Thí điểm mở lại chuyến bay thương mại quốc tế từ 1.1.2022
Văn phòng Chính phủ hôm qua 10.12 đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 9.12 về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.
Phó thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1.1.2022.
Bộ Y tế được giao khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin”, ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.
Trưa qua 10.12, lãnh đạo Hãng hàng không Bamboo Airways đã họp để thống nhất kế hoạch chi tiết trong việc thực hiện các chuyến bay thương mại quốc tế. Còn đại diện của Vietnam Airlines cho hay hãng đang tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý, các đối tác du lịch, lữ hành, khách sạn... để xây dựng các chương trình mở cửa đón khách quốc tế sau khi Chính phủ chấp thuận mở cửa trở lại thị trường quốc tế.
Căn cứ trên kế hoạch mở lại đường bay quốc tế của Cục Hàng không VN đang dự thảo, Vietnam Airlines đã xây dựng lộ trình bám sát theo chương trình đó. Cụ thể, Vietnam Airlines vẫn duy trì khai thác các chuyến bay đưa người VN từ nước ngoài về nước theo hình thức cách ly tự nguyện.
Với các chuyến bay thí điểm đưa khách quốc tế tới VN, hãng này dự kiến khai thác tổng cộng 15 chuyến bay trong giai đoạn đầu, tới 5 điểm đến tại VN là Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Kiên Giang. Khách đến là khách đã hoàn thành tiêm chủng, được cấp hộ chiếu vắc xin và sẽ tham gia tour du lịch trọn gói 7 ngày tại 5 điểm đến ở VN.
Còn đối với các chuyến bay từ VN đi quốc tế, Vietnam Airlines vẫn đang khai thác và mở bán thường lệ các chuyến bay đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Úc.
Đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh: Vietnam Airlines vẫn đang khảo sát nhu cầu thị trường và đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (tàu bay, phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật…), bám sát vào lộ trình mở cửa trở lại do Cục Hàng không VN đề xuất.
Khi Chính phủ chính thức cho phép mở đường bay thương mại thì các thị trường truyền thống sẽ được hãng mở lại ngay các chuyến bay thường lệ 2 chiều, trong đó có cả đường bay đi về giữa VN và Mỹ.
Việc mở cửa các đường bay thương mại đồng thời mở cửa cho du khách vào VN sẽ giúp nước ta không bị mất lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, quan trọng hơn là không bị mất lợi thế với các nhà đầu tư. Từ đó cũng giúp các doanh nghiệp trong ngành hàng không, du lịch… từng bước phục hồi.
Du lịch chính thức hồi sinh
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, phấn khởi: “Công ty vẫn đang miệt mài xây dựng phương án kết hợp với Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đón khách quốc tế sử dụng phương án hộ chiếu vắc xin theo phương án thí điểm mà Phú Quốc cùng 4 địa phương khác đang triển khai. Nhưng giờ thì không cần nữa rồi. Chính phủ cho phép mở đường bay thương mại thì phương án kia chỉ còn là một phần nhỏ trong kế hoạch kinh doanh thôi”.
Theo ông Yên, thời gian vừa qua, dù dịch bệnh liên tục hoành hành nhưng phía công ty vẫn duy trì làm việc với các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới. Đơn hàng (booking) với các đối tác châu Âu vẫn đang triển khai vì khách đi đường bay dài từ châu Mỹ, châu Âu qua VN thường đi vào mùa đông từ tháng 10 - tháng 3.
Tuy nhiên, do không mở cửa, đường bay không có, các đối tác đã hủy hết các booking của mùa cao điểm năm nay. Nếu kế hoạch mở các chuyến bay thương mại được thông qua, Lữ hành Saigontourist sẽ lập tức chào bán booking, bung chương trình cùng ngày giờ cụ thể của mùa cao điểm đông 2022 để đối tác xây dựng chương trình. Đây là lượng khách có mức chi tiêu rất cao.
Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist nhận định giai đoạn hiện nay, ngành du lịch kỳ vọng nhất vào đối tượng người VN ở nước ngoài hồi hương. Mọi năm, mỗi dịp trước và sau tết, lượng khách là người VN ở các nước về đi tour trong nước rất mạnh. Họ về cùng gia đình, người thân, số lượng rất lớn.
Do đó, khi các chuyến bay thương mại quốc tế chính thức nối lại, đối tượng khách Việt kiều này sẽ lập tức thúc đẩy du lịch nội địa. Tiếp đó, từ 3 - 6 tháng sau, các công ty đồng loạt chào bán thì sẽ có thêm đa dạng hơn nguồn khách quốc tế tới VN.
“Đặc biệt, giai đoạn cuối năm, đầu năm mới là “mùa” của du lịch MICE. Mọi năm, chỉ tính riêng tháng cuối năm, doanh thu từ du lịch MICE của Lữ hành Saigontourist cũng lên tới khoảng 400 - 500 tỉ đồng.
Hiện công ty đang có booking tổ chức 2 cuộc hội thảo quốc tế, ban đầu dự tính sẽ tổ chức vào quý 1/2022 nhưng hiện đang tính dời sang tới quý 4/2022 cũng chưa chắc được kế hoạch. Bây giờ nếu xác định mở cửa thì các cuộc hội thảo này sẽ lập tức được chốt luôn phương án tổ chức. Du lịch chính thức khởi động rồi”, ông Nguyễn Hữu Y Yên nói.
Chung cảm xúc, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour, thở phào: “Giờ ngành du lịch mới chính thức hồi sinh đây”. Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên khởi động tour Cần Giờ kích hoạt du lịch TP.HCM nhưng do lượng khách quá ít, doanh nghiệp vừa làm vừa gồng mình chịu lỗ.
Riêng chương trình thí điểm đón khách quốc tế tại 5 địa phương, chỉ vài công ty đón các chuyến bay thuê chuyến, số lượng khách quá ít, không giải được bài toán du lịch đúng nghĩa.
Theo vị này, mở chuyến bay thương mại, tạo điều kiện cho TP.HCM và Hà Nội đón khách quốc tế sẽ giải quyết được bài toán nguồn khách, chính thức kích hoạt thị trường. Sở dĩ ngành du lịch VN vẫn chưa tính tới chuyện mở lại thị trường outbound là do chưa có chuyến bay thường lệ chiều về.
Trong khi đối với các doanh nghiệp lữ hành khai thác thị trường quốc tế, mảng outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài du lịch) chiếm tỷ lệ doanh thu khá lớn, khoảng 60 - 70%. Thế nên, có đường bay thương mại thì các doanh nghiệp sẽ chính thức kích hoạt thị trường này.
“Các chuyến bay 2 chiều không chỉ giúp phục hồi du lịch song phương mà còn đảm bảo nguồn khách lấp đầy các chuyến bay, góp phần giảm giá vé, giảm chi phí, kích cầu tăng sức cạnh tranh cho du lịch VN trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại. Du lịch inbound, outbound và nội địa bây giờ mới chính thức đồng loạt được kích hoạt”, ông Dũng hào hứng nói.
Đã mở thì phải thông thoáng, đồng bộ
Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, để đảm bảo tính khả thi nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ, cần sớm có hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên, hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Cơ quan này kiến nghị Thủ tướng xem xét giao Bộ Y tế hướng dẫn và công bố điều kiện, thời điểm thực hiện miễn cách ly đối với người nhập cảnh VN. Bộ Ngoại giao chủ trì đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin, ưu tiên các nước và vùng lãnh thổ thực hiện trong 2 giai đoạn thí điểm nêu trên.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên cho biết, hiện di chuyển giữa các địa phương trong nước chỉ yêu cầu tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính, không yêu cầu cách ly. Một số tỉnh, thành như TP.HCM thậm chí không yêu cầu xét nghiệm hoặc tiêm đủ liều, điều kiện rất thông thoáng.
