Rủi ro khi bắt đáy vàng

(ĐTTCO)-So với đầu tháng 6, giá vàng miếng SJC trong ngày 18.6 có lúc giảm 1 triệu đồng/lượng, tương ứng 1,7%.
Vàng SJC đang giảm giá chậm
Vàng SJC đang giảm giá chậm

Có nên mua vàng khi giá giảm mạnh kỷ lục trong 2 ngày qua, đặc biệt trong bối cảnh “bóng ma” lạm phát đe dọa, lãi suất có xu hướng tăng là băn khoăn của không chỉ nhà đầu tư mà cả những người có tiền nhàn rỗi hiện nay.

Giảm 1 triệu đồng/lượng

So với đầu tháng 6, giá vàng miếng SJC trong ngày 18.6 có lúc giảm 1 triệu đồng/lượng, tương ứng 1,7%. Giá mua vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC ở mức 56,2 triệu đồng/lượng và bán ra 56,8 triệu đồng/lượng; Eximbank mua vào 56,4 triệu đồng/lượng và bán ra 56,9 triệu đồng/lượng...

Đáng nói, dù rớt khỏi mức “cố thủ” 57 triệu đồng/lượng suốt nhiều ngày nay, nhưng kim loại quý vẫn không kích được sức mua trên thị trường.

Song hành cùng không khí ảm đạm của vàng là mức độ rủi ro gia tăng. Rủi ro lớn nhất phải kể đến là chênh lệch giữa giá mua và bán vàng SJC tăng lên 500.000 - 600.000 đồng mỗi lượng thay vì 200.000 - 300.000 đồng/lượng tuần trước đó. Vàng miếng SJC cũng đang cao hơn thế giới tăng lên 7 triệu đồng/lượng khi giá kim loại quý quốc tế giảm “không phanh”.

Cụ thể, cuối ngày 18.6, giá vàng thế giới tăng 10 USD/ounce, lên 1.795 USD/ounce. Trước đó, vàng đã mất gần 100 USD/ounce chỉ trong 24 giờ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu lạm phát cao hơn và khả năng sẽ có hai đợt tăng lãi suất USD sớm nhất vào năm 2023.

Thông tin này đã kích hoạt đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ. Chỉ số USD-Index tiếp tục tăng qua 92 điểm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 1,506% đã “đè” vàng giảm giá. Thêm vào đó, hoạt động bán tháo trên thị trường đã làm cho mức giảm của vàng thêm mạnh hơn.

Đà lao dốc của vàng về mức thấp nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây. Diễn biến này hoàn toàn ngược chiều tăng khá mạnh so với thời điểm năm ngoái. Tháng 6.2020, kim loại quý tăng từ mức 1.683 USD/ounce lên thẳng mức kỷ lục 2.034 USD/ounce.

Trước trạng thái đầy bất ngờ trên thị trường vàng, ông George Milling-Stanley, chiến lược gia trưởng mảng vàng tại State Street Global Advisors, cho biết đây có thể là thời điểm tốt để mua vào trước nhiều đợt bán ra hoảng loạn của các nhà đầu tư và điều này không thể kéo dài hơn nữa.

Khi các đợt bán tháo kết thúc, vàng sẽ tăng trở lại mức 1.900 USD/ounce và cao hơn là 2.000 USD/ounce vào cuối năm. Các nhà đầu tư không có gì phải lo sợ và quá chú ý đến dự báo tăng lãi suất của Fed trong 2 năm tới. Nếu Fed buộc phải tăng lãi suất, điều đó có nghĩa là lạm phát sẽ được giữ ít nhất khoảng 5%.

Nhìn lại 50 năm qua, khi lạm phát ở mức trên 5%/năm, lợi tức trung bình của vàng là hơn 16%. Trong giai đoạn Fed thắt chặt lãi suất vào giữa tháng 12.2015 và tháng 12.2018, tăng lãi suất lên 9 lần. Đáng lẽ vàng đã giảm, nhưng nó đã tăng từ 1.050 USD/ounce vào tháng 12.2015 lên 1.270 USD/ounce vào tháng 12.2018, tương đương 21%.

