Vấn đề khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bức xúc chính là việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Trước đó, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, số tiền thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thu được trong giai đoạn năm 2013 - 2018 lên đến 257.000 tỷ đồng. Khúc mắc là ở chỗ, số tiền này được quản lý, sử dụng theo nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất, thậm chí một số văn bản dưới luật trái với quy định của luật.
Số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được tập trung về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp. Song, theo báo cáo đánh giá của Kiểm toán nhà nước, việc quản lý, sử dụng quỹ này còn nhiều bất cập. Bộ Tài chính cũng chưa kịp thời tổng hợp được số liệu chính thức về số dư quỹ.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, ngoài nhiệm vụ chi chuyển vào ngân sách nhà nước thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội; tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn phải thực hiện nhiệm vụ chi hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật liên quan.
Nếu toàn bộ nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được nộp thẳng vào ngân sách sẽ phát sinh vướng mắc, bất cập trong việc bảo đảm thực hiện cả hai nhiệm vụ trên. Vì lẽ đó, có 2 giải pháp được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thông qua quỹ như hiện nay, hoặc hình thành tài khoản tạm giữ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nói thêm rằng, thực tế vừa qua, chỉ chuyển phần thu vượt dự toán ngân sách hàng năm hoặc trong trung hạn vào một quỹ tài chính hay một tài khoản trung gian. Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hay tài khoản tạm giữ giống như một loại “van” để điều tiết khoản vượt thu này vào dự toán ngân sách.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích rõ: “Hiến pháp đã quy định rất rõ tất cả các khoản thu của Nhà nước phải được đưa vào ngân sách nhà nước, tất cả khoản chi của Nhà nước phải được dự toán và chi theo dự toán. Quy mô vốn 10.000 tỷ đồng đã là dự án phải trình Quốc hội xem xét, thế mà ở đây có thể nói là Quốc hội không thể biết hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được thu, chi ra sao”.
Một nghịch lý nữa, theo Chủ tịch Quốc hội, là nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM đang bị “treo” số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên tài khoản tạm thu tương ứng là 8.416,485 tỷ đồng (ngày 30-6-2019) và 1.789,373 tỷ đồng (31-12-2017), khi mà nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết. Lẽ ra, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, thì khoản thu này đương nhiên thuộc ngân sách địa phương.
Trên thực tế, việc quản lý một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hay tài khoản trung gian sẽ rất khác về bản chất so với quản lý ngân sách theo nguyên tắc “tất cả các khoản thu của Nhà nước phải được đưa vào ngân sách nhà nước, tất cả khoản chi của Nhà nước phải được dự toán và chi theo dự toán” một cách bài bản.
Để đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, pháp luật cũng như tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước thu hồi từ doanh nghiệp, một mặt cần thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, mặt khác, cần tiếp tục nghiên cứu, đồng bộ hóa các nội dung có liên quan trong một văn bản luật, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 vào thời điểm thích hợp; đồng thời, rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Kiến nghị hoàn toàn chính đáng của các địa phương như Hà Nội và TPHCM về quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 cần được giải quyết dứt điểm, đúng như chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội.