Cụ thể, theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập (lộ trình đến năm 2025), Sacombank chỉ được thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông sau khi NHNN chấp thuận. Trong năm 2019, HĐQT cũng đã kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại phù hợp kết quả tài chính hàng năm trên cơ sở đảm bảo việc trích lập dự phòng theo Đề án tái cơ cấu, đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động và nâng cao vị thế của Sacombank trên thị trường và đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông.
Tuy nhiên, cho đến nay, Sacombank vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của NHNN. HĐQT sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiệm vụ này.
Theo báo cáo của Sacombank, năm 2019, NH ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ gần 3.037 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2018. Sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp và ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái, NH có lợi nhuận sau thuế dùng để phân phối đạt gần 2.366 tỷ đồng.
Trong đó, Sacombank dự kiến trích lập 723 tỷ đồng vào các quỹ và giữ lại hơn 1,643 tỷ đồng. Sau khi phân phối, lợi nhuận lũy kế đến cuối năm 2019 của Sacombank tăng lên mức gần 4.456 tỷ đồng.
Mặc dù HĐQT đã chia sẻ thông tin về cổ tức ngay từ đầu đại hội như trên, nhưng đến phần thảo luận, nhiều cổ đông vẫn tiếp tục bày tỏ bức xúc về việc nhiều năm không nhận được cổ tức.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã chia sẻ thêm, hiện nay, lợi nhuận trích quỹ của NH đã hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng vì Sacombank là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, HĐQT cũng rất muốn được chia cổ tức cho cổ đông nhưng phải được NHNN cho phép mới có thể thực hiện. Ban lãnh đạo NH cũng hiểu rõ chia cổ tức cổ phiếu mới tăng giá và sẽ tiếp tục kiến nghị NHNN vấn đề này.
Theo ông Dương Công Minh, sau gần 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Sacombank đã có cải thiện đáng kể. Tổng tài sản tăng từ 332.000 tỷ đồng lên 453,000 tỷ đồng, tăng bình quân 11%/năm. Lợi nhuận trước thuế từ mức 156 tỷ đồng trong năm 2016 tăng lên 3,217 tỷ đồng vào năm 2019. Tỷ trọng tài sản tồn đọng kéo giảm từ 29,3% xuống còn 13,8%. Doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm hơn 18.400 tỷ đồng, trong đó thuộc đề án là 12.409 tỷ đồng. Lũy kế 3 năm vừa qua thu hồi và xử lý nợ lên 38.346 tỷ đồng.
“Lộ trình đề án tái cơ cấu của Sacombank là 10 năm, nhưng chúng tôi tin rằng đến năm 2023, Sacombank sẽ trở lại vị thế top 10 NHTM hàng đầu” - ông Minh nói.
Báo cáo tại đại hội, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, năm 2020, NH đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 498.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019, huy động vốn tăng 10%, tăng trưởng dư nợ tín dụng 11%. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.573 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Qua 5 tháng đầu năm 2020, huy động vốn của NH tăng 4,96%, dư nợ tín dụng tăng 4,8%. NH đã hỗ trợ dịch bệnh, miễn giảm lãi dư nợ gần 12.000 tỷ đồng cho 12.000 khách hàng; xử lý được 9.475 tỷ đồng nợ xấu, trích lập dự phòng được 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.303 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn dự kiến, Sacombank sẽ phấn đấu để đạt kế hoạch lợi nhuận bằng năm 2019.