DVBHP ở Việt Nam?
Trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta có thể thấy các mẫu hình của phương thức giao dịch và cách thức sử dụng DVBHP trong cuộc sống thường nhật. Về phương thức giao dịch bất hợp pháp, chắc hẳn ít người trong chúng ta xa lạ với việc các tiệm vàng, trung tâm môi giới du học, hoặc các công ty du lịch lữ hành, “hỗ trợ” chuyển tiền của người Việt ở nước ngoài về nước hoặc ngược lại không thông qua các kênh giao dịch ngoại hối chính thức của NHNN.
Nếu phương thức giao dịch thủ công và cơ bản này chưa được quản lý triệt để, thì bài toán quản lý các phương thức giao dịch bất hợp pháp tinh vi và được tự động hóa cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, sẽ khó có lời giải đáp.
Về cách thức sử dụng DVBHP, chúng ta có lẽ không xa lạ với các dịch vụ thường được gọi là “nhạy cảm” trong các lĩnh vực giải trí, du lịch, khách sạn và lữ hành. Vấn đề chúng ta cần đặt ra là liệu nguồn vốn các doanh nghiệp đứng sau các dịch vụ này kêu gọi, hoặc thông qua tư nhân hoặc thị trường tài chính, có được sử dụng để tiếp tay hoặc phát triển các cơ sở hoặc kênh giao dịch dịch vụ “nhạy cảm”?
Ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội?
Ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội?
Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, DVBHP và các hoạt động ngầm phía sau dòng vốn này là trở lực rất lớn cho sự phát triển về kinh tế, xã hội, công nghệ và con người tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ở những quốc gia mới nổi, DVBHP đang là vấn nạn lớn cho các chính phủ và các cơ quan quản lý, bởi lẽ dòng vốn này làm suy yếu tính minh bạch và quản trị của các định chế tài chính, xóa mờ biên giới trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp, hạn chế tiến trình thực thi luật pháp và quy định, làm giảm tính minh bạch của hệ thống kinh tế và xã hội. Các nghiên cứu đều cho thấy tác động của DVBHP rất lớn và ngày càng gia tăng về quy mô và cường độ.
Theo đó, các quốc gia mới nổi được cho chịu tổn thất kinh tế và xã hội rất lớn vì các DVBHP. Một báo cáo được phát hành của Global Financial Integrity, chỉ ra rằng DVBHP dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự phát triển của nền kinh tế, tạo ra nhiều vụ việc liên quan đến gian lận và hối lộ, tham nhũng trong xã hội. Báo cáo này còn cho thấy DVBHP chiếm tỷ trọng từ 14-24% trong các giao dịch thương mại của các quốc gia mới nổi trong giai đoạn 2005-2014.
Bên cạnh đó, báo cáo còn ghi nhận 58% các định chế tài chính và các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động dịch chuyển nguồn vốn tại các quốc gia mới nổi có ghi nhận các giao dịch đáng nghi về tính pháp lý, nhưng cơ chế quản lý gặp khó khăn trong cách thức phòng chống.
Phòng chống như thế nào?
Theo WB, phòng chống DVBHP cần sự chung tay không chỉ các định chế tài chính trong thị trường tài chính, mà cả các doanh nghiệp và định chế khác trong nền kinh tế.
Sự chung tay góp sức này cần tập trung vào 3 khía cạnh cơ bản: (1) Đo lường quy mô của DVBHP; (2) Phòng chống các hành vi dẫn đến sự phát sinh của DVBHP. (3) Ngăn chặn DVBHP, bao gồm các hành vi rửa tiền và tội phạm tài chính.
Ở cấp độ quốc gia, WB đã phát triển công cụ đánh giá rủi ro để hỗ trợ các quốc gia mới nổi, xác định và phòng ngừa rủi ro rửa tiền. Tuy nhiên, thách thức đặt ra ở đây là nhiều quốc gia mới nổi chưa thực sự đưa dữ liệu phản ánh đúng thực tế trong quá trình đánh giá, dẫn đến nhiều câu hỏi về tính hợp lý của kết quả đánh giá.
Ở cấp độ doanh nghiệp, các định chế tài chính và cơ quan quản lý thị trường tài chính cần có các chính sách, quy trình và cơ chế quản lý (tự động và thủ công) nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các DVBHP. Một số giải pháp các định chế tài chính và cơ quan quản lý có thể tham khảo, bao gồm:
Thứ nhất, tham gia các công ước và chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền và phòng chống tội phạm tài chính ở mức độ phù hợp, với thể chế và mức độ phát triển của một quốc gia.
Thứ hai, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức và cơ quan có chức năng nghiên cứu, khảo sát, tham vấn, quản lý và chế tài đối với rửa tiền, tội phạm tài chính và DVBHP. Cơ quan quản lý của các quốc gia đang phát triển cần học hỏi và đưa vào thực tiễn các kinh nghiệm ở các quốc gia phát triển. Cần tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ” để bảo vệ các định chế nội địa, xa rời với các thông lệ và thực trạng thực thi các giải pháp phòng chống DVBHP trên thế giới.
Thứ ba, xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển khung phòng chống DVBHP. Chiến lược này cần được dựa trên tầm nhìn về sự phát triển của thị trường tài chính, công nghệ và các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ sự phát triển này.
Thứ tư, tiến hành đánh giá triệt để rủi ro khách hàng hoặc các công ty tham gia thị trường tài chính. Thí dụ, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn được biết đến với chuỗi karaoke, nhà hàng hoặc spa, tiến hành kêu gọi nguồn vốn để phát triển cơ sở vật chất phục vụ các dịch vụ liên quan. Các định chế tài chính và cơ quan quản lý cần nhìn vào sự thật về bản chất của các dịch vụ này và hệ lụy đến sự phát triển của nhận thức, đạo đức và lối sống xã hội của cả một thế hệ.
Thứ năm, tận dụng công nghệ theo dõi, rà soát, phân tích và dự báo tự động để theo dõi sự dịch chuyển của dòng vốn và hành vi của các đối tượng trên thị trường tài chính. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và phân tích nâng cao là các giải pháp hữu hiệu và phù hợp với thực trạng biến đổi của DVBHP hiện nay.
Cuối cùng, đầu tư vào con người ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển thị trường tài chính, để tạo ra thế hệ quản lý nhận thức được vai trò và ảnh hưởng của thị trường tài chính với sự phát triển của kinh tế và xã hội.