Sốc hóa đơn tiền điện 'nóng' cùng thời tiết

(ĐTTCO) -  Nhiều hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh có hóa đơn tiền điện tăng cao trong một vài tháng trở lại đây. Trong khi đó, ngành điện phải đối mặt với vấn đề an ninh năng lượng.
Nhiều hộ dân ở TP Hồ Chí Minh cho biết hóa đơn tiền điện trong tháng qua tăng gấp đôi bình quân các tháng trước.
Nhiều hộ dân ở TP Hồ Chí Minh cho biết hóa đơn tiền điện trong tháng qua tăng gấp đôi bình quân các tháng trước.

Cú sốc hóa đơn

"Thống kê qua công cụ thanh toán trực tuyến trên điện thoại của tôi, hóa đơn tiền điện 6 tháng trước trung bình 1,8 triệu đồng/tháng, riêng tháng này đã tăng gấp đôi, khoảng 3,1 triệu đồng, ảnh hưởng rất lớn đến tổng chi phí sinh hoạt của gia đình", chị Nguyễn Thị Nghĩa, phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Gia đình chị Nghĩa có kinh doanh tiệm nail ở tầng 1 và phòng ngủ ở tầng 2, tổng cộng 3 máy lạnh, chưa kể bếp điện, tủ lạnh, quạt điện. Trong mùa nắng nóng cao điểm, các thiết bị này đều hoạt động hết công suất, đẩy chi phí tăng lên đáng kể.

Tương tự, trên group cư dân của một chung cư ở Bình Thạnh, chị Kim Dung, một cư dân đăng bài thắc mắc: "2 tháng nay có nhà ai bị tăng tiền điện đột biến lên gấp đôi bình thường như nhà em không?". Ngay lập tức, hơn 40 ý kiến phản hồi, trong đó, đa phần đều khẳng định hóa đơn tiền điện của nhà mình cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba các tháng trước.

Tại buổi "Tọa đàm trực tuyến về giá điện", do báo Thanh Niên tổ chức ngày 16/5/2023 tại TP Hồ Chí Minh, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ trong chưa đầy một tháng vừa qua, lượng điện tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh đã "phá kỷ lục" 4 lần. Đó là vào các ngày 21/4, 25/4, 5/5 và đặc biệt ngày 6/5. Sản lượng tiêu thụ điện đã từ hơn 93 triệu kWh/ngày. Đến xấp xỉ 95 triệu kWh/ngày. Cao nhất từ trước đến nay.

Nguyên nhân kép

Hai nguyên nhân chính dẫn đến việc hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt. Thứ nhất là do thời tiết nắng nóng cực đoan, khiến sản lượng tiêu thụ điện tăng cao.

Theo nghiên cứu, máy lạnh (điều hòa nhiệt độ) thường chiếm từ 40 – 75% lượng tiêu thụ điện của các hộ gia đình ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh. TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết: Trong những ngày nắng nóng, người dân sử dụng máy lạnh liên tục, trong thời gian dài và cài đặt nhiệt độ thấp, chênh lệch lớn với môi trường bên ngoài, tiêu tốn rất nhiều điện năng tiêu thụ so với bình thường.

"Máy lạnh thường có chế độ tạm ngắt khi nhiệt độ trong phòng đạt đến nhiệt độ cài đặt. Tuy nhiên, nhiệt độ cài đặt chênh lệch lớn với nhiệt độ bên ngoài thì sẽ mất rất lâu để không khí trong phòng đạt được mức này. Máy lạnh sẽ phải chạy liên tục, có khi cả ngày đêm, tiêu thụ điện năng rất lớn. Chưa kể các thiết bị khác như tủ lạnh cũng tiêu tốn điện năng nhiều hơn khi nắng nóng", ông Sơn nói.

Nguyên nhân thức hai, từ 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Thế nên, nỗi lo chung của nhiều người dân là các tháng sau, chỉ số điện của gia đình sẽ tiếp tục tăng. Khi có sự cộng hưởng của nắng nóng, giá điện tăng và hóa đơn tiền điện đội lên vì nhảy bậc (do biểu giá điện sinh hoạt tính theo 6 bậc).

