Quản lý đất công: sờ đâu, sai đó(*)

(ĐTTCO) - Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TPHCM, TP hiện có gần 13.000 địa chỉ nhà, đất công, trong đó đa phần sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực rất lớn, đặc biệt đa phần các quận, huyện đều có nhà, đất công bị bỏ trống.
Mới đây, Thanh tra TP có báo cáo qua thanh tra 10 đơn vị đang quản lý, sử dụng đất công với 103 mặt bằng có sai phạm, thì có tới 26 mặt bằng bỏ trống gây lãng phí. Cụ thể, quận 6 có 8 địa chỉ, quận 3 có 5 địa chỉ, quận Bình Tân có 17 địa chỉ… Riêng huyện Hóc Môn đang quản lý một khối lượng địa chỉ nhà, đất công lên tới hơn 1.100ha.
Quản lý đất công: sờ đâu, sai đó(*) ảnh 1

Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (quận 6) bị bỏ hoang hơn 14 năm nay.

 
Nhiều khu đất bỏ hoang
Theo quy hoạch của TPHCM giai đoạn 2011-2015, đất dành cho giáo dục 2.016ha, y tế 288ha, văn hóa 87 ha và thể dục - thể thao 782ha. Từ quỹ đất này, bên cạnh nhiều công trình được khai thác sử dụng hiệu quả, cũng có không ít công trình bị lãng phí.
Điển hình là Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (quận 6), gồm 5 khối tòa nhà với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, nhưng sau khi đưa vào sử dụng sân trường đã bị sụt lún nặng khiến công trình bỏ hoang hơn 14 năm nay.
Ngôi chợ Tân Phú thuộc địa bàn phường Tân Phú, quận 9 có diện tích gần 5.500m2, nằm cách Quốc lộ 1A khoảng vài trăm mét. Ngôi chợ này được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2006. Tuy nhiên, chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 1 năm thì rơi vào tình trạng “vắng như chùa bà Đanh”. Từ đó cho đến nay đã 12 năm, ngôi chợ này vẫn nằm “trùm mền”. Hoặc tại quận 5, các rạp hát Lệ Thanh A, Lệ Thanh B bỏ hoang gây lãng phí lớn...
 Thanh tra TPHCM mới tiến hành thanh tra 10 đơn vị đang quản lý, sử dụng đất công tại TPHCM, đã cho thấy tình trạng để trống, để hoang quá lớn gây lãng phí, thất thoát. Những khu đất đó trị giá chí ít cũng hàng trăm tỷ đồng và nhiều lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Một ngày để hoang những khu đất trị giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng chính là sự lãng phí lớn. 
Ông NGUYỄN LONG TUYỀN, 
Chánh Thanh tra TPHCM
Điều đáng nói, tại nhiều khu đất do các đơn vị trực thuộc trung ương quản lý, sử dụng, nhiều đơn vị thà bỏ hoang chứ không trả lại đất cho TP. Điển hình như khu đất 620 Kinh Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân có diện tích hơn 9.000m2. Khu đất này được TP giao cho CTCP Hóa-Dược phẩm Mekophar (thuộc Bộ Y tế) sử dụng từ năm 2004. Khu đất có các công trình nhà, văn phòng làm việc nhưng đã hư hỏng, xuống cấp, không còn sử dụng được.
Tương tự là khu đất hơn 2.500m2 của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (thuộc Bộ Xây dựng) tại địa chỉ 516 Kinh Dương Vương, cơ sở vật chất đã cũ kỹ, xuống cấp, chỉ còn một chốt bảo vệ có nhân viên trông coi khu đất.
Một nghịch lý nữa là phải trầy trật và mất thời gian dài, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM mới thu hồi thành công khu đất công có diện tích 1,4ha tại số 538 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân. Trước đây, diện tích đất này do Xí nghiệp Phân bón An Lạc 1 thuộc Công ty Phân bón miền Nam (đơn vị chủ quản) sử dụng.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài bỏ trống, khu đất này thuộc diện bị xử lý, thu hồi (theo Quyết định 09 của Thủ tướng) sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Năm 2011, TP đã có văn bản thu hồi, giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống với nhà cửa trên đất cũ kỹ, hoang tàn, đầy cỏ dại và rác rưởi… ngay tại trung tâm quận Bình Tân.

Cho tư nhân thuê với giá bèo
Trong bài trước, ĐTTC đã phản ánh việc giá thuê nhà tại TPHCM đang được áp dụng theo giá UBND TP phê duyệt từ năm… 1994. Các công ty dịch vụ công ích quận, huyện cho biết rất nhiều lần có văn bản kiến nghị UBND TP ban hành bảng giá mới, nhưng đến nay TP vẫn chưa có ý kiến. Do đó các quận, huyện tự tính giá cho thuê khác nhau, và rất nhiều đơn vị tự đưa ra giá nhưng không thông qua thẩm định và phê duyệt của UBND TP.
 Cần tăng cường kiểm tra, rà soát và làm rõ những vụ chuyển nhượng đất công trái phép, bán chỉ định, gây thất thoát tài sản công, đất công. Từ đó có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này, đồng thời xử lý nghiêm và thu hồi những trường hợp đất sử dụng sai mục đích, không có hiệu quả. 
LÊ THỊ NGA,
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
 
