Quản lý xăng dầu: Chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc”

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN TIẾN THỎA, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng việc thống nhất giao toàn bộ công tác quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý.

Cảnh tượng xếp hàng chờ đổ xăng như thời bao cấp liệu có còn tái diễn?
Cảnh tượng xếp hàng chờ đổ xăng như thời bao cấp liệu có còn tái diễn?
Bởi quản lý sản xuất và kinh doanh xăng dầu sẽ giúp Bộ Công Thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước cũng như các chi phí của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu, từ đó chủ động trong chính sách điều hành, quan trọng hơn là tránh trường hợp “đẩy” trách nhiệm cho nhau giữa các bộ.
Phân quyền trách nhiệm rõ ràng
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cục bộ ở thị trường trong nước thời gian qua, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Ông NGUYỄN TIẾN THỎA: - Về trách nhiệm quản lý trong kinh doanh xăng dầu, trên nghị trường Quốc hội ngày 28-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân, trong đó hệ thống phân phối xăng dầu hiện nay có hiện tượng thiếu hụt nguồn cung từ Nhà máy Nghi Sơn, và trong 9 tháng doanh nghiệp nhập khẩu cũng không đạt kế hoạch.
Trong quy định của pháp luật cũng đã quy định rõ, đó là phân công Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý sản xuất kinh doanh, và đảm bảo điều hòa xăng dầu cho toàn bộ nền kinh tế. Do vậy việc thiếu hụt nguồn cung, không đáp ứng được nhu cầu về tổng thể ở các vùng miền, địa phương, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương. 
Tôi cho rằng trách nhiệm này không phải bàn cãi gì thêm như thời gian qua, tránh việc bàn luận qua lại giữa 2 bộ mà không giải quyết được tình hình, kéo dài tình trạng thiếu hụt nguồn cung, không nhìn nhận ra đúng được nguyên nhân, để có thể điều hành tốt hơn.
- Mới đây, Bộ Tài chính đã trình đề xuất lên Chính phủ “trả lại” việc điều hành, quản lý thị trường xăng dầu trong nước cho Bộ Công Thương. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
- Tôi cho rằng đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính là hợp lý. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý sản xuất kinh doanh họ mới có trách nhiệm đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu cho đất nước. Họ đảm bảo sản xuất kinh doanh mới biết tình hình thế giới và trong nước thế nào, các chi phí doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu phải chi ra mỗi vùng khác nhau ra sao... 
Hiện nay chúng ta đang chia cắt là giao cho Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh, kể cả Nghị định 95/2021/NĐ-CP (Nghị định 95) cũng giao cho Bộ Công Thương về hướng dẫn giá cơ sở của xăng dầu. Nhưng trong đó lại tách riêng phần cơ cấu giá là chi phí định mức cho Bộ Tài chính tính toán, công bố rồi lại chuyển Bộ Công Thương đưa vào mức giá cơ sở, đây là cắt khúc không hợp lý.
Vì Bộ Tài chính không thể hiểu được bằng Bộ Công Thương tất cả những vấn đề của xăng dầu. 
- Nhưng cũng có ý kiến e ngại Bộ Công Thương có thể sẽ “chiều” theo doanh nghiệp và xăng dầu bị đẩy lên cao. Vậy giám sát bằng cách nào? 
- Tôi không cho rằng như thế. Bởi như đã nói rất nhiều lần, đó là chúng ta phải vận hành thị trường xăng dầu trong nước sát hơn nữa với thị trường thế giới, chúng ta không thể “một mình một chợ”, đó là độ “vênh” về giá giữa thị trường trong nước với thị trường thế giới.
Khi chúng ta vận hành thị trường tiệm cận với giá thế giới, chắc chắn không có doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu nào có thể tự ý đẩy giá lên cao. Thị trường xăng dầu tăng tính cạnh tranh, bám sát giá thế giới, nếu doanh nghiệp tự ý đẩy giá bán thì ai mua? Chính thị trường sẽ tự đào thải họ. 
Song muốn như thế một số quy định trong Nghị định 95 cần phải thay đổi, trong đó có rút ngắn thời gian chu kỳ điều chỉnh giá. Nếu như giai đoạn này chưa có đủ điều kiện làm được như các nước trên thế giới, tức là bám sát giá thị trường thế giới và điều hành giá hàng ngày, thì có thể rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày, nhằm phù hợp với phương thức hiện nay mà các doanh nghiệp đầu mối đang mua xăng dầu trên thị trường thế giới để phản ánh sát hơn, giảm thiểu lệch pha giá thị trường trong nước và giá thế giới.
Bên cạnh đó, trong hệ thống phân phối thì các thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của 2 đầu mối nhập khẩu và cam kết đăng ký số lượng mua đối với thương nhân đầu mối. Có như vậy thương nhân đầu mối mới chủ động được sản lượng nhập khẩu, chủ động được sản lượng mua trong nước để đảm bảo cung cấp ổn định.
Đồng thời, tôi cho rằng dứt khoát cần phải sửa về giá. Hiện nay chúng ta đang lạm dụng công tác bình ổn giá, giá chỉ nên định hướng và để doanh nghiệp quyết định, chi phí định mức cũng nên để doanh nghiệp quyết định cụ thể. Chúng ta đã nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội và phát biểu của 2 vị Bộ trưởng giải trình thấy rằng, chi phí định mức tại sao lại cho ngần này, cho ngần kia?
Đấy là đẩy trách nhiệm cho nhau. Như vậy là không ổn, thị trường sẽ không thể hoạt động bình thường được, chúng ta biến cái định hướng thị trường thành chỉ đạo điều hành cứng nhắc. Trong khi Nghị định 83 và Nghị định 95 đều xác định chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường.
