Dù xuất thân từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng Ray Dalio lại đam mê về thị trường tài chính. Khi 12 tuổi, ông được thuê phụ việc tại các sân golf, thông qua việc tiếp xúc với các doanh nhân và những người giàu có đã giúp ông biết thêm về chứng khoán và bắt đầu tham gia đầu tư chứng khoán.
Thất bại khó quên
Thất bại khó quên
Ray Dalio bắt đầu tập đầu tư chứng khoán với việc mua lại 300USD cổ phiếu của hãng hàng không Northeast Airlines. Vào năm 1968, vì khủng hoảng về tài chính đã khiến hãng hàng không này bị mua lại bởi Delta Air Lines. Nhờ thương vụ sáp nhập này, giá trị cổ phiếu Northeast Airlines của Ray Dalio sở hữu đã tăng gấp 5 lần. Tuy nhiên, thành công ban đầu này không phải là chất xúc tác để ông trở thành một nhà quản lý quỹ hàng đầu thế giới, mà chính bởi lần “tán gia bại sản” sau đó.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học danh tiếng Havard Business, Ray Dalio thành lập công ty môi giới chứng khoán Bridgewater Associates ngay tại căn hộ của mình vào năm 1975. Canh bạc lớn nhất của Ray Dalio thời điểm này chính là dự báo quốc gia Mexico sẽ nhanh chóng vỡ nợ và kêu gọi các nhà đầu tư, khách hàng đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong thời điểm này.
Bởi trong giai đoạn những năm 1980, Mexico tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp hóa đất nước rất lớn, chính phủ Mexico liên tục chào mời các khoản vay đến từ các nước khác và các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên việc vay mượn quá lớn, khiến nợ công Mexico chạm mốc 327 tỷ USD, đến tháng 8-1982 Bộ trưởng Tài chính Mexico Jesus Silva Herzog tuyên bố nước này không đủ khả năng chi trả các khoản vay và chính thức vỡ nợ. Ray Dalio trở thành một hiện tượng mới ở phố Wall khi đưa ra những dự đoán chính xác.
Tuy nhiên, lo ngại sự sụp đổ của thị trường Mexico sẽ kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ các quốc gia Mỹ Latin, IMF, Fed và các ngân hàng trên thế giới đã thành lập một chiến dịch giải cứu Mexico. Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ và giảm lãi suất. Giảm lãi suất đột ngột đã khiến Ray Dalio không kịp trở tay, thị trường cổ phiếu chạm đáy và ông không kịp đưa ra bất cứ phương thức nào đế ứng phó. Bridgewater Associates phá sản sau 7 năm hoạt động, ông phải bán hết tất cả tài sản để trả lương cho nhân viên và vay mượn 4.000USD từ gia đình để trang trải sinh hoạt phí.
Steven Jobs của giới đầu tư
Sau khi trắng tay, Ray Dalio chỉ còn duy nhất 6 nhân viên tại Bridgewater Associates. Để duy trì hoạt động, Ray Dalio đã gõ cửa từng công ty, từng doanh nghiệp không chỉ tại phố Wall mà cả những nơi họ cảm thấy tiềm năng. Bên cạnh đó, Ray Dalio còn bán gói nghiên cứu thị trường với giá 3.000USD cho các công ty, giúp họ đưa ra những nhận định chính xác và phù hợp cho chiến lược đầu tư của mình.
Tiếp đó, Ray Dalio quyết định tiến sâu vào lĩnh vực quản lý quỹ phòng hộ. Sinh lời từ những gói nghiên cứu thị trường và những dự án quản lý quỹ thành công cho các khách hàng, Ray Dalio từng bước đưa Bridgewater Associates “hồi sinh”.