Nằm ngay khu đất vàng của quận 1, căn nhà số 8 đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, đang do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP quản lý. Nhà, đất này có diện tích khuôn viên 771m2 với diện tích sử dụng gần 10.000m2. Năm 2007, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP ký hợp đồng cho một công ty tư nhân thuê khu đất trong 20 năm, từ năm 2007-2027, với giá 135.000USD/tháng, trung bình hơn 13,5USD/m2/tháng, trong khi giá thuê văn phòng trên đường Nguyễn Huệ dao động 30-50 USD/m2/tháng, hơn gấp 3 lần giá. Hiện nay công ty này cho thuê lại với giá khoảng 28USD/m2/tháng.
Một địa chỉ “đất vàng” khác, mặt tiền số 201 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, cũng được cho thuê giá rẻ bèo. Diện tích khuôn viên của căn biệt thự này 1.413m2, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đã ký hợp đồng cho CTCP Đầu tư và phát triển xây dựng thuê 234 triệu đồng/tháng, trong thời hạn 2003-2017. Tính ra bình quân mỗi mét vuông khoảng 166.000 đồng. Hiện đơn vị thuê vẫn sử dụng và cho thuê lại một phần.
Chẳng những vậy, nhiều khu đất cho thuê còn bị xù nợ. Như Công ty Dịch vụ công ích quận 6 có 13 trường hợp nợ thuê đất kéo dài với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Trong đó có 4 trường hợp người thuê đã xù nợ và bỏ trốn. Đến nay, quận 6 cũng như Công ty Dịch vụ công ích vẫn chưa tìm ra giải pháp giải quyết. Được biết, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đang nợ tiền thuê nhà, đất công lên đến gần 74 tỷ đồng. 
Một khu nhà đất số 4/19 Hậu Giang (quận Tân Bình) với diện tích hơn 9.500m2. Ngày 7-4-2010, UBND TPHCM có văn bản chấp thuận về chủ trương cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) được triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm cấp nước dự phòng, kết hợp kho chứa vật tư ngành nước và kinh doanh cho thuê kho tại cụm giếng G2 Tân Sơn Nhất theo quy hoạch được duyệt. Thế nhưng, Sawaco đã không đầu tư trạm cấp nước dự phòng, mà “phù phép” liên doanh liên kết với tư nhân, sử dụng đất không đúng mục đích được giao.
Cụ thể, ngày 9-9-2010, Sawaco ký hợp đồng hợp tác đầu tư và khai thác kho chứa vật tư hàng hóa với Công ty Đức Bình, và ngay sau đó bàn giao mặt bằng cho Công ty Đức Bình. Điều đáng nói, Sawaco ký hợp đồng hợp tác với Công ty Đức Bình nhưng trong hợp đồng không thể hiện giá trị vốn góp, đầu tư của các bên. Sawaco cũng không trình bày được số vốn góp của mỗi bên để làm căn cứ phân chia lợi nhuận hợp tác kinh doanh. Chính sự “dễ dãi” này của Sawaco dẫn đến giá trị đất công rơi thẳng vào túi tư nhân. 
Quản lý đất công: sờ đâu, sai đó(*) ảnh 2 Khu đất Xí nghiệp phân bón An Lạc 1 mất nhiều thời gian mới thu hồi, nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang.
Thanh tra vào cuộc
Việc sử dụng đất công một cách vô tội vạ, vi phạm pháp luật ở nhiều nơi cho thấy việc quản lý đất công lâu nay còn lỏng lẻo dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2017-NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2018. Nghị định này được cho là sẽ ngăn chặn một cách có hiệu quả tình trạng mua bán, sử dụng sai mục đích đất công sản hiện nay.
Theo nghị định này, đối với trường hợp nhà, đất sử dụng không đúng quy định, như không sử dụng, cho mượn, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết, Nhà nước sẽ thu hồi. Trường hợp như cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không sử dụng liên tục quá 12 tháng; sử dụng nhà, đất không đúng quy định; chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; nhà, đất được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng… cũng sẽ bị thu hồi. Nghị định 167 cũng quy định quyền hạn thu hồi đất của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh.
Động thái của Chính phủ đã khiến nhiều ngành, tỉnh thành phải “giật mình tỉnh ngủ” và ban hành những văn bản để thanh tra, sắp xếp, thu hồi lại những vị trí đất cho thuê tràn lan, gây lãng phí, thất thoát hàng chục năm nay. Thí dụ, mới đây TPHCM đã mang ra đấu giá 584 nền đất ở quận 2, từ mức giá ban đầu 1.351 tỷ đồng nhưng kết quả thu về 2.062 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Còn theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, từ năm 2004 đến nay TP đã thu hồi 191 dự án chậm triển khai, hủy bỏ và chấm dứt 479 dự án với diện tích trên 4.380ha, cắt giảm quy mô 9 dự án với diện tích trên 10ha. Trước vấn đề quỹ đất dành cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao còn thiếu, sở đã tham mưu UBND TP và thông qua HĐND TP trình bổ sung 7.204ha dành cho các lĩnh vực trên với 1.486 dự án cụ thể. 
Đặc biệt, những ngày qua dư luận xôn xao việc Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra gửi Thủ tướng về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. Cơ quan này kiến nghị thu hồi khu đất vàng này và thực hiện bán đấu giá theo quy định. Khu đất có diện tích 4.896m2, thuộc sở hữu nhà nước, được UBND TP cho CTCP Đầu tư Lavenue sử dụng để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn 50 năm. UBND TP duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất này theo giá trị trường hơn 621,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng khu đất này cần thiết phải áp dụng đơn giá cho thuê thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp. Và với giá thị trường trên mặt đường Lê Duẩn đang ở mức khoảng 400 triệu đồng/m2, nếu đấu giá khu nhà đất này sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng.
(*) Tiếp theo kỳ trước: "Quản lý đất công - Quá lãng phí, thất thu ngân sách"

Các tin khác