Room tín dụng và những gút mắc cũ
Theo số liệu của NHNN, tín dụng của toàn hệ thống đến ngày 17-9 chỉ tăng 7,38% so với cuối năm 2023, mới đạt gần phân nửa mục tiêu 15% đề ra cho cả năm, nhưng trong đó TTTD không đồng đều giữa các NH, có NH thậm chí tăng trưởng âm, có NH tăng rất nhanh và muốn xin thêm room tín dụng.
Chủ tịch HĐQT HDBank Kim Byoungho chia sẻ, TTTD của NH đã đạt trên 15% so với đầu năm, và ông đề nghị NHNN xem xét giao thêm chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có năng lực cung ứng vốn tốt, trên cơ sở cân đối các mục tiêu điều hành trong quý IV.
Tương tự, đến hết tháng 8, Nam A Bank đã TTTD ở mức 14%, tương ứng đã sử dụng 85% room được NHNN giao và NH này cũng kỳ vọng sẽ được nới thêm. Trong khi đó, lãnh đạo một số NH lại cho biết dù đã áp dụng nhiều giải pháp và cơ chế thúc đẩy, song TTTD vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Những vấn đề liên quan đến room tín dụng như vậy đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm trở lại đây, và tiếp tục tái diễn ở thời điểm hiện tại, dù NHNN đã có một số đổi mới trong điều hành tín dụng trong năm 2024.
Nếu như trước đây, NHNN định hướng chung TTTD cả năm, rồi từ đầu năm phân bổ chỉ tiêu từng NH, sau đó nếu thiếu các NHTM đề nghị NHNN cấp thêm room theo kiểu “xin cho”, NHNN dựa trên các diễn biến của nền kinh tế và sức khỏe của từng NH.
Năm nay, NHNN định hướng room tín dụng từ đầu năm 2024 là 15%, và giao hết toàn bộ chỉ tiêu 15% cho các NH, đồng thời yêu cầu các NH kiểm soát TTTD năm 2024. Theo NHNN, điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD đáp ứng nhu cầu vốn tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, cách làm mới vẫn chưa giải quyết được bài toán cũ, tình trạng nơi thừa nơi thiếu vẫn còn đó. Hồi giữa năm, NHNN phải tháo gỡ vấn đề này bằng cách điều chuyển room từ NH không có nhu cầu sang các NH có khả năng tăng trưởng. Nhà điều hành còn cho biết, NH nào cố tình "ôm" room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng, sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm 2025.
Nhưng rồi sau đó, NHNN lại tiếp tục ra thông báo kể từ ngày 28-8, NH có tốc độ TTTD năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm, sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của TCTD. Điều đó cho thấy việc cấp room tín dụng tuy kiểm soát được rủi ro, nhưng lại bất cập về cơ chế hoạt động.
Và cách gỡ vẫn bài giải cũ
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các NHTMCP, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, thời gian qua NHNN liên tục cải tiến việc giao, điều hành chỉ tiêu TTTD, nhưng chưa thể chấm dứt việc “áp room tín dụng” cho từng NH. Bởi nếu “buông” dễ xảy ra tình trạng TTTD nóng, chạy đua lãi suất như giai đoạn trước năm 2011 có thể quay lại, gây bất ổn vĩ mô và rủi ro lạm phát gia tăng, rủi ro nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng tới an toàn hệ thống NH...
Về giải pháp điều hành đến cuối năm 2024, đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục giao chỉ tiêu TTTD hàng năm cho TCTD đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của TCTD. Bên cạnh đó, ông Phạm Quang Dũng cũng có đề cập đến việc nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Thực ra, không thể phủ nhận việc áp room tín dụng có lợi trong điều hành chính sách tiền tệ. Trước đây, nhiều nhà băng TTTD rất cao, lên tới 30%, thậm chí có năm TTTD toàn hệ thống lên tới 53,8%, dẫn đến cuộc đua lãi suất huy động vốn để cho vay. Từ năm 2011, NHNN trở lại áp dụng cơ chế này đã hạn chế tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng gây rủi ro cho hệ thống.
Tuy nhiên, áp room tín dụng dù dựa trên các tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính và dựa trên kết quả xếp hạng các NH, cũng vẫn chỉ là công cụ mang tính hành chính. Và kết quả là năm nào cũng vậy, NHNN cũng phải điều chỉnh room tín dụng cho từng NH.
Cần giải pháp mới hơn
Theo các chuyên gia kinh tế, trên thế giới có những giai đoạn xảy ra các cuộc khủng hoảng, NH Trung ương các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Bắc Âu, Australia… cũng đã từng sử dụng công cụ cấp hạn mức tín dụng cho các NH. Tuy nhiên, khi hệ thống NH phát triển, cơ chế này đã được dỡ bỏ.
Vì khi sử dụng hạn mức tín dụng, nhiều khoản vay sẽ chuyển thành những khoản vay phi NH, khó kiểm soát hơn so với khoản vay NH. Cụ thể khi bị chặn bằng room tín dụng, các NH có thể lách qua hình thức khác như cho vay thông qua việc mua trái phiếu của doanh nghiệp để bơm vốn ra.
Vì vậy, thay vì quản lý bằng công cụ hành chính dẫn đến việc liên tục “xin - cho”, nhiều ý kiến cho rằng NHNN có thể áp dụng giải pháp thị trường hơn. Cụ thể, NHNN định hướng chỉ tiêu tín dụng toàn ngành 14-15%, và yêu cầu mỗi NH gửi kế hoạch TTTD tăng trưởng bao nhiêu cho năm đó để NHNN phê chuẩn.
Thực tế cho thấy, kế hoạch tín dụng trình cổ đông của các NH hàng năm đều cao hơn hạn mức được NHNN cấp. Khi thực hiện giải pháp mới này, cũng như tránh tình trạng tăng trưởng nóng, NHNN sẽ phê chuẩn TTTD của từng NH thông qua hệ số CAR của các NH. Trường hợp NH nào không đạt được các yêu cầu về tỷ lệ CAR, bắt buộc họ phải tăng vốn để có thêm room tín dụng, hoặc chấp nhận dừng cho vay khi hết room.
Hơn nữa, khi áp dụng biện pháp phê chuẩn kế hoạch TTTD, nhà điều hành cũng có thể quy định tỷ lệ cho vay đối với các lĩnh vực cho từng NH để điều chỉnh, nắn dòng vốn vào những lĩnh vực mục tiêu.
Như vậy các NH lên kế hoạch và chủ động thực hiện kế hoạch dưới sự quản lý của NHNN, thay vì cứ mãi tiếp diễn chuyện cho vay đụng trần phải dừng lại chờ cấp thêm.
Từ năm 2018, tại Quyết định 986/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển NH đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, đã đề cập đến việc NHNN nên can thiệp chủ yếu bằng các công cụ thị trường, hạn chế can thiệp bằng công cụ hành chính, dễ phát sinh nguy cơ mất ổn định thị trường tiền tệ, đe dọa an toàn hệ thống và có khả năng đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.