Phải chấm dứt ngay tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ
- Thưa ông, tình trạng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa không bán hàng tại một số địa phương phía Nam cho thấy tình trạng thiếu nguồn cung đang diễn ra. Vậy nút thắt của dòng chảy xăng dầu ở đâu?
Đẩy trách nhiệm cho nhau là không ổn, thị trường sẽ không thể hoạt động bình thường được. Chúng ta biến cái định hướng thị trường thành chỉ đạo điều hành cứng nhắc. Trong khi Nghị định 83 và Nghị định 95 đều xác định chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường.
- Từng trực tiếp tham gia điều hành giá xăng dầu, cá nhân tôi nhận thấy việc điều hành thời gian qua vẫn loay hoay, lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp kinh doanh thì kêu lỗ, một số nơi đứt đoạn nguồn cung, người tiêu dùng thì bất bình do khó mua xăng dầu.
Cái gốc khiến cung - cầu xăng dầu căng thẳng (theo hướng cung không đáp ứng đủ cầu và đứt gãy nguồn cung ở nhiều nơi) là do việc nhập khẩu xăng dầu trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, nhập khẩu ở thị trường có thuế suất ưu đãi, nguồn hàng không có nhiều, chuyển sang nhập khẩu ở các thị trường khác (có thuế suất cao hơn thuế suất ưu đãi) thì không được phép lỗ. Ngoài ra, nguồn tài chính của các doanh nghiệp không đủ để mua hàng do không được tăng thêm hạn mức tín dụng; chi phí đưa xăng dầu về nước (Premium trong nước, chi phí vận chuyển…) tăng cao hơn quy định nhưng không được điều chỉnh phù hợp.
Trên thực tế, giá thị trường biến động liên tục nhưng chu kỳ tính giá trong nước thì dài dẫn đến những rủi ro về giá rất lớn khi đưa hàng về bán theo giá trong nước. Do vậy, một số thương nhân đầu mối hạn chế nhập, nhập cầm chừng, thậm chí không nhập (trong khi sản xuất trong nước không có đủ nguồn thay thế). Theo Bộ Tài chính, lượng nhập khẩu xăng dầu trong quý III-2022 giảm 30 - 40% so với quý II-2022 đã minh chứng điều này. 
Tình trạng đứt gãy nguồn cung ở một số nơi là một thực tế hiện hữu không thể phủ nhận, do nguồn cung “bơm” ra thị trường từ các thương nhân đầu mối gặp khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp này cũng chỉ cố gắng nỗ lực đảm bảo cung ứng cho hệ thống của họ.
Điều này dẫn đến việc hầu hết các thương nhân phân phối khó mua được hàng (thậm chí không mua được hàng của các thương nhân đầu mối). Hệ quả, hệ thống bán lẻ không có đủ hàng để bán. 
Thêm vào đó, giá bán lẻ xăng dầu hiện nay không bù đủ giá vốn, gây lỗ cho doanh nghiệp (do các chi phí như Premium, tỷ giá...). Do vậy các thương nhân đầu mối và phân phối buộc phải ứng xử theo cách đảm bảo an toàn về lợi ích (tăng giá bán buôn bằng và thậm chí cao hơn giá bán lẻ theo quy định).
Và hứng chịu cách hành xử của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối như vậy, các cửa hàng bán lẻ chắc chắn sẽ bị lỗ và không cách nào khác là phải đóng cửa, ngừng bán hàng... bởi họ là doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải làm công ích.
- Theo ông để xử lý tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu có tính cục bộ trên thị trường cần có giải pháp gì?
- Nếu không nhìn thẳng vào thực tế thị trường xăng dầu sẽ không thể xử lý bình ổn được. Giải pháp cấp bách hiện nay là cần có một tổng chỉ huy đưa ra các quyết sách tháo gỡ. Theo tôi, giải pháp đầu tiên phải thực hiện đó là cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu (kể cả ở thị trường không có thuế suất ưu đãi) và chấp nhận mức thuế suất cao vào trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung.
Bên cạnh đó, cơ quan điều hành tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhằm bám sát những thay đổi của thực tế, bao gồm chi phí và giá thị trường. Tiếp đó, cần điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu (đã lỗi thời) theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ (bao gồm Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng quốc tế; chi phí để đưa xăng dầu về đến cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng; tỷ giá và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu).
Trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh định mức của tất cả các khâu trong kinh doanh xăng dầu, cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia khoản chi phí định mức cho từng khâu, để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng (Nhà nước có thể hướng dẫn tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức). 
Cuối cùng, cần bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối mua xăng dầu từ nhiều đầu mối. Quy định này khiến cho thương nhân đầu mối không thể chủ động nguồn cung cho các nhà phân phối.
Thay vào đó, có thể thay thế quy định trên bằng quy định một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của 2 thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối phải đăng ký, cam kết số lượng mua, đăng ký  tại hệ thống thuộc mình quản lý với thương nhân đầu mối mà mình ký kết.
- Xin cảm ơn ông.
 Giải pháp cấp bách hiện nay là cần có một tổng chỉ huy đưa ra các quyết sách tháo gỡ. Trước mắt phải cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu và chấp nhận mức thuế suất cao vào trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung; tăng thêm hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu.

Các tin khác