Quyết liệt thu hút và tăng đầu tư tư nhân

(ĐTTCO) - Tốc độ tăng đầu tư tư nhân đang quá thấp, không hỗ trợ cho quá trình nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, không tạo năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Chỉ khi đầu tư tư nhân bứt phá, nền kinh tế mới phục hồi nhanh.

Quyết liệt thu hút và tăng đầu tư tư nhân

Khoản đầu tư lớn nhất

Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 ngàn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2022 (tăng 11,4%).

Theo TCTK, mức tăng thấp này phản ánh rõ tình hình tăng trưởng kinh tế trong nước có xu hướng tăng chậm lại do tác động từ kinh tế thế giới, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong một số ngành, và doanh nghiệp, người dân có xu hướng thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, trong vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng rất thấp, chỉ tăng 2,7% so với năm trước, còn khu vực nhà nước tăng 14,6%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 5,4%.

“Đây là năm đầu tư tư nhân tăng thấp nhất trong 5 năm qua” - TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, chia sẻ và cho biết đây là hiện tượng rất lo ngại bởi đầu tư tư nhân trong nước thấp thì không hỗ trợ cho quá trình nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Cũng lo ngại điều này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói: “Động lực tăng trưởng lớn nhất là đầu tư, trong đó đầu tư tư nhân là khoản đầu tư lớn nhất của nền kinh tế, thường chiếm khoảng 50-60% trong tổng đầu tư toàn xã hội. 1% tăng lên của đầu tư tư nhân có thể làm GDP tăng 0,41%, còn 1% tăng thêm của đầu tư công chỉ làm tăng 0,17% GDP”.

Thực tế, đầu tư từ khu vực tư nhân đóng góp đáng kể trong việc tạo việc làm, tạo thu nhập, tạo năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Vì thế, mục tiêu nhằm tăng tổng đầu tư toàn xã hội, tăng đầu tư, trong đó đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã và đang đóng vai trò quan trọng.

Gia tăng đầu tư tư nhân còn hỗ trợ quá trình khai thông nguồn lực, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả; đồng thời giảm bớt áp lực cho đầu tư công trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo nhiều hình thức đầu tư, nhất là hình thức đối tác công tư. Và do vậy, giảm áp lực lên ngân sách, giảm áp lực về nợ công.

Có nhiều nguyên nhân khiến đầu tư khu vực tư nhân ảm đạm. Đó là thị trường ảm đạm; thị trường xuất khẩu sụt giảm; thị trường bất động sản trầm lắng; cầu suy giảm, tiêu dùng trong nước thấp.

Nguyên nhân nữa được doanh nghiệp phản ánh, là môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, nhiều rủi ro; chính sách khó tiên liệu; tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn đến tình trạng trì trệ, công việc chậm được giải quyết, chạy lòng vòng cũng làm doanh nghiệp nản lòng.

Vì thế, tâm lý né rủi ro, chỉ hoạt động để tồn tại an toàn đang xuất hiện trong khu vực doanh nghiệp.

Đầu tư gấp đôi mới ổn

“Đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp, thấp nhất trong 10 năm qua. Ngay cả trong giai đoạn covid đầu tư tư nhân còn tăng được 3%. Phải kích cầu đầu tư tư nhân. Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương vừa rồi tôi đã đề cập đến vấn đề này” - TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, bức xúc nói. Theo chuyên gia này, đầu tư tư nhân phải tăng gấp đôi, tốc độ tăng ít nhất phải 6-7% mới ổn.

Tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng; chia sẻ cơ hội và tạo lập môi trường kinh doanh an toàn... là giải pháp hiệu quả để thu hút và tăng đầu tư tư nhân cho nền kinh tế.

Đầu tư tư nhân chững lại còn do môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, cơ chế chính sách cho khu vực tư nhân còn nhiều rào cản, chưa đi vào thực tiễn. Vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư chưa được cải thiện nhiều, do công tác phối hợp chưa hiệu quả, tiếp tục là rào cản đối với hoạt động đầu tư.

Những nguyên nhân đó làm giảm niềm tin, giảm động lực đầu tư kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp sản xuất kinh doanh. Không ít doanh nghiệp không đầu tư, hoặc tạm dừng quyết định đầu tư để nghe ngóng, tính toán lại bài toán kinh doanh.

Các chuyên gia e ngại nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời, tình hình trong năm 2024 có lẽ không có cải thiện đáng kể. Đây là vấn đề đáng lo ngại nhất. Và nếu hiện tượng này kéo dài cũng cần phải lưu ý đến khả năng đầu tư tư nhân bị lấn át bởi đầu tư nhà nước và đầu tư FDI. “Chỉ khi đầu tư tư nhân bứt phá nền kinh tế mới phục hồi nhanh” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

“Khi đầu tư tư nhân thấp, nền kinh tế vẫn phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn đầu tư từ Nhà nước như đầu tư công, hay của các doanh nghiệp nhà nước, và lại phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài” - TS. Lê Duy Bình bổ sung thêm.

Rõ ràng, để nền kinh tế không trượt dài theo đà tăng trưởng thấp, phải kích đầu tư tư nhân. Và để đầu tư tư nhân lấy lại đà, quan trọng nhất là lấy lại niềm tin, là có môi trường kinh doanh tốt hơn. Đặc biệt, phải giải tỏa được tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc ở các bộ, ngành và địa phương.

Thể chế phải tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh… Chi phí kinh doanh phải thấp, trong đó phải giảm chi phí không chính thức, giảm chi phí logisitics, chi phí vay vốn… Những chương trình hỗ trợ đầu tư và sản xuất từ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nên tiếp tục được duy trì trong năm 2024.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP/2024, và nhấn mạnh cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi, tăng số doanh nghiệp mới, hạn chế doanh nghiệp rúi lui khỏi thị trường. Với Nghị quyết 02, Chính phủ đã phát đi thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đẩy mạnh để đầu tư tư nhân tăng tốc. Nhưng tất cả vẫn phụ thuộc ở câu chuyện thực thi.

Nhưng hy vọng đang nhen lên khi Nghị quyết 02 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết trước ngày 20-1-2024, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện.

Rõ ràng không cho phép sự chậm chễ, các bộ, ngành, địa phương phải tốc lực vào việc. Đây cũng chính là điều doanh nghiệp mong chờ, là động lực mạnh mẽ nhất.

Các tin khác