Bơm-hút để ổn định tỷ giá
Ngày 21-6, NHNN đã sử dụng lại kênh tín phiếu sau 2 năm “đóng băng”, và chỉ trong vòng 1 tháng qua NHNN đã phát hành tổng cộng gần 400.000 tỷ đồng tín phiếu để hút khối lượng tiền VNĐ tương ứng khỏi thị trường.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD trên thị trường liên NH (thị trường 2) liên tục giảm, thậm chí âm vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đặc biệt với các kỳ hạn ngắn, khiến tỷ giá biến động mạnh.
Thời điểm NHNN mở lại kênh tín phiếu, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn, nhằm giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.
Trong thời gian tới các chương trình hỗ trợ kinh tế từ NH dù có nhưng chỉ với liều lượng nhỏ, chưa thể bung mạnh, cho tới khi yếu tố có liên quan đến tỷ giá đạt được sự ổn định cần thiết. |
Theo dõi từ thị trường, chính sách bán ngoại tệ cũng được NHNN điều chỉnh vào đầu tháng 7, chuyển từ bán kỳ hạn không hủy ngang 3 tháng sang bán giao ngay. Đồng thời, Sở Giao dịch NHNN nâng giá mua USD lên 23.400 đồng, tức tỷ giá USD/VNĐ tăng 2,5% so với cuối năm 2021. Các hành động này được cho để giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất cũng như quản lý được dòng vốn ngoại tệ trong hệ thống.
Trong nhiều phiên gần đây, NHNN cũng mạnh tay điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 20-30 đồng để theo sát biến động của USD trên thị trường quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt tiền tệ và liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần. Các dự báo lạc quan về tỷ giá USD/VNĐ hồi đầu năm đã nhanh chóng được thay thế bằng dự báo thận trọng sau khi Fed tăng lãi suất 0,75% vào ngày 15-6, mức tăng lớn nhất trong vòng 28 năm qua, khiến chỉ số Dollar Index (DXY) tăng vọt, có thời điểm lên mức 109.
Vì vậy, sự “bận rộn” của NHNN trong hơn 1 tháng qua cho thấy nhà điều hành đang nỗ lực để ổn định tỷ giá trong môi trường đầy áp lực. Kết quả bước đầu, dù chỉ số DXY đã tăng gần 10% kể từ đầu năm tạo ra sức ép rất lớn, nhưng tỷ giá USD/VNĐ chỉ tăng khoảng 2-2,5%, khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Áp lực bên ngoài và bên trong
Trên lý thuyết, lạm phát tăng, đồng tiền sẽ mất giá. Đồng thời, đồng tiền có lãi suất cao sẽ có sức mạnh hơn đồng tiền có lãi suất thấp. Đặt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam 6 tháng chỉ 2,44%, trong khi lạm phát của Mỹ đến 9,1% và lãi suất VNĐ cao hơn lãi suất USD, thì VNĐ phải tăng giá so với USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, VNĐ không thể một mình một chợ. Tỷ giá phải nhích lên để tránh bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhu cầu đồng USD tăng cao khi được coi là đồng tiền trú ẩn.
Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng cán cân thương mại thâm hụt gần 1,3 tỷ USD, tính từ đầu năm đến hết ngày 15-6. Không chỉ vậy, đồng nội tệ sẽ còn đối mặt với áp lực giảm giá thêm, khi Fed nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022.
Đó là áp lực về bên ngoài. Ở bên trong, như TS. Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, chỉ ra ở Việt Nam có 4 loại tỷ giá gồm tỷ giá trung tâm, tỷ giá NHTM, tỷ giá trên thị trường liên NH và tỷ giá trên thị trường tự do. Hiện NHNN có thể can thiệp được 3 loại tỷ giá trên thị trường chính thức, còn tỷ giá trên thị trường tự do khó can thiệp.
Đặt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam 6 tháng chỉ 2,44%, trong khi lạm phát của Mỹ đến 9,1% và lãi suất VNĐ cao hơn lãi suất USD, thì VNĐ phải tăng giá so với USD. Tuy nhiên, trên thực tế, VNĐ không thể một mình một chợ. Tỷ giá phải nhích lên để tránh bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. |
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định VNĐ trên thị trường tự do đang mất giá rất mạnh. Tỷ giá chợ đen cao nhiều hơn so với tỷ giá chính thức, đã thể hiện tỷ giá chính thức chưa tăng đúng nhu cầu của thị trường. Đây là hiện tượng cơ quan nhà nước cần lưu ý. Vì nếu giá chợ đen cao hơn giá chính thức quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ ngoại hối.
