậm chí đã có những ý kiến cho rằng các hoạt động đầu tư PE phải công khai thông tin hơn nữa, nhưng các quỹ lại cho rằng mình có hệ thống kiểm soát nội bộ, tuân thủ pháp luật, và chịu trách nhiệm với những người bỏ tiền vào quỹ (investor) là đủ.
Cần đặt ra câu hỏi là phải chăng khi sự đã rồi các quỹ mới biết về hiện trạng của Món Huế hay đã nắm được từ rất lâu? Nếu câu trả lời là bây giờ mới biết thì có lẽ cần xem lại khả năng quản lý, thẩm định đầu tư của các quỹ, vì rất nhiều người bình thường, khách hàng đều không đánh giá cao chất lượng của hệ thống nhà hàng này, huống gì các nhà quản lý quỹ vốn rất nhạy bén, chuyên nghiệp. Còn trong trường hợp các quỹ cũng đã nhìn thấy được rủi ro thì tại sao lại không có những hành động ngăn chặn hoặc hạn chế?
Rất khó để chỉ ra được một nguyên nhân chính xác, nhưng cần lưu ý đến một yếu tố đó là giá trị của một chuỗi bán lẻ có thể là một chiếc phao để nhiều bên bám víu. Nghĩa là dù Món Huế, Phở Ông Hùng có đang gặp khó, thì hàng trăm cửa hàng phủ khắp cả nước, tại các vị trí đắc địa cũng là một lợi thế, và dù chỉ là cái xác thì đem đi bán vẫn có lời.
Trong quá trình huy động vốn của các công ty tư nhân cũng có thể có rất nhiều vòng, hoặc NĐT sau khi vào một thời gian có thể thoái (exit) cho một NĐT khác tham gia. Như vậy có thể việc các quỹ đầu tư kỳ vọng có thể exit được Huy Việt Nam trước khi tình huống xấu nhất xảy ra, còn phía DN lại kỳ vọng nhờ vào việc tiếp tục mở chuỗi, thậm chí mở cả nhà máy mà huy động được thêm vốn từ các NĐT khác nữa.
Thông thường, với các hoạt động đầu tư mạo hiểm (venture) cho startup, thì việc rót vốn 10 thương vụ chỉ cần 1-2 thương vụ có lãi đã được xem là thành công, vì suất sinh lời từ startup có thể lên đến vài chục lần, hoặc hơn nữa.
Còn với hoạt động đầu tư PE, tức những công ty đã có hình hài, có mô hình kinh doanh (business model) khá rõ, yêu cầu cao hơn venture là phải có khoảng 5 thương vụ có lãi, 2-3 thương vụ hòa vốn, còn lại là lỗ. Nhưng dù sao thua lỗ cũng là điều không thể tránh khỏi trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, mấu chốt là bài học gì rút ra được sau những thương vụ không thuận lợi.