"Việc điều chỉnh giá điện lần này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cân nhắc. Trong 4 năm vừa qua giá điện không tăng, trong khi các chi phí nhiên liệu đầu vào tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Chúng tôi cũng biết điều chỉnh tăng giá điện rơi đúng vào thời điểm diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt, gây áp lực lên các hộ gia đình, nhưng chúng tôi cũng đánh giá đây là thời điểm thích hợp nhất", ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.

Đồng quan điểm với ý kiến này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu điều chỉnh giá điện vào thời điểm mát mẻ như giai đoạn cuối năm thì sẽ còn khó khăn hơn vì đây là thời điểm nguồn tiền chi ra cho các hoạt động tiêu dùng và kinh tế xã hội là rất lớn như sản xuất kinh doanh phục vụ cao điểm Tết nguyên đán, tiền lương thưởng… rất dễ gây ra nguy cơ mất kiểm soát lạm phát. Lựa chọn điều chỉnh giá điện vào thời điểm đầu năm như hiện nay thì phù hợp hơn.

Tiết kiệm điện

Giá cả là một phần, nguy cơ lớn hơn là thiếu điện. Điều cần nhất lúc này là triển khai được các giải pháp tiết kiệm điện cho khối doanh nghiệp và người dân.

Từ năm 2020, Chính phủ đã có chỉ thị số 20 ngày 7/5/2020 về công tác tiết kiệm điện, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra các chỉ tiêu rất cụ thể cho từng nhóm lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề. Đơn cử như khối doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo đặt mục tiêu tiết kiệm lượng điện tiêu thụ 2%/năm. Tiết kiệm 2% lượng tiêu thụ điện đối với hệ thống chiếu sáng, và có thể tới 50% đối với quảng cáo và chiếu sáng công cộng…

Trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm điện càng trở nên cần thiết. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hàng năm Thủ tướng Chính phủ có ban hành danh mục các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, hiện danh sách này đang có 3.068 doanh nghiệp (tăng hơn 100 doanh nghiệp so với năm 2021). Số doanh nghiệp này đang tiêu thụ khoảng 34% tổng lượng điện của toàn quốc, tương đương khoảng 74 tỷ kWh điện. Nếu các doanh nghiệp này tiết kiệm được 2%, chúng ta đã có 1,4 tỷ kWh điện.

"Tương tự, với khối điện sinh hoạt, các hộ gia đình đang chiếm khoảng 34% tổng lượng tiêu thụ điện của toàn quốc. Nếu chỉ tiết kiệm được 1 - 2% thôi chúng ta cũng tiết kiệm được tương tự như khối doanh nghiệp: hàng tỷ kWh điện mỗi năm. Đây là những dư địa mà chúng ta có thể thực hiện tốt hơn công tác tiết kiệm điện trong thời gian tới" Ông Lâm chia sẻ. Đồng thời khẳng định EVN đã chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương báo cáo và phối hợp với UBND, Sở công thương các tỉnh thành sở tại, để triển khai các giải pháp cụ thể về tiết kiệm điện.

Tiết kiệm điện là giải pháp kéo giảm hóa đơn tiền điện và đảm bảo an ninh năng lượng.

Còn theo TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, để tiết kiệm điện cho gia đình và xã hội, người dân nên quan tâm thay các loại bóng điện tiêu tốn năng lượng bằng đèn LED tiết kiệm điện và có độ bền cao hơn; sử dụng thay thế các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương; có thói quen sử dụng điện đúng lúc, đúng chỗ, tắt khi không cần thiết.

"Đặc biệt là thói quen sử dụng máy lạnh trong mùa nắng nóng, nên cài đặt nhiệt độ chênh lệch không quá 10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Điều này sẽ vừa đảm bảo sức khỏe, tránh bị sốc nhiệt cho người dùng, vừa tiết kiệm điện năng rất nhiều so với để nhiệt độ quá thấp so với ngoài trời" – TS. Sơn khuyến nghị.

Các tin khác