Dow Jones tăng 261,91 điểm, tương đương 0,76%, lên 34.869,63 điểm.
S&P 500 tăng 10,15 điểm, tương đương 0,23%, lên 4.468,73 điểm.
Nasdaq giảm 9,91 điểm, tương đương 0,07%, xuống 15.105,58 điểm.
Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, chăm sóc sức khỏe giảm mạnh nhất, chiều ngược lại là năng lượng nhờ giá dầu tăng.
Nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu giá trị hơn là tăng trưởng, trong đó tăng giá mạnh nhất là những cổ phiếu được cho là hưởng lợi khi kinh tế phục hồi.
“Khả năng cao không có quá nhiều bất ngờ tích cực trong tháng này”, Liz Young, giám đốc chiến lược đầu tư tại SoFi, New York, nói. “Chúng ta đang có một giai đoạn biến động mà theo tôi nghĩ sự luân chuyển sẽ hướng đến nhóm chu kỳ, hưởng lợi từ tái mở cửa kinh tế trong bối cảnh lợi suất trái phiếu 10 năm sẽ tăng từ từ cho đến hết năm”.
Nhà đầu tư theo dõi khả năng thông qua kế hoạch ngân sách 3.500 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, trong đó có đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 26,5%.
Giới phân tích tại Goldman Sachs nhận định tăng thuế doanh nghiệp lên 25% và nửa số đề xuất tăng thuế với nguồn thu từ nước ngoài sẽ được thông qua, ước tính giảm lợi nhuận của S&P 500 khoảng 5% trong năm 2022.
Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngày 14/9, phần nào đưa ra cái nhìn rõ hơn về làn sóng lạm phát hiện tại và có phải chỉ mang tính tạm thời như Fed nhấn mạnh hay không.
“Tôi không nghĩ lạm phát về dưới 2% như trước đại dịch”, Young bổ sung. “Ngay cả khi một số tạm thời suy yếu, lạm phát cũng sẽ ở mức cao hơn so với trước đây”.
Các số liệu kinh tế Mỹ quan trọng khác sẽ được công bố trong tuần này còn có doanh số bán lẻ và tâm lý người tiêu dùng.
Cổ phiếu hai hãng sản xuất vaccine Moderna và Pfizer lần lượt giảm 6,6% và 2,2% sau khi giới chuyên gia nói mũi tiêm bổ sung là không quá cần thiết.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 13/9 là 10,3 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với trung bình 9,29 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.