Một trong những thương vụ tư vấn đầu tư doanh nghiệp được Ray Dalio thực hiện thành công nhất là chiến lược cạnh tranh thị phần của hãng thức ăn nhanh McDonald’s với đối thủ KFC. Cụ thể, McDonalds đã đưa ra ý tưởng về một món ăn mới và thú vị có tên gà viên (Chicken McNugget). Mọi thứ đều ổn, chỉ có một vấn đề giá gà thường biến động mạnh và điều đó sẽ khiến cho việc định giá McNugget trở nên rất khó khăn. Nếu có thể làm cho giá gà ổn định, McDonalds có thể tung ra McNugget, còn không, họ sẽ phải từ bỏ ý tưởng này. Sau nhiều đắn đo, Ray Dalio đã phát hiện ra một cách có thể giúp McDonald’s giải quyết bài toán.
Thực tế, giá gà giống lại khá ổn định, và thứ làm ảnh hưởng đến giá gà chính là thức ăn ngô, bột đậu nành - vốn luôn biến động. Do đó, Ray Dalio đã tư vấn cho nhà sản xuất gà cách mua và bán hợp đồng ngô và bột đậu nành tương lai để đảm bảo ổn định chi phí thức ăn cho gà. Và điều này cũng khiến giá thành gà trở nên ổn định. Dù không rõ điều này đã giúp mang lại bao nhiêu tiền cho McDonalds, tuy nhiên, có thể nói, Chicken McNugget sẽ không bao giờ tồn tại nếu không có Ray Dalio.
Thành công với McDonald’s đã cho Ray Dalio sự tự tin, và ông ngỏ lời thuyết phục Ngân hàng Thế giới (World Bank) để ông quản lý quỹ hưu trí của tổ chức tài chính hàng đầu thế giới này. Ray Dalio đã liên hệ với Giám đốc Đầu tư WB thời điểm này, bà Hilda Ochoa Brillembourg, thuyết phục sẽ quản lý quỹ hưu trí của WB bằng 2 hình thức, tiền mặt và trái phiếu 20 năm của kho bạc Mỹ vì vị thế sẽ giúp tạo ra giao dịch đòn bẩy, mang về lợi nhuận cao hơn.
Nếu giảm lãi suất, Ray Dalio sẽ nắm giữ tài sản bằng trái phiếu, tạo ra một lợi thế an toàn cho quỹ và ngược lại, khi lãi suất tăng ông sẽ chuyển sang quản lý tiền mặt và tạo ra tỷ suất hối đoái cao cho khách hàng. Ý tưởng nhanh chóng thuyết phục Hilda Ochoa Brillembourg, bà đã chuyển 5 triệu USD của quỹ hưu trí và đặt trọn niềm tin cho Ray Dalio.
“Tiếng lành đồn xa”, quỹ phòng hộ Bridgewater Associates vào năm 2000 đã trở thành quỹ phòng hộ hàng đầu nước Mỹ với việc nắm giữ khối tài sản 32 tỷ USD. Đặc biệt, vào năm 2007 Ray Dalio đã dự báo sớm “bong bóng” nợ đã gần chạm điểm bùng nổ. Các khoản nợ đã bắt đầu vượt quá khả năng chi trả của dòng tiền. Lãi suất quá gần đáy (mức 0%), Ray Dalio biết rằng các ngân hàng trung ương không thể nới lỏng các chính sách tiền tệ đủ để đảo ngược tình hình và đây là những gì đã xảy ra trong các cuộc khủng hoảng trước đây.
Dù dự báo sớm được cuộc khủng hoảng, Ray Dalio đưa ra kiến nghị với Nhà Trắng và Fed nhưng lời khuyên của ông không khiến các nhà hoạch định chính sách thay đổi. Chỉ chưa đầy 6 tháng sau, Lehman Brothers phá sản, mở màn cho cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu vào năm 2008. Không thể thay đổi được tình thế, Ray Dalio tập trung bảo đảm khối tài sản của quỹ. Quỹ phòng hộ của ông trong năm 2008 đã ghi nhận tăng trưởng đến 14%, trong khi các quỹ đầu tư khác ghi nhận thiệt hại đến 30%.
Ray Dalio là nhà tỷ phú sáng lập ra Bridgewater Associates , quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới đang quản lý gần 160 tỷ USD. Hiện tại, Dailo sở hữu khối tài sản trị giá 18 tỷ USD và xếp hạng 46 trên Bảng danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. |