Phát triển thủy điện: Những nỗi lo lắng của người dân

(ĐTTCO)-Nhiều năm nay, người dân sinh sống tại các vùng hạ du của các dự án thủy điện rất lo lắng về tình trạng mùa mưa thì ngập lụt, mùa khô thì khô hạn; hay việc chậm đền bù, hỗ trợ người dân di dời.
7 thủy điện lớn nhỏ trên dòng sông Đăk Psi đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của dòng sông này. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
7 thủy điện lớn nhỏ trên dòng sông Đăk Psi đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của dòng sông này. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Bên cạnh việc tạo ra nhiều lợi ích, các thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum đã và đang xuất hiện những tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, kịp thời.

Đó là tình trạng ngập lụt cho vùng hạ du vào mùa mưa, gây khô hạn vào mùa khô; hay chậm đền bù, hỗ trợ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng, di dời, khiến nhiều năm nay, người dân sinh sống tại các vùng dự án thủy điện vẫn còn nhiều nỗi lo lắng.

Từ nhiều năm nay, cánh đồng gần 10ha nằm cạnh suối Đăk So Rach (chảy từ Quảng Ngãi về Kon Tum) là nơi canh tác và cung cấp lương thực cho hàng chục hộ dân tại thôn Kon Plông, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016, khi công trình thủy điện Đăk Re do Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư được khởi công, dòng chảy của con suối này đã bị dẫn ngược về Quảng Ngãi theo một ống dẫn nước ngầm để phục vụ cho hoạt động của thủy điện.

Ông A Nhát, làng Kon Plông, xã Hiếu nhớ lại, trước đây cánh đồng này được người dân trong làng canh tác lúa. Do nằm cạnh suối nên canh tác rất thuận lợi, lúa tốt, cung cấp đủ lương thực cho người dân. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, khi dòng chảy của suối đổi dòng, người dân đã không thể canh tác lúa được, nên gần 10ha đất đã phải bỏ hoang.

Theo ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hiếu, từ thời điểm khởi công xây dựng đến nay, Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân đã tiến hành 5 đợt chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án với số tiền khoảng 4 tỷ đồng.

Dù số tiền này góp phần giúp nhân dân có nguồn tài chính để ổn định sản xuất, song không thể phủ nhận những tác động tiêu cực từ dự án Thủy điện Đăk Re mang lại, nhất là việc thay đổi dòng chảy của suối Đăk So Rach.

Theo quan sát của phóng viên, suối Đăk So Rach bề mặt suối đã khô cạn, nứt nẻ làm ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp của người dân.

Hệ thống sông Đăk Psi có chiều dài khoảng 81km, bắt nguồn từ huyện Đăk Glei, đổ vào sông Krông Pô Cô, diện tích lưu vực khoảng 824km2. Với chiều dài và diện tích lưu vực tương đối lớn, việc quy hoạch các dự án thủy điện để khai thác hợp lý nguồn thủy năng trên sông Đăk Psi cũng đã được phê duyệt.

Hiện, trên hệ thống sông này có 7 thủy điện đang hoạt động là Đăk Psi 1, Đăk Psi 2B, Đăk Psi 3, Đăk Psi 4, Đăk Psi 5, Đăk Psi 6, Đăk Psi (bậc 1, 2).

Ông A Chuh, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết, ngày trước, hai bên bờ sông là các ghềnh đá, cây cối xanh tốt. Bây giờ, cát tràn về bồi lấp hoàn toàn bờ sông.

Cũng chính vì cát nhiều, nên lòng sông bị bồi lấp, nước dâng cao hơn, cứ đến mùa mưa là các diện tích canh tác nông nghiệp ven sông lại bị ngập, điều mà trước kia không hề xuất hiện.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy và hiện trạng hai bên bờ sông, việc tích nước vào mùa khô cũng ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy của sông Đăk Psi. Dưới chân đập tràn của Thủy điện Đăk Psi 5, vào mùa khô, lượng nước từ cửa xả của thủy điện này rất ít, biến lòng sông trở thành một con suối nhỏ, không đủ để duy trì hệ sinh thái ở vùng dưới chân đập.

Thậm chí, để lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, người dân phải mang máy bơm xuống dưới lòng sông để hút nước.

Phat trien hai hoa thuy dien: Nhung noi lo lang cua nguoi dan hinh anh 2
Do ảnh hưởng của thủy điện, người dân phải mang máy bơm xuống lòng sông để bơm nước tưới cho cây trồng vào mùa khô. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Theo ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, việc đầu tư xây dựng các dự án gây ảnh hưởng dòng chảy, giảm bùn, phù sa của dòng chảy nên ảnh hưởng đến năng suất trồng trọt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cũng nhận định, việc tích nước hồ chứa của các thủy điện làm tăng nguy cơ xói mòn, bồi lắng lòng hồ, làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và vấn đề liên quan đến an toàn đập và vùng hạ du…

Ngoài ra, các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh hầu hết được xây dựng tại các huyện miền núi, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa nên thường gặp nhiều rủi ro không lường trước trong thi công xây dựng và vận hành công trình.

Mới đây nhất, Thủy điện Đăk Psi (bậc 1, 2) và Thủy điện Đăk Psi 5 vận hành xả lũ sai quy trình trong cơn bão số 9 năm 2020 đã gây ngập cho hàng trăm hộ dân tại hai xã Đăk Long và Đăk Pxi, huyện Đăk Hà.

Một vấn đề khác liên quan đến thủy điện chính là việc thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận.

Đơn cử, dự án Thủy điện Đăk Đrinh, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông dù đi vào hoạt động gần 10 năm nay, song đến cuối tháng 6/2022, Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh (chủ đầu tư công trình) vẫn chưa hoàn tất đền bù, hỗ trợ cho gần 200 hộ dân nhường đất để xây dựng thủy điện.

Hay như tại Thủy điện Đăk Psi (bậc 1, 2) và Thủy điện Đăk Psi 5, dù hai thủy điện này gây ngập lụt từ năm 2020, song cho đến nay, vẫn chưa xong việc chi trả đền bù, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng vẫn. Nguyên nhân là bởi hai đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai và Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi không đồng ý chịu trách nhiệm.

Chỉ đến khi Sở Công Thương tỉnh Kon Tum vào cuộc, yêu cầu hai bên cùng chi trả, nếu không sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung tạm dừng huy động công suất, hai đơn vị này mới đồng ý thực hiện nghĩa vụ của mình.

Các tin khác