Khách ngóng xe, tài xế ngóng cuốc
Chưa kịp mừng rỡ vì được lên cơ quan làm việc trực tiếp sau gần 5 tháng không gặp đồng nghiệp, chị Hải Anh (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã phải lo lắng vì không có phương tiện di chuyển.
Nhà đông người nhưng ít xe, từ trước đến nay, hằng ngày chị Hải Anh đi làm bằng dịch vụ GrabBike. Công việc của chị Hải Anh phải chạy đi chạy lại rất nhiều nơi, gọi xe công nghệ chỗ nào cũng có, lúc nào cũng sẵn nên đây trở thành phương tiện di chuyển chính của chị. Sau khi TP cho phép mở cửa trở lại, chị Hải Anh hằng ngày phải tạm thời gọi taxi công nghệ đi làm.
“Đi 4 bánh giờ giá tăng cao hơn rất nhiều, mà cũng ít xe nên không phải lúc nào cũng gọi được. Nhiều khi có việc gấp mà đợi hoài không có tài xế nhận cuốc. Ngày nào tôi cũng chờ GrabBike mở lại, mà không hiểu sao mọi thứ ở TP.HCM đã gần như hoạt động bình thường rồi mà xe ôm vẫn chưa được chạy?”, chị Hải Anh thắc mắc.
Trong khi đó, các tài xế xe 2 bánh cũng khốn khổ vì thường xuyên rơi vào cảnh “ế độ”. Anh Trần Thành Hoàng (tài xế thuộc Hãng Grab) cho biết giai đoạn đầu khi TP mới thí điểm mở cửa, cho phép hàng quán mở lại bán online, các shipper chạy không xuể vì đơn hàng tăng rất mạnh. Không cần chở khách, nhưng thu nhập của anh cũng như các anh em tài xế khác khá ổn, đủ bù lại chi phí xét nghiệm, xăng xe…
Thế nhưng, sau khi TP chính thức cho phép hàng quán hoạt động bình thường, người dân được ra đường ăn uống tại chỗ thì lượng đơn hàng bắt đầu chững rồi giảm dần.
“Giờ chạy ế lắm. Như hôm chủ nhật vừa rồi, tôi chạy từ 7 giờ sáng tới 6 rưỡi tối mới được 9 đơn, hơn 200.000 đồng. Hãng nào cũng vậy. Trước chở khách là chính, giao hàng, giao đồ ăn chỉ phụ họa thôi. Giờ không có khách ,“móm” hẳn”, anh Hoàng nói.
Ông Đặng Hoàng Linh, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ Chính phủ của Gojek VN, cho biết Gojek đang tích cực phối hợp với cơ quan quản lý để sớm đưa dịch vụ chở khách bằng xe 2 bánh quay trở lại hoạt động. Về phía doanh nghiệp, tất cả các tài xế của Gojek đều đã tiêm 100% mũi vắc xin thứ 1, số tài xế tiêm mũi 2 đạt 50 - 55%. Gojek cũng đã xây dựng thêm tính năng hiển thị thông tin tiêm chủng của tài xế trên ứng dụng khi hành khách đặt xe và được nhận cuốc.
“Chỉ chờ cơ quan chức năng cho phép dịch vụ bike được hoạt động trở lại. Trước dịch, dịch vụ chuyên chở hành khách chiếm tới hơn 50% tổng thu nhập của một tài xế xe 2 bánh. Việc sớm đưa dịch vụ này quay trở lại không chỉ giúp đảm bảo thu nhập cho tài xế, đáp ứng nhu cầu người dân mà còn tăng khả năng quản lý cho cơ quan chức năng. Hiện nay có tình trạng tài xế của một số hãng nhận chở khách chui, vừa tăng khả năng lây nhiễm dịch bệnh, vừa rủi ro mất an toàn cho người dân”, vị này đề xuất.
Vẫn đang chờ...
TP.HCM đã hoàn toàn có thể mở lại bình thường các hoạt động giao thông, vận chuyển. Khi mọi người đều đã tiêm đủ liều vắc xin, đi ô tô hay xe máy, xe buýt hay taxi, xe ôm thì cũng đều như nhau. Cũng như tới quán ăn, gặp gỡ bạn bè, tài xế và hành khách chỉ cần tuân thủ đúng 5K, ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt. |
Đáng nói, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, taxi công nghệ cùng các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, tàu thủy được yêu cầu ngưng hoạt động đầu tiên. Xe ôm công nghệ nhờ ưu thế không gian thoáng, giảm nguy cơ lây nhiễm, nên vẫn được tiếp tục hoạt động cho tới khi TP chính thức áp dụng Chỉ thị 16.
Thế nhưng, khi TP mở cửa trở lại, taxi công nghệ đã lăn bánh được 1 tháng nhưng dịch vụ 2 bánh vẫn chưa có dấu hiệu được “hồi sinh”.
Đem những thắc mắc trên gửi tới cơ quan quản lý trực tiếp là Sở GTVT TP.HCM, đại diện Sở trả lời ngắn gọn: “Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì sẽ có dịch vụ 2 bánh công nghệ hoạt động. Sở đang chờ UBND ban hành kế hoạch thực hiện chi tiết, khi đó sẽ hoạt động lại”.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, cho rằng TP hiện đã đáp ứng đủ điều kiện để mở lại hoàn toàn các dịch vụ gọi xe 2 bánh và 4 bánh. Cụ thể, mức độ bao phủ vắc xin của TP.HCM đã cao hơn nhiều nước châu Âu, cao hơn cả Mỹ và gần bằng Singapore. Trong đó, phần lớn tài xế 2 bánh và 4 bánh đã tiêm đủ vắc xin, theo quy định hiện nay thì vẫn phải xét nghiệm định kỳ. Tức, họ là tài xế “xanh”. Người dân về cơ bản cũng đã “xanh”. Chưa kể, hạ tầng y tế của TP hiện không quá tải.
“Không có lý do gì để chưa cho các dịch vụ gọi xe trở lại hoạt động bình thường. Đối chiếu phương châm thích nghi an toàn với dịch bệnh thì TP.HCM cần nhanh chóng mở lại các dịch vụ gọi xe một cách bình thường, không giới hạn số lượng. Các hoạt động kinh tế phục vụ nhu cầu người dân mở ra càng nhiều càng tốt, sẽ thúc đẩy rất lớn sự hồi phục, phát triển kinh tế của TP.HCM giai đoạn này”, ông Nam nhận định.