Quá nhiều rủi ro

Khi giá vàng trong và ngoài nước không liên thông thì việc tăng giảm của vàng quốc tế không tác động gì nhiều đến giá trong nước. Hơn nữa thời điểm hiện nay, người dân không mấy quan tâm đến thị trường vàng. Dịch Covid-19 khiến nhiều cửa hàng kinh doanh vàng đóng cửa giãn cách, mãi lực thị trường vàng cũng không tăng khi cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng

Với việc vàng đột ngột sụt giảm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho biết việc mua “bắt đáy” vàng cũng là điều dễ hiểu khi “bóng ma” lạm phát đang trỗi dậy trên thị trường thế giới. Kinh tế một số nước đã bắt đầu ổn định, Mỹ dần phục hồi, dòng tiền trên thị trường đang đổ vào chứng khoán dẫn đến các chỉ số chứng khoán tăng lên mức cao kỷ lục.

Thế nhưng, phát biểu mới đây từ Fed cho rằng sẽ tăng 2 đợt lãi suất USD vào năm 2023. Đó là cảnh báo để những người có ý định mua vàng có thể xem xét và thực hiện bán dần chứng khoán. Lúc này dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ tháo lui và chuyển sang vàng.

Một yếu tố thứ 2 hỗ trợ vàng trong thời gian tới, đó là quy định Basel III dự kiến được áp dụng từ ngày 28.6, vàng sẽ được xếp loại vào tài sản cấp 1, tức tương đương với tiền mặt và các loại tiền tệ khác thay vì quy định trước đó, vàng thuộc nhóm tài sản cấp 3, loại tài sản rủi ro nhất. Do đó các ngân hàng trung ương có thể tăng dự trữ vàng và có thể tạo lực cầu mới trong trung và dài hạn.

Nhưng đó là ở bình diện thế giới, với các nhà đầu tư trong nước, ông Hải cũng đánh giá đổ tiền vào vàng lúc này là khá rủi ro dù tâm lý bắt đáy đang hình thành. “Vàng trong nước đắt hơn 6 - 7 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới có nghĩa là chi phí giao dịch của nhà đầu tư quá đắt đỏ.

Chênh lệch giá mua và bán vàng SJC tăng lên lại mức 500.000 - 600.000 đồng/lượng thay vì 200.000 - 300.000 đồng/lượng như trước đây cho thấy thanh khoản trên thị trường đang ở mức thấp. Chính vì vậy, những người có nhu cầu mua vàng tích trữ nên chọn vàng nhẫn cũng là 4 số 9 nhưng có giá thấp hơn, cũng như biến động theo gần sát giá thế giới hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng đối tác mới (NPJ), thì lại nói thẳng, không nên mua vàng tại thời điểm hiện nay. Bởi kim loại quý thế giới giảm khá mạnh sau thông tin của Fed đưa ra về dự kiến tăng lãi suất USD lên trên 1%/năm vào 2023, thay vì mức 0 - 0,25%/năm như hiện nay và lạm phát tăng lên.

Nhưng để xác định xu hướng kim loại quý đã thật sự tạo thành kênh giảm giá hay chưa cần có thêm vài ngày nữa để quan sát và phân tích những tác động từ thông tin của Fed. Về mặt kỹ thuật, cũng chưa đến lúc mua vàng.

Vàng giảm từ mức giá 1.900 USD/ounce xuống 1.760 USD/ounce, sau đó nhà đầu tư mua để “lướt sóng” giúp giá hồi lên lại vài chục USD, chứ chưa phải đã tạo kênh tăng giá mới.

“Riêng giá vàng trong nước càng không nên mua thời điểm này bởi quá nhiều yếu tố rủi ro. Giá thế giới giảm 3 triệu đồng nhưng vàng miếng SJC chỉ giảm vài trăm ngàn đồng. Rõ ràng vàng không tạo ra mức sinh lời và chứa đựng những rủi ro bất ổn cả với việc tích trữ, xem vàng như tài sản an toàn. Bởi giá thế giới có tăng lên thì có thể trong nước sẽ không tăng theo kịp hoặc có khi giảm, người nắm giữ vàng có khi lại lỗ”, ông Trọng nói và dẫn chứng nhà đầu tư mua vàng sáng 18.6 với giá 56,75 triệu đồng/lượng, đến chiều cùng ngày giá vàng thế giới tăng 16 USD/ounce (tương ứng 450.000 đồng/lượng), nhưng giá mua vào cũng chỉ ở 56,2 triệu đồng/lượng, người mua vẫn lỗ 550.000 đồng mỗi lượng.

Các tin khác