Trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đề nghị cơ quan này có ý kiến về việc bán cổ phiếu quỹ của Sacombank.
Công văn cho biết, theo Nghị quyết HĐQT của Sacombank ngày 1-6-2021, HĐQT đã thông qua phương án bán hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ (nguồn hình thành cổ phiếu quỹ từ việc sáp nhập Southernbank vào Sacombank) thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt.
UBCKNN đề nghị NHNN có ý kiến trước ngày 14-6-2021, để trả lời Sacombank về tài liệu báo cáo giao dịch bán cổ phiếu quỹ.
Trước đó vào tháng 1-2018, Sacombank cũng từng công bố chủ trương bán toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ này, khi giá cổ phiếu STB của Sacombank chạm đỉnh cao nhất 2 năm (ở mức 16.250 đồng/CP). Song lúc đó NH không cung cấp tài liệu chi tiết về đợt phân phối cổ phiếu quỹ, như thời gian, phương thức thực hiện hay giá.
Và chỉ vài ngày sau khi chủ trương bán cổ phiếu quỹ được công bố, giá cổ phiếu STB đã giảm khoảng 2%. Kế hoạch bán cổ phiếu quỹ đã không thực hiện như dự kiến.
Nguyên nhân không tiến hành được giới đầu tư đồn đoán, là có thể lãnh đạo Sacombank ngại làm giảm nhiệt giá cổ phiếu. Hơn nữa khi đó NH cũng mới ra mắt Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập (lộ trình đến năm 2025).
Từ thời điểm đó, giá cổ phiếu STB không ngừng đi xuống. Trong năm 2019, mức giá cao nhất chỉ đạt 13.000 đồng/CP, đến năm 2020 hồi phục và ở mức 16.900 đồng/CP vào thời điểm cuối năm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu STB bắt đầu tăng nóng, nằm trong nhóm dẫn sóng “cổ phiếu vua”, kế hoạch bán cổ phiếu quỹ lại được tái khởi động.
Chốt phiên cuối tuần này (11-6), thị giá STB ở mức 30.500 đồng/CP, tăng hơn 80% so với đầu năm. Với mức giá hiện tại, nếu được cơ quan quản lý phê duyệt và ngân hàng thực hiện thành công phương án bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ như kế hoạch, Sacombank sẽ thu về gần 2.500 tỷ đồng.
Nếu bán vào thời điểm năm 2018, số tiền thu được chỉ hơn 1.228 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 đầu năm nay, HĐQT ngân hàng cho biết đang muốn sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại hơn 6.000 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2020) để chia cổ tức cho cổ đông, nhằm tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank muốn chia cổ tức phải được NHNN phê duyệt, vì vậy NH đang chờ quyết định từ cơ quan quản lý.
Từ năm 2019 đến nay, HĐQT Sacombank đã liên tục đề xuất, kiến nghị NHNN về phương án trả cổ tức cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại, phù hợp với kết quả kinh doanh hàng năm, nhưng đến kiến nghị này vẫn nằm trong trạng thái chờ.
Theo số liệu được công bố về việc triển khai Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, lũy kế đến cuối năm 2020, Sacombank đã trích lập 12.027 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng, tương đương 51,9% so với yêu cầu tổng thể của Đề án. Doanh số thu hồi và xử lý nợ lũy kế đạt 46.547 tỷ đồng, vượt tiến độ 4,2%.
Tài sản tồn đọng giảm 48,3% so với cuối năm 2016. Vào cuối quý I-2021, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,7% xuống 1,48%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 94% lên 106%.
Sacombank cũng là một trong những NH đang miệt mài bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ trong vài năm gần đây. Tài sản đảm bảo được bán bao gồm nhiều bất động sản giá trị lớn ở khu vực TPHCM, Bình Dương, Hải Phòng… song đến nay vẫn còn nhiều tài sản đảm bảo gặp phải tình trạng phát mãi nhiều lần chưa thành công.