Nhưng không có tài sản thế chấp, DN không tiếp cận được các gói vay ưu đãi. DN, hiệp hội và Sở Du lịch đã kiến nghị cho DN vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành. Về lý, theo luật DN không thể vay, nhưng về tình trong bối cảnh hiện nay rất cần xem xét.
Theo những con số thống kê cho đến nay có khoảng 90-95% DN lữ hành tạm ngưng hoạt động. Chỉ số ít DN hoạt động để xử lý công nợ với đối tác, khách hàng, còn nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không hưởng lương đến khi hết dịch Covid -19. Thế nhưng khi nào hết dịch chắc chắn không ai có thể trả lời được. Đó là chưa tính đến liệu dịch qua đi, DN có còn sống sót để tái khởi động sau 2 “cú đấm” liên tiếp.
Nhưng tiếng kêu của DN lại quá lạc lõng, nhiều chính sách hỗ trợ DN và người lao động được Chính phủ ban hành, nhưng DN du lịch và nhân viên vẫn nằm ngoài các chương trình hỗ trợ. Ngân hàng không cho vay cũng có cái lý, bởi du lịch là nhóm ngành rủi ro cao, không có khả năng trả nợ do khách đi du lịch chưa nhiều nhưng vẫn phải trả các chi phí để duy trì hoạt động, như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện nước...
Trong bối cảnh ấy, để tìm lối thoát cho mình một số DN đã nhanh chóng xoay chuyển cùng nhau đề xuất được vay tiền ký quỹ. Những mong mỏi của DN lần này liệu có được các bộ ngành, Chính phủ lắng nghe. Đó là việc Sở Du lịch TPHCM đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN yêu cầu các NHTM hỗ trợ DN vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giúp các DN lữ hành tiếp tục duy trì hoạt động, hạn chế trường hợp rút giấy phép để lấy lại tiền ký quỹ và kinh doanh không phép.
Theo Luật Du lịch, tiền ký quỹ cho công ty kinh doanh dịch vụ cho khách quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa 100 triệu đồng, 500 triệu đồng với công ty làm tour cho khách Việt ra nước ngoài. Trong trường hợp kinh doanh cả 3 mảng, tiền ký quỹ vẫn là 500 triệu đồng.
Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhằm phục vụ cho việc xử lý trong trường hợp khách du lịch chẳng may bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng… cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà DN không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời. Ngoài trường hợp trên, DN không được sử dụng tiền ký quỹ cho mục đích khác. Luật quy định số tiền ký quỹ chỉ được hoàn trả cho DN khi không được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, hoặc DN bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành…
Lý là thế nhưng trong bối cảnh hiện nay phải xét đến cái tình. Bởi trong lúc DN kinh doanh đã tuân thủ luật, vậy nên khi họ khó khăn, nhất là trong đại dịch hiện nay, mọi thứ cần nên xem xét linh hoạt. Tiền của Nhà nước đã khó tiếp cận nhưng khi muốn vay lại tiền của chính mình cũng trần ai, thực sự đã đẩy DN vào thế không còn đường lùi. Đừng để đến khi DN chết mới cứu thì đã quá muộn. DN lữ hành chết sẽ có thể kéo theo nhiều cái chết khác, vì họ chính là trung gian kết nối các dịch vụ du lịch.
Nói về cái tình trong lúc khó khăn, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lửa Việt, đã tâm sự rất nhiều nỗi niềm. Lúc dịch bùng phát trở lại, khách hàng thay vì dời tour lại đòi hủy tour và hoàn tiền 100%, trong khi đó không phải lỗi của DN lữ hành. Nhưng rồi DN cũng cố gắng giải quyết cho khách.
Lúc này khi DN đói vốn nghiêm trọng cũng mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng. Theo đó với những khách hàng còn khả năng có thể mua tour trước từ 6 tháng đến 1 năm, tất nhiên sẽ mua ở những DN uy tín và DN cũng phải cam kết mang đến lợi ích cho khách hàng trả tiền trước. “Lá rách ít đùm lá rách nhiều, những lúc như thế này DN rất cần được chia sẻ từ những khách hàng thân thiết của mình” - ông Mỹ cho hay.