Hơn 23.000 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trong quý I/2014, nhiều biện pháp chấn chỉnh cũng được thực hiện để công tác xuất khẩu lao động minh bạch hơn.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong quý I, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 23.277 lao động. Riêng trong tháng 3, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 9.346 người. Trong đó thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất vẫn là Đài Loan (Trung Quốc) với 5.268 lao động.
Đặc biệt, trong tháng 3 vừa qua, đã có thêm 465 lao động Việt Nam được chủ Hàn Quốc chọn sang làm việc. Như vậy, tính tới hết tháng 3, đã có 4.472 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, đối tượng chủ yếu là người lao động về nước đúng thời hạn và lao động mẫu mực đã làm việc thời gian dài ở Hàn Quốc.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, trong quý I/2014 nhiều thị trường cũng được khai mở, trong đó Arabia Saudi được xem là thị trường trọng điểm. Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại thị trường này từ năm 2003 và đẩy mạnh trong những năm gần đây.
Hiện có 15 công ty đưa lao động đi làm việc tại Saudi Arabia với khoảng 15.000 lao động, trong đó có 2.000 lao động giúp việc gia đình. Chi phí thấp cũng tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp khi đưa lao động xuất khẩu sang thị trường này. Nếu như lao động đi làm việc tại thị trường Đài Loan thường phải chi phí nhiều cho môi giới, thị trường Nhật Bản yêu cầu cao đối với lao động thì thủ tục đưa và tiếp nhận lao động sang Saudi Arabia tương đối đơn giản. Người lao động đi làm việc tại thị trường này hầu như không mất phí.
Cũng trong quý I, nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động cũng được thực hiện. Việc thực hiện xử phạt 80-100 triệu đồng đối với hành vi hết hạn hợp đồng không về nước theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP đã được thực hiện từ ngày 10/3. Quyết định này đã khiến tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại hai thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm là Đài Loan và Hàn Quốc giảm rõ rệt.
Tại thị trường Hàn Quốc, số lao động tự nguyện về nước tính đến hết ngày 10/3 là khoảng 3.000 người, chiếm 15% tổng số lao động hết hạn hợp đồng không về nước tại Hàn Quốc. Đặc biệt, tại Đài Loan, tỷ lệ phát sinh người lao động bỏ trốn mới cũng đã giảm hẳn trong quý I.
Mới đây, Bộ LĐTBXH cũng đã gửi văn bản tới Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan) đề nghị tạm dừng thẩm định hợp đồng từ 45-60 ngày đối với 29 công ty môi giới Đài Loan do các công ty này đã thu phí môi giới cao hơn quy định và không thực hiện cam kết giảm chi phí đối với lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan.
Ngay sau khi Bộ LĐTBXH có công văn đề nghị tạm dừng thẩm định hợp đồng môi giới của 29 công ty Đài Loan, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã gửi công văn yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tạm dừng hoạt động tư vấn, tạo nguồn lao động đi Đài Loan đối với các công ty này trong thời gian 45-60 ngày.
Những hoạt động chấn chỉnh công tác đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan nhằm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất cảnh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và cư trú trái phép.