TS. CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Tăng lãi suất có thể gây “phản ứng phụ” cho nền kinh tế
Lạm phát đang là chủ đề lớn của kinh tế thế giới. Để chống lạm phát, “bài thuốc” kinh điển là tăng lãi suất nhưng cái giá phải trả không hề nhẹ. Trong 6 tháng đầu năm đã có 80 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (cao hơn 43% so với năm 2011).
Các nước phát triển bao gồm Mỹ và khu vực EU có mức độ tăng khá lớn, song số lần tăng không nhiều (20 lần). Còn các nước đang phát triển có số lần tăng lãi suất rất nhiều (60 lần), nhưng chỉ tăng nhỏ giọt 0,2%/lần. Lộ trình tăng lãi suất của Mỹ dự kiến gấp đôi hiện nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất điều hành của NHTW các nước hầu như đã tăng trong tháng 6 và 7. Theo đó, so với tháng 1, Anh tăng từ 0,25% lên 1,25% (dự báo hết năm 2023 là 2,5%); Canada tăng từ 0,25% lên 2,5% (hết năm 2023 là 3,25%), Thụy Điển tăng từ 0% lên 0,75% (hết năm 2023 lên 2%), Na Uy tăng từ 0,5% lên 1,25% (hết năm 2023 lên 3%), Australia tăng từ 0,1% lên 1,35% ( hết năm 2023 là 2,6%)...
Đối với Việt Nam, dù lạm phát 6 tháng đầu năm đã được kiểm soát khá tốt (2,44%), song với mục tiêu khống chế lạm phát năm 2022 ở mức 4%, có thể thấy dư địa cho Việt Nam hiện không còn nhiều.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm đang rất lớn. Trong bối cảnh đó, nhiều người đặt câu hỏi tại sao NHNN vẫn chưa tăng lãi suất? Theo tôi bây giờ tăng lãi suất sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí gây “phản ứng phụ” cho nền kinh tế.
Bởi ở Việt Nam, việc gia tăng lạm phát không phải do tiền tệ. Cung tiền hiện nay đang ở mức độ vừa phải (+3,51%), thấp hơn cùng kỳ 2021, vòng quay tiền tăng chậm (0,4 lần), lạm phát cơ bản cũng chỉ ở mức 1,25%.
Việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát chỉ có nhiều tác dụng khi lạm phát xuất phát từ yếu tố tiền rẻ. Còn hiện nay, tăng lãi suất là đi ngược lại với quan điểm thúc đẩy phục hồi của Việt Nam trong năm 2022.
Chúng ta đang triển khai chương trình phục hồi kinh tế rất lớn, lên tới 347.000 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí phấn đấu giảm nhẹ. Chương trình phục hồi này cũng bao gồm gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với một số đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực.
Việc tăng lãi suất sẽ đi ngược với chủ trương này. Ngay cả khi NHNN chỉ tăng lãi suất điều hành, các NHTM cũng sẽ tăng lãi suất trên thị trường, vì lãi suất điều hành của NHNN là lãi suất tín hiệu.
TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):
Chưa phải thời điểm thắt chặt chính sách tiền tệ
Tôi cho rằng áp lực lạm phát với nền kinh tế Việt Nam chưa phải quá lớn, nên lãi suất điều hành của NHNN sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng, chính sách tiền tệ chưa cần thắt chặt.
Thực tế, dù mặt bằng lãi suất đang tăng lên, song nếu so với thời điểm trước dịch, lãi suất liên NH (nhất là lãi suất cho vay qua đêm) và lãi suất trên thị trường dân cư vẫn đang ở mức thấp kỷ lục, dù NHNN hút mạnh tiền về, cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn dồi dào.
Động thái hút tiền về của NHNN thời gian qua nhằm giảm áp lực lên tiền đồng trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, không phải là động thái thắt chặt tiền tệ.
NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng là chính. Nửa cuối năm nay, nếu lạm phát đi lên, NHNN có thể thực hiện kiềm chế lạm phát thông qua việc ổn định tỷ giá ngoại tệ, không nhất thiết phải tăng lãi suất điều hành.
Chính sách tiền tệ đang đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ kinh tế, giúp các doanh nghiệp phục hồi thông qua dòng vốn tín dụng. Các doanh nghiệp hiện vẫn mong muốn NH giảm lãi suất cho vay, nên việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước có thể giúp mặt bằng lãi suất giảm, doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn giá rẻ.
Mặc dù nguy cơ nhập khẩu lạm phát 6 tháng cuối năm là có, thậm chí lạm phát năm nay có thể vượt 4%. Tuy nhiên, ngay cả khi lạm phát vượt con số này Việt Nam vẫn nên chấp nhận, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi. Bởi nếu quá lo lắng, thận trọng mà bóp nghẹt tất cả dòng vốn, nền kinh tế sẽ có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Thậm chí, với lạm phát chi phí đẩy chính sách tiền tệ gần như mất hiệu lực. Chưa kể, việc tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa “lại sức” sau 2 năm dịch Covid-19 có thể đưa đến nhiều tác động bất lợi.