Nếu bây giờ khách từ nước ngoài trở về, cũng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, một số quốc gia đã triển khai xong mũi thứ 3, có kết quả xét nghiệm âm tính (thường là theo phương pháp test PCR) mà còn bắt cách ly sẽ cản trở rất lớn đối với kế hoạch triển khai các chương trình du lịch. Do đó, Saigontourist đề xuất điều kiện cho khách từ nước ngoài về VN chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được di chuyển bình thường như khách nội địa.
Bên cạnh đó, tính đồng bộ giữa các địa phương là một trong những yếu tố quyết định thành công của việc mở cửa du lịch. Nếu khách vào tới TP.HCM nhưng đi nối tiếp đến mỗi tỉnh, thành lại phải đáp ứng những yêu cầu khác nhau về phòng chống dịch thì rất khó. Nơi thì yêu cầu test trước khi bay, nơi lại yêu cầu trước khi vào khách sạn phải test tiếp… những rào cản như vậy phải bỏ hết.
Đồng tình, ông Trần Thế Dũng cho rằng: “Nếu đã mở đường bay thương mại mà bắt cách ly thì không thể hiệu quả được. Kể cả đi tour trọn gói khép kín thì 5 - 7 ngày tại TP.HCM thôi đã khó triển khai hút khách rồi. Ít nhất phải cho khách đi các tỉnh miền Tây và một số địa phương khác. Đón khách thì phải đón toàn diện. Đón cầm chừng, tiếp tục mở hé hé với hàng loạt điều kiện ràng buộc thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục khổ”.
Tương tự, Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan Chính phủ liên quan xem xét và thông qua việc mở cửa cho các đối tượng khách trên các chuyến bay quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính và nhập cảnh không cần cách ly để tạo điều kiện khôi phục thị trường quốc tế.
“Việc Chính phủ các quốc gia tại châu Âu, Mỹ bỏ các hạn chế nhập cảnh và không thực hiện yêu cầu cách ly tập trung đã giúp thị trường hàng không tại 2 khu vực này phục hồi nhanh chóng, tạo lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn cho các quốc gia này trong việc thu hút khách du lịch và hồi phục hoạt động đầu tư. Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan và gần đây nhất là Campuchia cũng đang gấp rút triển khai các chương trình để dần mở cửa lại khai thác quốc tế, nới lỏng các quy định về cách ly nhằm thu hút khách quốc tế.
Các điểm chính trong chính sách của các quốc gia này là không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại, khách kiều bào và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ); hành khách từ nhóm thị trường an toàn, khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính sẽ không phải thực hiện cách ly”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ thêm.
Đề xuất tỉnh Khánh Hòa cho đón khách Nga trở lại
Ngày 10.12, Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết Công ty TNHH thương mại và du lịch Anex VN (trụ sở tại TP.Nha Trang) vừa có văn bản gửi Sở xin thực hiện các tour du lịch trọn gói đưa khách du lịch Nga có hộ chiếu vắc xin đến Khánh Hòa.
Theo đề xuất, từ 18.12.2021 - 31.3.2022, doanh nghiệp này sẽ phối hợp một số hãng hàng không của Nga tổ chức mỗi tuần 2 chuyến bay đưa khách Nga đến Khánh Hòa; mỗi chuyến có 336 khách. Khi đến đây, khách lưu trú từ 7 ngày trở lên và đi tour khép kín tại các điểm vui chơi giải trí đã công bố được đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin.
Công ty TNHH thương mại và du lịch Anex VN là doanh nghiệp lữ hành đưa khách Nga đến nghỉ dưỡng ở VN nhiều nhất trong những năm qua. Năm 2019, công ty đã đưa khoảng 340.000 khách Nga đến nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa, chiếm khoảng 2/3 lượng khách Nga đến tỉnh.