Giới đầu cơ sẽ tìm đến thị trường chính thức mua USD với giá thấp và đem ra thị trường tự do bán với giá cao, sẽ gây bất lợi cho chính sách tỷ giá cũng như gây hại cho NHNN. Song tăng tỷ giá theo thị trường tự do khó làm được, vì việc của NHNN phải ổn định tỷ giá hối đoái để kiểm soát lạm phát.
Nếu tỷ giá USD/VNĐ tăng, hàng hóa nhập khẩu sẽ càng đắt đỏ, kích thích thêm nhập khẩu lạm phát. Đồng thời, tăng tỷ giá USD/VNĐ cũng sẽ làm tăng nợ công nếu tính ra VNĐ. Đây là bài toán hóc búa đối với nhà điều hành.
Hiện Việt Nam có một số lợi thế về nguồn cung ngoại tệ như dự trữ ngoại hối tương đối cao (khoảng 14-15 tuần nhập khẩu), xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cả về lượng và giá. NH Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân theo các dự báo sẽ chảy về ổn định.
Nhưng theo báo cáo gần nhất của NHNN, trong tuần từ 4 đến 8-7, lãi suất bình quân trên thị trường liên NH của VNĐ tại một số kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 9 tháng vẫn thấp hơn lãi suất bình quân của USD. Chênh lệch lãi suất liên NH của VNĐ và USD ở mức âm sẽ kích thích nhu cầu mua USD tiếp tục tăng, là trở ngại tỷ giá USD/VNĐ.
Thực tế, VNĐ đang chịu xu hướng mất giá liên tục so với USD từ đầu năm. Tuy nhiên, trong khi đà mất giá của euro, yen Nhật, bảng Anh… từ đầu năm đều đã đạt 2 chữ số, mức giảm giá của VNĐ so với USD mới chỉ vào khoảng 2%.
Để có thể kìm đà tăng của tỷ giá quy đổi USD/VNĐ, NHNN đã phải sử dụng 2 công cụ can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ: (1) phát hành tín phiếu trên thị trường mở và (2) bán USD giao ngay từ dự trữ ngoại hối.
Với việc lãi suất cho vay VNĐ liên NH tăng trở lại, chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD trên kênh này đã được thu hẹp, qua đó làm giảm nhu cầu nắm giữ USD trong hệ thống và giảm áp lực lên tỷ giá quy đổi ngoại tệ này.
Tránh lặp lại “vết xe đổ” năm 2008
Tránh lặp lại “vết xe đổ” năm 2008
Trao đổi với ĐTTC, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng NHNN đang thực hiện tất cả biện pháp nhằm giảm lượng cung tiền ra thị trường, nhằm giảm áp lực lạm phát.
“Một lượng USD đáng kể đã được bán ra từ dự trữ ngoại hối, ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD. NHNN cũng hút về khoảng 70.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu chỉ trong thời gian qua. Ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất lên tiền tệ Việt Nam chỉ là gián tiếp, vấn đề chính vẫn là NHNN đang chủ động điều hành chính sách tiền tệ được cho là linh hoạt” - TS. Ánh nói.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, NHNN phải bán USD để duy trì ổn định tỷ giá, bởi hiện nay khi Fed tăng lãi suất đồng USD đã lên giá. Trong khi đó Việt Nam chưa muốn giảm giá VNĐ nên đã bán USD ra thị trường.
Khi bán lượng USD ra thị trường sẽ có lượng tiền VNĐ tương ứng, và NHNN buộc phải phát hành tín phiếu ra để thu hồi lại lượng VNĐ ấy. Việc sử dụng các công cụ điều hành tiền tệ này cho thấy NHNN đang tìm mọi cách tránh lặp lại “vết xe đổ” trong điều hành chính sách tiền tệ như thời kỳ năm 2008.
“Tóm lại, việc sử dụng thêm kênh phát hành tín phiếu cũng không nằm ngoài việc NHNN thu lại lượng VNĐ đang lưu thông, tức giảm cung tiền để tránh gây ra lạm phát” - TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.
Các chuyên gia cho rằng, nếu không có động thái tăng lãi suất tương ứng, lãi suất VNĐ sẽ thấp hơn đáng kể lãi suất USD trên thị trường liên NH. Điều này sẽ gây áp lực hơn nữa cho tỷ giá nửa cuối năm nay. Khi tỷ giá tăng sẽ tác động đến “nhập khẩu” lạm phát. Vì vậy, để kiềm chế tỷ giá và lạm phát, không ngoại trừ khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất thị trường mở và có thể tăng tương ứng toàn bộ lãi suất điều hành.
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn NHNN vẫn sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời 2 công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá. Thế nhưng, khi dùng các công cụ này đồng thời với việc NHNN không bơm VNĐ ra thị trường.
VNĐ bị hút về kho của NHNN lúc này cũng là “cực chẳng đã” trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu phục hồi phát triển, cần NH bơm nhiều vốn với lãi suất thấp.