Tuy nhiên, việc áp thuế dựa trên doanh thu với các doanh nghiệp (DN) này đang gặp khó. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông VŨ HOÀNG LIÊN, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng như vậy là chưa công bằng với DN trong nước.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông có cần sửa đổi cơ chế tính thuế nhà thầu nước ngoài để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động TMĐT xuyên biên giới?
Ông VŨ HOÀNG LIÊN: - Cần xem lại một cách nghiêm túc cơ chế tính thuế nhà thầu, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân đối với DN nước ngoài trong hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Thuế nhập khẩu là công cụ điều tiết sản phẩm, dịch vụ vào Việt Nam. Do vậy phải tính thuế nhà thầu (là loại thuế áp dụng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài không thành lập pháp nhân nhưng có phát sinh thu nhập tại Việt Nam).
Còn với người tiêu dùng trong nước khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ DN nước ngoài phải nộp thuế GTGT (chỉ khi đây là dịch vụ tiêu dùng trong nước với nhau, DN trong nước nộp hộ người tiêu dùng), nếu có thu thuế GTGT sẽ phải nộp chứ DN nước ngoài không nộp thay.
Vì thế, với những hàng hóa, dịch vụ mua bán, trao đổi thông qua kênh TMĐT xuyên biên giới nên xem xét dưới góc độ tính thuế nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Vấn đề đặt ra sẽ chịu tác động thế nào cần phải cân nhắc để có sự hợp lý. Bởi khi có sự bất bình đẳng trong hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phải xem lại các cam kết song phương, đa phương Việt Nam tham gia.
Đối với các thị trường, khu vực Việt Nam chưa có các cam kết song phương, đa phương, cần tính toán đến cơ chế tính thuế tương đương với hàng hóa nhập khẩu cho hoạt động TMĐT xuyên biên giới.
Các đại lý, DN trong nước đang phải trả thuế thay cho DN TMĐT nước ngoài, đã tạo cảm giác các DN này đang áp đặt luật chơi với DN trong nước. Để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cần xây dựng những giải pháp quản lý dữ liệu chính xác, kết hợp với tăng khả năng truy thu thuế để thực hiện quyền thu thuế chính đáng với các DN TMĐT nước ngoài. |
- Thời gian qua, nhiều đại lý, DN trong nước phải gánh thuế nhà thầu thay cho DN nước ngoài. Vậy thời gian tới cơ chế quản lý thuế cần thay đổi gì để hướng tới sự công bằng giữa DN nước ngoài và DN trong nước, thưa ông?
- Hiện Bộ Tài chính đã quy định cách tính thuế với Uber và Grab, nghiên cứu cách tính thuế nhà thầu đối với các trang mạng Facebook, Google, Booking, Agoda… Với Uber, Grab mức thuế hiện hành 2% doanh thu và 5% GTGT. Thời gian qua Cục Thuế TPHCM đã truy thu Uber hơn 66,6 tỷ đồng tiền thuế các loại, bao gồm GTGT, thuế thu nhập DN (thuế nhà thầu), số tiền chậm nộp.
Điều đáng lưu ý ở đây phần thuế với nhà thầu không hoàn toàn giống thuế thu nhập DN mà các DN trong nước đang nộp (tương đương 20% lợi nhuận). Vì thế Bộ Tài chính đã quy đổi sang một giá trị thuế trung gian với Uber, Grap là 2% doanh thu. Thực tế cơ quan thuế rất khó tính được lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, nên cách thu thuế dựa trên doanh thu được áp dụng cho các nguồn thu khó đong đếm là phù hợp.
Việc áp dụng các quy định tránh đánh thuế 2 lần trong các hiệp định thương mại tự do chỉ áp dụng đối với thuế xuất nhập khẩu, còn thuế GTGT, thuế nhà thầu không liên quan. Các dòng thuế khác như GTGT, thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, mỗi dòng đều có nguyên tắc của nó. Còn mỗi quốc gia đều có một chính sách thuế riêng nhưng không ảnh hưởng bởi các cam kết trong hiệp định thương mại.
- Với quy định thuế cho nhà thầu nước ngoài trong hoạt động TMĐT xuyên biên giới, ông có thấy cần phải quy định bổ sung thêm về cơ chế tính thuế để tránh thiệt thòi cho DN trong nước?
- Nguyên tắc thuế cho nhà thầu nước ngoài đã có, còn phương pháp tính, cách quản lý như thế nào, các cơ quan nhà nước sẽ có số liệu để thu thuế. Vấn đề đặt ra ở đây thiên về phương pháp quản lý để kiểm soát thuế nhiều hơn, chỉ trong một số trường hợp khó, hoặc không kiểm soát được mới chuyển sang hình thức thu thuế trung gian như với Uber, Grab.
Tuy nhiên, việc áp thuế với các DN nước ngoài phải cân đối giữa các vấn đề lợi ích kinh tế, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, các cam kết trong hiệp định thương mại và lợi ích quốc gia từ các hiệp định đó. Khi đã cân đối các vấn đề này phải chấp nhận cả chính sách thuế của nước ngoài. Chẳng hạn khi so sánh sẽ thấy được sự bất bình đẳng, sự bất lợi cho DN trong nước trong cách tính thuế.
Vấn đề là những cơ chế được coi là bất bình đẳng với DN trong nước liệu có bỏ được không, nếu bỏ sức cạnh tranh DN trong nước có lên được không, lợi ích quốc gia có đảm bảo. Về các hàng rào kỹ thuật có thể sửa đổi, nhưng cơ chế thuế sẽ liên quan đến thu ngân sách nên không dễ thay đổi. Nếu không thay đổi được, DN trong nước buộc phải chấp nhận vì hội nhập, tham gia sân chơi chung không phải luật lệ của một nước. Trong hội nhập không thể kéo DN nước ngoài về cùng với hoàn cảnh DN trong nước được.
Với sự tăng trưởng không ngừng của hoạt động TMĐT hiện nay nếu không quản lý được số liệu sẽ thất thu thuế. Trường hợp khách hàng đặt phòng khách sạn tại Việt Nam, thanh toán thông qua các trang mạng trung gian như Booking, Agoda, hay Traveloka, các trang mạng này chính là người mua hàng của các khách sạn. Các khách sạn trong nước phải cư xử với các trang mạng này như người mua hàng và các trang mạng này phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo hợp đồng giữa 2 bên.
- Bộ Tài chính đang đề xuất tính thuế dựa trên quy định buộc các dòng tiền giao dịch TMĐT xuyên biên giới phải thông qua cổng thanh toán của CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) để có cơ sở tính thuế trên dòng tiền. Ông thấy đề xuất có khả thi?
- Có khả thi bởi đó là cách thiên về quản lý số liệu thu thuế. Nhưng nếu chỉ có một cách đó DN vẫn có thể luồn lách, khi luồng tiền không chạy qua Napas mà chạy qua chỗ khác, nên cần tìm những cách quản lý khác. Thí dụ, buộc các DN mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, tăng quyền điều tra, khởi tố cho cơ quan thuế, tăng thời hạn thanh tra thuế, tăng mức phạt chậm nộp thuế, cơ chế khuyến khích DN tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thuế…
Tuy nhiên, nếu áp thuế quá cao, quản lý thuế quá chặt sẽ tác động đến sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh trong mắt các DN đầu tư FDI. Vì vậy cần cân nhắc kỹ để đưa ra những giải pháp quản lý phù hợp.
- Xin cảm ơn ông.