Chi phí tăng, lao động thiếu
Tại cuộc họp mới đây với Sở Công Thương TPHCM, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết khó khăn nhất của DN trong ngành may hiện nay là giá nguyên vật liệu đang không ngừng tăng cao. Cụ thể giá sợi cotton 2 năm qua tăng gần 70%, nguyên phụ liệu ngành dệt may cũng tăng đến 40%. Không chỉ ngành may, rất nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu cũng đang đứng trước khó khăn khi giá nguyên liệu nhảy múa trước nhiều biến động của tình hình thế giới. Sản xuất, xuất khẩu gỗ là thí dụ điển hình. Việt Nam tuy là một trong những quốc gia xuất khẩu đỗ gỗ lớn, thế nhưng chúng ta cũng phụ thuộc không nhỏ vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Hiện Nga là một trong những đối tác cung ứng gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Song xung đột Nga - Ukraine đang làm nguồn cung này bị thiếu hụt, đẩy giá gỗ nguyên liệu tại các thị trường khác như EU, Mỹ tăng cao hơn. Việc chuyển hướng, chủ động nguồn gỗ trong nước một lần nữa được nhắc đến nhưng sẽ không thể giải quyết sớm bài toán khó này. Theo phân tích của các chuyên gia, ngành gỗ không chỉ đối diện với khó khăn về nguyên liệu, còn phải thận trọng trước các lệnh cấm vận với sản phẩm của Nga. Khi đó các DN phải cân nhắc tỷ lệ gỗ nhập từ Nga trong các sản phẩm xuất đi 2 thị trường lớn hiện nay là Mỹ và châu Âu.
Không chỉ chịu tác động mạnh từ chi phí đầu vào tăng cao, các DN, đặc biệt là khối DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ, còn đứng ngồi không yên khi số ca mắc Covid-19 đang ngày càng tăng nhanh. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, cho biết DN ông đang gặp khó khăn với vấn đề lao động. Trước đó, do đại dịch đã có lượng lớn lao động dịch chuyển về quê, sau tết số lao động quay lại chỉ khoảng 80%. Nay lại thêm số người mắc Covid-19 tăng nhanh, buộc doanh nghiệp phải cho NLĐ nghỉ 7-10 ngày thậm chí lâu hơn. Điều này khiến những bộ phận chỉ có khoảng 50% NLĐ làm việc. Thiếu lao động khiến DN hết sức mệt mỏi vì có thể bị trễ hạn giao hàng.
Chưa hết, tình hình chiến sự Nga - Ukraine đang làm vấn đề thiếu container tại các cảng thêm trầm trọng, đẩy chi phí vận chuyển đi các thị trường chính của hàng Việt như Mỹ và châu Âu tăng cao. Theo tính toán, hiện chi phí hàng từ TPHCM đi Mỹ tăng khoảng 10 lần so với lúc thị trường ổn định. Chi phí tăng phi mã nhưng giá bán đầu ra chưa thể tăng do hợp đồng đã ký với khách hàng, đặc biệt với những DN đã ký hợp đồng tới tháng 7, tháng 8 tình hình càng khó khăn hơn. Chưa kể, giá nếu có tăng cũng chỉ có thể nhích nhẹ không thể tăng mạnh, vì người tiêu dùng nhiều quốc gia cũng đang thắt chặt hầu bao trước nhiều biến động khó lường của tình hình chung.
Phí chồng phí
Ông Nguyễn Chí Trung cho rằng trong khi DN đang trong vòng xoáy khó khăn, chính sách hỗ trợ như lãi vay chưa tiếp cận được, nếu từ ngày 1-4 tới TPHCM vẫn áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển, chi phí sẽ đội lên 10-15%, tiếp tục ăn mòn lợi nhuận của DN. “Mới đây, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam cùng với 6 hiệp hội khác đã gửi kiến nghị TPHCM có thể lùi thời gian triển khai thực hiện việc thu phí hạ tầng cảng biển, nhưng hiện vẫn chưa có hồi đáp về vấn đề này” - ông Trung cho biết. Đại diện cho tiếng nói DN ngành may, bà Xuân cho rằng thời điểm này các DN rất cần được hỗ trợ, trong đó cần xem xét lại mức thu phí và lùi thời hạn áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM.
Theo các DN thuộc 7 hiệp hội ngành hàng, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM có một số bất hợp lý. Thứ nhất, thời gian áp dụng chưa phù hợp. Cụ thể từ tháng 6 đến tháng 9-2021, đa số DN phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh nhưng vẫn phải chi trả các khoản như lương công nhân, lãi vay, chi phí tồn kho, lưu kho… Từ tháng 10 đến tháng 12-2021, đa số DN chỉ hoạt động được 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu… Đầu năm 2022, các DN bắt đầu phục hồi sản xuất thì chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Vì thế, việc thu phí hạ tầng cảng biển thời gian này càng làm tăng thêm gánh nặng cho DN.
Dù đã sắp tới thời điểm bắt đầu thu phí, nhưng TPHCM vẫn chưa có thông báo công khai về việc sử dụng các mức phí này cho những công trình hạ tầng cụ thể nào. Trong khi đó, theo phản ánh của các DN hiện họ đều phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT... Chỉ tính riêng phí BOT, hiện nay DN đã gánh thêm khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT. Thí dụ, hiện tại từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TPHCM) đã có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi container phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về. Như vậy, trung bình mỗi năm 1 DN thủy sản ở Khánh Hòa với 3.000 container xuất khẩu phải trả thêm 7,5 tỷ đồng tiền phí trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí mới này, 1 DN thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TPHCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm.
Do vậy các hiệp hội kiến nghị TPHCM lùi thời hạn thực hiện thu các loại phí nói trên đến hết 31-12-2022. Đồng thời, điều chỉnh thu chung mức phí 250.000 đồng/container 20ft, 500.000 đồng/container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng.
2022 là năm khó đoán định vì không chỉ dịch vẫn diễn biến phức tạp, còn do nhiều chính sách thay đổi ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. |