Sacombank liệu có bán được vốn tại VAMC?

(ĐTTCO) - Kế hoạch bán vốn tại VAMC của Sacombank (STB) nếu thành công sẽ giúp ngân hàng hoàn thành đề án tái cơ cấu. Tuy nhiên, thương vụ thoái vốn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu.
Dự án Khu công nghiệp Phong Phú vẫn là bãi đất trống sau hơn 20 năm triển khai.
Dự án Khu công nghiệp Phong Phú vẫn là bãi đất trống sau hơn 20 năm triển khai.

Kỳ tích xử lý nợ xấu trong quá khứ

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, CTCK DSC, cho biết Sacombank có kế hoạch bán 32,5% vốn đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ tại VAMC. Dự kiến việc chào bán sẽ được thực hiện trong quý IV, với giá rao bán tối thiểu 32.000-34.000 đồng/cổ phần. Đây là mức giá khá trùng khớp với dự báo hồi cuối năm 2022 của CTCK KB Việt Nam (KBSV), cũng từ 32.000-34.000 đồng/cổ phần mới có thể xử lý toàn bộ dư nợ tại VAMC.

Có thể nói, việc bán vốn của Sacombank, với mức giá cao hơn thị giá cổ phiếu CP STB đang giao dịch trên sàn chứng khoán HoSE, là một phần nguyên nhân khiến mã CP này khởi sắc trong thời gian qua. Thực tế, giá CP STB đã ghi nhận nhiều phiên giao dịch khá ấn tượng, đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 9-8, STB là một trong số ít mã CP ngân hàng giữ được sắc xanh trong phiên đỏ lửa của thị trường chung.

Thế nhưng, DSC lại cho rằng Sacombank không thể thoái vốn ngay trong năm 2023, do môi trường vĩ mô không thuận lợi. Hiện nhu cầu tín dụng suy yếu, nợ xấu tăng cao khiến hoạt động cho vay gặp khó, là vấn đề chung của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện tại. Trong khi đó, nợ xấu vẫn đang là bài toán nan giải mà Sacombank phải đối mặt.

Quay lại thời điểm năm 2015, bảng cân đối kế toán của Sacombank xuất hiện khoản nợ xấu tương đối lớn từ việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank), khiến số dư nợ xấu tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ 2014, lên 10.778 tỷ đồng. Khi đó, Sacombank đã phải bán khoảng 43.000 tỷ đồng cho VAMC và giữ lại một phần nợ xấu để tự xử lý.

Tính đến quý II, Sacombank gần như đã xử lý hoàn toàn khoản nợ xấu tồn đọng từ việc sáp nhập Southern Bank.

Thực tế, Sacombank đã tạo nên thành tích ấn tượng trong việc xử lý nợ xấu theo đề án tái cơ cấu. Đến cuối năm 2021, nợ xấu theo đề án giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 1.689 tỷ đồng (được ghi nhận trên nhóm 5), và dư nợ trái phiếu VAMC theo đề án còn khoảng 17.000 tỷ đồng, sau đó giảm xuống chỉ còn 4.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II năm nay.

Theo kế hoạch, Sacombank sẽ bán Khu công nghiệp Phong Phú (TPHCM) với giá trị 7.000 tỷ đồng để bù vào khoản này. Cập nhật mới nhất từ Sacombank, ngân hàng này sẽ hoàn thành trích lập để xử lý dứt điểm khoản nợ xấu 4.400 tỷ đồng này ngay trong năm 2023.

Sẽ là "bệ phóng" cho Sacombank?

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2023 mới đây, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết: “Đề án tái cơ cấu Sacombank trong giai đoạn 2016-2025 đến nay đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đặt ra, xử lý xong nhiều vấn đề cơ bản như tài sản tồn đọng hay lãi dự thu. Hiện chỉ còn vấn đề đấu giá số cổ phần của ông Trầm Bê và những người có liên quan. Khi hoàn thành đề án trước thời hạn đặt ra, ngân hàng có cơ sở nâng cao năng lực tài chính và chia cổ tức”.

Cũng tại ĐHCĐ 2023, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ: “Chúng tôi xác định năm 2023 sẽ là thời gian cuối cùng để Sacombank tái cơ cấu”. Trong khi đó, với sự tự tin về khả năng xử lý nợ xấu, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, khẳng định sẽ kết thúc "gánh nợ" VAMC khi hoàn tất trích lập 100% giá trị trái phiếu.

"Ngoài ra, ngân hàng cũng đang đấu giá khoản nợ là Khu công nghiệp Phong Phú, bao gồm toàn bộ nghĩa vụ và tài sản tồn đọng. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Sacombank xác định không bán dưới giá vốn. Hiện có một số nhà đầu tư quan tâm và chúng tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ xử lý được", bà Diễm chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là dù đã xử lý gần như dứt điểm trái phiếu VAMC, nợ xấu của Sacombank lại có xu hướng tăng. Tính đến cuối quý II, số dư nợ xấu tại Sacombank đạt 8.225 tỷ đồng, tăng đột biến 91% so với thời điểm đầu năm 2023. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp 5,2 lần, đạt 2.394 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh 158% lên 1.893 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chiếm phần lớn trong cơ cấu vẫn là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) với 3.938 tỷ đồng (tăng 30%), tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay theo đó cũng tăng từ 0,98% lên mức 1,79%. Theo đà tăng nợ xấu, tỷ lệ tài sản xấu tăng nhẹ từ 2,7% đầu năm lên 2,9% vào cuối quý II.

Dù vậy, giới phân tích vẫn có cái nhìn lạc quan về kết quả kinh doanh của ngân hàng này trong thời gian tới. Cụ thể, trong trường hợp quản lý tốt chất lượng tín dụng, lợi nhuận của Sacombank có thể bùng nổ trong năm 2024 với 2 lý do: không còn phải trích lập dự phòng cho khoản trái phiếu VAMC, và ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc bán Khu công nghiệp Phong Phú với giá cao hơn kỳ vọng.

Theo DSC, trong quý II khi nợ xấu Sacombank tăng mạnh, cũng là giai đoạn Thông tư 02 cho phép giãn nợ tín dụng đã được ban hành. Khi thông tư giãn nợ hết hiệu lực vào giữa năm 2024, rủi ro nợ xấu STB sẽ tăng lên là khó tránh khỏi. Do đó, để việc bùng nổ lợi nhuận có thể diễn ra, kiểm soát chất lượng tín dụng là tối quan trọng với Sacombank.

DSC dự phóng lợi nhuận trước thuế của Sacombank năm 2023 sẽ đạt 9.600 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022. Trong năm 2024, với kịch bản cơ sở, DSC ước tính Sacombank sẽ đạt mức lợi nhuận trước thuế 16.600 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2022. Kể cả trong kịch bản nợ xấu tăng, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Sacombank vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng, dù rất thấp chỉ 4% so với 2023.

“Có thể thấy, việc hoàn thành tái cơ cấu nợ xấu VAMC là bệ phóng rất tốt cho câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận của STB trong tương lai” - nhóm phân tích của DSC nhận định.

Từ năm 2014 đến nay, Sacombank không chia cổ tức. Nếu xử lý xong khoản nợ xấu VAMC, nhiều khả năng ngân hàng này sẽ bắt đầu có nguồn vốn thặng dư để chia cổ tức từ năm 2023 (trả vào năm 2024).

Các tin khác